Sau xoài và thanh long, đến chôm chôm Việt "đi" New Zealand
Sáng nay 10-4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam về việc xuất khẩu quả chôm chôm Việt Nam sang New Zealand.
Trái chôm chôm đặc sản của Nam bộ
Trao đổi với PV Báo SGGP ngay sau lễ ký kết và công bố, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, như vậy đây là loại trái cây thứ ba (sau xoài và thanh long) của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường New Zealand. Điều đó cũng đồng nghĩa việc bắt đầu từ ngày hôm nay, các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể đăng ký xuất khẩu chôm chôm Việt Nam sang thị trường này sau khi hai nước đã chính thức công nhận.
Ông Hoàng Trung cũng cho biết thêm, ngay trong buổi sáng 10-4, đã có 3 doanh nghiệp của Việt Nam đăng ký đưa trái chôm chôm sang New Zealand.
Trong số các doanh nghiệp đang xúc tiến đưa trái chôm chôm xuất khẩu, ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Agricare cho biết: “Sau sự kiện này chúng tôi sẽ tiếp cận với các doanh nghiệp phía New Zealand, tìm hiểu và mở rộng sang thị trường này. Hy vọng trong thời gian sớm nhất lô hàng chôm chôm sẽ cập bến thị trường New Zealand”.
Cũng theo ông Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đến thời điểm này, trái chôm chôm của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường lớn như: Mỹ, EU và ASEAN… Chỉ còn các thị trường Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc là vẫn chưa hoàn thiện được hồ sơ cho chôm chôm.
Nói về tiềm năng xuất khẩu, ông Hoàng Trung chia sẻ: Hiện nay cả nước đang có 26.000ha chôm chôm với năng suất khoảng 15 tấn/ha. Như vậy mỗi năm chúng ta đang sản xuất tới 400.000 tấn chôm chôm, thoải mái đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cũng theo ông cục trưởng, điều quan trọng nhất từ lễ ký kết xuất khẩu này là New Zealand là một thị trường không lớn nhưng rất khắt khe và khó tính về tiêu chuẩn chất lượng cũng như yêu cầu kỹ thuật. Vì vậy, khi Việt Nam “lọt mắt xanh” của New Zealand là cơ hội lớn để khẳng định thương hiệu, uy tín để tiếp tục chinh phục các thị trường tiềm năng khác.
Để xuất khẩu được chôm chôm vào New Zealand, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu như: vườn trồng chôm chôm phải lập hồ sơ đăng ký, được cấp mã số vùng trồng, kiểm soát sinh vật gây hại, sản xuất theo đúng quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện chiếu xạ, quy cách đóng gói. Các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu xử lý đối với chôm chôm xuất khẩu sang New Zealand đúng yêu cầu nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ