Mô hình kinh tế Sắp Có Thêm Giống Lúa Lai Thơm Mới Cho Đồng Bàng Sông Cửu Long

Sắp Có Thêm Giống Lúa Lai Thơm Mới Cho Đồng Bàng Sông Cửu Long

Ngày đăng 03/03/2015

Sáng 27-02 tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) đã tổ chức hội thảo mô hình thâm canh và sản xuất hạt giống lúa lai thơm. Đây là một bước quan trọng của quá trình triển khai thực hiện Đề tài khoa học KC.06/11-15 do Thạc sĩ Dương Thành Tài – Phó Tổng Giám đốc SSC làm chủ nhiệm. Đề tài do Văn phòng các chương trình trọng điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

Thạc sĩ Dương Thành Tài – cho biết Đề tài KC.06/11-15 được triển khai từ tháng 4-2013 đến tháng 12-2015 với mục tiêu chính là nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai ba dòng năng suất cao, thơm, chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu gạo của khu vực ĐBSCL.

Đề tài gồm 3 mảng chính là lai tạo dòng bố mẹ và giống lúa lai thơm xuất khẩu, nghiên cứu kỹ thuật sản xuất lúa lai và nghiên cứu kỹ thuật thâm canh lúa lai với tổng số 86 chuyên đề.

Đề tài được triển khai thực nghiệm trên diện tích 10 ha tại 5 điểm ở ĐBSCL là: Huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An), 2 huyện Vũng Liêm, Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long), huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) và huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Bạc Liêu).

Trên diện tích 10 ha, nhóm nghiên cứu Đề tài KC.06/11-15 đã lai tạo 5 giống lúa lai thơm được ký hiệu từ KC.06-1 đến KC.06-5. Tại các điểm trình diễn lúa lai KC.06 đều có trồng một số giống lúa đối chứng như OM 4900, IR 50404, Ha Na và OM 5451.

“Sau 3 năm triển khai nghiên cứu, đến nay Đề tài đã đi đến bước khảo nghiệm giống lúa lai. Kết quả bước đầu cho thấy giống lúa lai mới có 3 ưu điểm lớn là: kháng rầy, kháng bệnh đạo ôn và chịu phèn rất tốt. Sắp tới chúng tôi sẽ chuyển sang giai đoạn sản xuất thử và cuối cùng là cung cấp giống cho thị trường” – Thạc sĩ Tài nói.

Một số nông dân ở Nam Thái Sơn tham gia sản xuất lúa lai thương phẩm thử nghiệm đều rất phấn khởi khi thấy chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm gần 70% do không phải diệt rầy nâu và phòng bệnh đạo ôn, năng suất lại rất cao từ 9 – 12 tấn/ha tuỳ nơi, hạt gạo từ lúa lai dài, trắng, nấu cơm rất thơm và mềm.

Ông Nguyễn Quốc Lý – Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm Giống cây trồng miền Nam – cho biết trong hơn 10 năm qua, Trung tâm đã khảo nghiệm 200 giống lúa lai, nhưng chỉ mới cấp xác nhận cho 7 giống, tức là tỉ lệ thành công rất thấp và công tác nghiên cứu giống lúa lai thật sự rất khó khăn.

“Với kết quả khảo nghiệm lần này, có thể tin tưởng trong 5 giống lúa lai thuộc Đề tài KC.06/11-15 sẽ có ít nhất 2 giống được sản xuất thương mại và 2 giống này hoàn toàn có thể cạnh tranh với các giống lúa OM và IR 50404” – ông Lý nhận xét.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-mong-toi-lay-hat Hiệu Quả Từ Mô Hình… nong-dan-tay-ninh-tranh-thu-xuong-giong-khoai-mi Nông Dân Tây Ninh Tranh…