Tin thủy sản Sản xuất tôm - lúa 50 năm vẫn... thiếu đủ thứ

Sản xuất tôm - lúa 50 năm vẫn... thiếu đủ thứ

Tác giả Chúc Ly, ngày đăng 23/07/2016

Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 22.7.

Phát triển chưa xứng  tiềm năng

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, sau gần 50 năm hình thành và phát triển, mô hình canh tác lúa – tôm đang phát triển mạnh do có nhiều lợi thế: Đầu tư thấp, hiệu quả cao, lợi nhuận cao hơn 15-30% so với độc canh cây lúa hay tôm; giúp cải tạo môi trường theo hướng bền vững; ít dùng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, cho sản phẩm gạo và tôm sạch, được thị trường ưa chuộng... Tổng cục Thủy sản thông tin, năng suất bình quân của mô hình khoảng 300-500kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30-35 triệu đồng/ha, lãi 35-50 triệu đồng/năm (tính cả tôm và lúa).

Thực tế cho thấy, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra “xung đột” trong quá trình sản xuất, là mô hình “thông minh”. Sản xuất lúa – tôm được đánh giá là mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác và được xem như mô hình thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, mô hình canh tác tôm – lúa đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Mô hình sản xuất lúa – tôm khu vực ĐBSCL không ngừng tăng cả về diện tích và sản lượng. Năm 2000, diện tích toàn vùng chỉ đạt 71.000ha, đến năm 2015 diện tích tăng gấp 2,2 lần, đạt gần 160.000ha, chiếm khoảng 28% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng. Sản lượng tôm ước đạt 65.000 tấn, chiếm 15% tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ của vùng và chiếm 11% sản lượng nuôi tôm nước lợ cả nước; đồng thời cung cấp từ 500.000-700.000 tấn lúa đặc sản, chất lượng cao.

Tại diễn đàn, các đại biểu nêu thực trạng như- hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, kênh thoát chưa đáp ứng nhu cầu nên gây khó khăn cho công tác sản xuất và kiểm soát dịch bệnh trong thực hiện mô hình; sản xuất phần lớn ở quy mô nhỏ lẻ, năng suất còn thấp, chưa ổn định; nguồn giống phục vụ sản xuất chưa chủ động, chưa đảm bảo chất lượng; vật tư đầu vào phục vụ sản xuất khó kiểm soát; biến đổi khí hậu cũng gây khó khăn cho sản xuất…

Ông Trần Tân Khoa – Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hưng Phú, cho biết: Do lợi nhuận từ tôm cao hơn lúa nên người dân có xu hướng giữ nước mặn nhằm kéo dài vụ tôm, rút ngắn thời gian vụ lúa. Đây là nguyên nhân làm mất đi những ưu điểm về cân bằng  sinh thái từ mô hình tôm – lúa mang lại. Đồng thời, vấn đề đặt ra là năng suất tôm - lúa trong vùng sản xuất còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Mặt khác, việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cũng mới chỉ được quan tâm tại một vài nơi. Do vậy, dù có nhiều ưu thế về sản xuất nông sản chất lượng cao nhưng tiềm năng của vùng sản xuất này chưa được khai thác hiệu quả.

Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt, với những dự báo về biến đổi khí hậu và mực nước dâng cao, xâm nhập mặn sẽ có nhiều nguy cơ tăng về cường độ, nồng độ lẫn chiều sâu. Như vậy, vùng ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa luân canh tôm nói riêng ở ĐBSCL có thể lớn  hơn.

Cần xây dựng quy trình canh tác lúa, tôm

Theo ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích tôm - lúa dự kiến đạt khoảng 160.000ha năm 2015, đến năm 2020 ổn định diện tích khoảng 200.000ha. Vùng sản xuất tôm - lúa cần nhanh chóng xây dựng các thương hiệu gạo theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP và các loại GAP khác, gạo hữu cơ. Thương hiệu gạo không chỉ xây dựng với thị trường trong nước mà cần phải mở rộng với thị trường xuất khẩu phù hợp.


“Cần quy hoạch xác định vùng có khả năng phát triển lúa - tôm, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển, đánh giá các tác động môi trường và yếu tố phát triển bền vững. Đồng thời, bố trí thời vụ canh tác hợp lý cho từng vùng và từng tiểu vùng trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn ở thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa; xây dựng quy trình canh tác lúa, tôm trong mô hình và tổ chức tập huấn, huấn luyện nông dân” – ông Hòa nêu ý kiến.

Ông Phan Thanh Lâm (Viện Nuôi trồng thủy sản 2) cho rằng: Mô hình canh tác tôm - lúa tại ĐBSCL là mô hình canh tác hở, hầu hết điều kiện canh tác phụ thuộc vào thời tiết khí hậu của vùng. Để giảm những rủi ro về xâm nhập mặn và giúp mô hình duy trì đạt hiệu quả cao cần phải quan tâm đồng bộ các yếu tố như tuyên truyền duy trì thực hiện mô hình, theo dõi và bám sát lịch mùa vụ, cải tiến lại hệ thống đồng ruộng, chủ động hệ thống bơm nước và phát triển theo hướng cộng đồng.

“Kiến nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm, bổ sung các giống lúa có khả năng chịu mặn khi đưa vào sản xuất, cấp độ chịu mặn phải đạt thấp nhất từ 4%o trở lên để hạn chế rủi ro cho nông dân khi canh tác lúa trên đất nuôi tôm” – ông Huỳnh Quốc Khởi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu đề xuất.

Về khắc phục hạn chế của mô hình tôm - lúa, ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: Cần làm quyết liệt hơn việc quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa, cần thiết xây dựng một vùng chuyên sản xuất tôm – lúa. Trong vùng đó, chúng ta mới quy hoạch lâu dài về hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, chuyển giao xây dựng mô hình, tập huấn cho nông dân, đồng thời thành lập hợp tác xã. Từ đó mới có vùng sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp và nông dân sẽ dễ dàng liên kết với nhau, tiến tới xây dựng thương hiệu.

 “Nông dân nên tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, chỉ nên nuôi 1 vụ tôm, 1 vụ lúa/năm. Các tỉnh cần tăng cường tập huấn kỹ thuật, tổ chức các điểm trình diễn mô hình tôm - lúa cho nông dân tham quan, học hỏi. Hiện nay mô hình sản xuất tôm  - lúa cũng là một hình thức chuyển đổi đất lúa, chúng ta cũng nên đề xuất chính sách để có sự hỗ trợ cho nông dân” – ông Trần Văn Khởi nhấn mạnh.


Có thể bạn quan tâm

dua-nhau-vè-dà-nãng-lạn-chíp-chíp-bán-cho-trung-quóc Đua nhau về Đà Nẵng… giu-lua-cho-tau-ca-vuon-khoi Giữ lửa cho tàu cá…