Mô hình kinh tế Sẽ có nhiều chính sách mạnh hơn cho nông nghiệp

Sẽ có nhiều chính sách mạnh hơn cho nông nghiệp

Ngày đăng 05/11/2015

Trong đó có việc sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nông dân và doanh nghiệp thực hiện tích cực hơn chủ trương này.

Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp

Khác với thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, với phần phát biểu giải trình chỉ hơn 10 phút, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã dành một nửa thời gian để nói về chủ trương TCC của ngành.

Theo đó, ông Phát cho biết, Bộ NNPTNT đang sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường quốc doanh để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

“Rất phấn khởi là gần đây đã có các doanh nghiệp lớn đầu tư vào trong lĩnh vực nông nghiệp”- ông Phát nói.

 

Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát giải trình với Quốc hội ngày 3.11.

Cũng theo ông Phát, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các bộ, địa phương thúc đẩy việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật thông qua việc điều chỉnh nội dung, nhiệm vụ, cơ chế quản lý và thu hút các doanh nghiệp tham gia.

Việc áp dụng, phổ biến các quy trình sản xuất tốt, cơ giới hóa nông nghiệp cũng đang được đẩy mạnh.

Đồng thời, chúng tôi cũng đang phối hợp để điều chỉnh đầu tư công bằng việc lồng ghép các chương trình, dự án, khuyến khích đầu tư tư nhân.

Làm rõ hơn quan điểm TCC nông nghiệp, ông Phát tự nêu câu hỏi: “Vậy trên thực tiễn, TCC đã có tác động như thế nào tới nông nghiệp?”.

Và ông đã trả lời chi tiết: Về cơ cấu sản xuất, đang có chuyển biến theo hướng phát huy các lợi thế của cả nước (như cà phê, hồ tiêu, điều, lúa gạo…- PV).

“Đã có khoảng 200.000ha lúa được chuyển sang trồng cây khác có giá trị hơn.

Riêng trong sản xuất lúa, đang có chuyển động mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao tăng nhanh.

Như ở Thái Bình, 70% diện tích gieo trồng vụ mùa vừa qua là giống lúa chất lượng cao với giá từ 7.000 đồng/kg trở lên”- ông Phát nêu rõ.

Đối với các lĩnh vực sản xuất khác, ông Phát cũng khẳng định đang có sự thay đổi theo hướng hiệu quả hơn.

Như chương trình tái canh cây cà phê để phát triển bền vững hơn, hay chương trình cải tạo vườn điều, phát triển hồ tiêu, mô hình hợp tác công- tư đối với cây chè, mở rộng diện tích trồng rau quả công nghệ cao, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp (nông trại, gia trại) với giống và tiến bộ kỹ thuật hiện đại…

“Nhiều đồng chí cũng có hỏi tôi, vậy thì TCC chăn nuôi là làm cái gì? Thưa các đồng chí, TCC chủ yếu là nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và điều đó được thực hiện chủ yếu bằng việc phổ biến, hướng dẫn cho nông dân áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới, phát triển chăn nuôi công nghệ cao”- ông Phát nói tiếp.

Theo ông Phát, các hoạt động trên đều đã giúp tăng cao thu nhập cho nông dân, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, sự chuyển động còn khác nhau ở các địa phương và còn chậm so với yêu cầu.

Đại biểu kỳ vọng ở ngành nông nghiệp

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế- xã hội, rất nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến chính sách TCC ngành nông nghiệp.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: “Sắp tới Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn của gần 60 quốc gia trên thế giới khi chúng ta hoàn thành việc ký kết 14 Hiệp định FTA, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các nước đối tác, có thuế suất ưu đãi rất thấp hoặc bằng 0.

Đặc biệt, đối với các nhóm hàng hóa nông sản của ta đang có lợi thế như lúa gạo, thủy sản, cao su, cà phê, tiêu, điều, và một số nông sản khác”.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, bên cạnh những thời cơ thuận lợi luôn đi kèm với những khó khăn thách thức, nhất là với ngành sản xuất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân.

Vậy, chúng ta nên chủ động những gì và bắt đầu từ đâu? “Theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta nên bắt đầu từ việc thiết kế xây dựng một khung chính sách hoàn chỉnh và thật thông thoáng.

Thử nhìn lại các chính sách nông nghiệp đã ban hành trong thời gian qua để thấy được những bất cập cần phải tiếp tục nghiên cứu để chỉnh sửa hoặc ban hành mới mang tính đột phá, để chắp thêm đôi cánh cho hàng hóa nông sản, thủy sản của Việt Nam ra thị trường thế giới”- đại biểu Nghĩa nêu ý kiến.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) thì cho rằng, hạn chế của nông nghiệp nước ta đã bộc lộ khá rõ từ nhiều năm qua, đó không chỉ là vấn nạn được mùa mất giá mà thực ra hạn chế lớn nhất là năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp Việt Nam rất yếu kém.

Nguyên nhân của tình hình đó có thể là do chúng ta đã duy trì lâu và quá nhấn mạnh vai trò hộ gia đình nông dân như một chủ thể của sản xuất nông nghiệp.

“Trong thời gian qua, ở nước ta những công ty nông nghiệp kỹ thuật cao đã lần lượt xuất hiện ở nhiều nơi.

Nếu những mô hình này xuất hiện ngày càng nhiều, đều khắp thì nông nghiệp và nông thôn nước ta chắc chắn sẽ có sự chuyển đổi căn bản”- đại biểu Đáng phân tích.

Đẩy mạnh tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp

 Đề cập đến các giải pháp thực hiện chủ trương TCC nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh hoặc ban hành các chính sách mới mạnh mẽ hơn để thực hiện chủ trương TCC, nhất là chính sách về đất đai, thuế và vốn.

Xây dựng và bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên nhất là chương trình ứng dụng KHKT, công nghệ cao, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết”.

Đặc biệt, ông Phát cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân và các doanh nghiệp chủ động TCC tích cực hơn.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương): Hình thành thêm các công ty nông nghiệp

Thực trạng hiện nay là các hộ nông dân sở hữu các diện tích nhỏ để canh tác, nên cuộc sống của nông dân rất vất vả và tương lai nếu không có sự thay đổi, đời sống của họ rất khó khăn.

Vấn đề Bộ trưởng NNPTNT nêu lên trước Quốc hội là quan tâm đến đời sống của nông dân, thì đương nhiên phải thực hiện rồi.

Vấn đề chúng ta phải quan tâm là cần tích tụ ruộng đất để hình thành các công ty, doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn.

Từ đó, chính các doanh nghiệp sẽ tạo công ăn, việc làm, đời sống cho các bà con nông dân ở nông thôn.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương): Tái cơ cấu phải nhanh, nét hơn

Chủ trương thực hiện TCC của Chính phủ và ngành nông nghiệp, tôi cho rằng đang đi đúng hướng.

Tuy nhiên, mong muốn của tôi và các đại biểu Quốc hội là việc TCC phải đẩy mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa và rõ nét hơn.

Qua trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng tôi rất mong trong thời gian tới, Bộ trưởng cần rà soát lại các quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tham gia các hiệp định thương mại.

Phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để thu hút mạnh mẽ đầu tư vào nông nghiệp và chỉ khi nào, chúng ta có đội ngũ doanh nhân trong nông nghiệp hùng hậu, khi đó nông nghiệp mới cất cánh được.


Có thể bạn quan tâm

trum-co-kiem-4-ty-dong-moi-nam Trùm cỏ kiếm 4 tỷ… nong-san-viet-hang-ban-nhieu-nhung-van-vo-danh Nông sản Việt: Hàng bán…