Mô hình kinh tế Si Ma Cai (Lào Cai) khai thác tiềm năng nuôi thủy sản

Si Ma Cai (Lào Cai) khai thác tiềm năng nuôi thủy sản

Ngày đăng 25/08/2015

Tiềm năng phát triển

Từ năm 2006, gia đình ông Ngô Tiến Sơn ở thôn Sín Chải, xã Bản Mế bắt đầu mở rộng diện tích nuôi thủy sản. Từ 1.000m2 ban đầu, đến nay, tổng diện tích ao nuôi của gia đình ông đã lên tới hơn 18.000m2. Các loại cá ông nuôi chủ yếu là chép, rô phi, trê lai. Hằng năm, diện tích ao nuôi cho thu 2 lứa cá, mỗi lứa chừng 4 tấn cá, giúp gia đình ông thu về trên 50 triệu đồng.

Tại thời điểm này, tổng diện tích nuôi thủy sản của xã Bản Mế là 2,4 ha; có 12 hộ trong xã có ao, hồ nuôi thủy sản. Bà Bùi Thị Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mế cho biết: Cơ bản các hộ dân nuôi thủy sản có thu nhập ổn định, một số hộ có kinh tế khá, làm giàu từ nuôi thủy sản.

Là huyện vùng cao của tỉnh, Si Ma Cai đang có bước phát triển ổn định, bền vững. Tuy thủy sản không phải là thế mạnh của huyện, nhưng Si Ma Cai có những lợi thế nhất định, đặc biệt là những năm trở lại đây, nhân dân đã quan tâm hơn và tự tìm hướng đi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản. Toàn huyện hiện có gần 20 ha nuôi cá nước ấm, tập trung tại các xã: Thào Chư Phìn, Bản Mế, Mản Thẩn, Cán Cấu, Sín Chéng… Trong khi đó, tổng diện tích ao hồ của Si Ma Cai vào khoảng 230 ha, cho thấy mới chỉ khai thác được rất nhỏ diện tích mặt nước phục vụ nuôi thủy sản. Mặt khác, mạng lưới giao thông được đầu tư mạnh là điều kiện thuận lợi để trao đổi, buôn bán hàng hóa nói chung, thủy sản nói riêng. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số điểm mua bán thủy sản, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thủy sản tại các chợ phiên trên địa bàn như Si Ma Cai, Bản Mế, Sín Chéng.

Nhiều năm gần đây, người dân Si Ma Cai đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc nuôi thủy sản. Từ năm 2009, gia đình ông Ngô Tiến Sơn bắt đầu sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi cá. “Thông qua tài liệu hướng dẫn, các phương tiện thông tin đại chúng, tôi tìm hiểu cách nuôi cá để làm sao sản lượng và chất lượng cá được tăng lên. Tôi đã tìm hiểu cách lựa chọn giống, cách phòng, trừ dịch bệnh, chế độ nước ra - vào, cho cá ăn...” - ông Sơn cho biết. So với thời điểm trước năm 2009, sản lượng cá thu được tăng gấp đôi, giúp gia đình ông có nguồn thu ổn định từ nuôi thủy sản. Cũng ở Bản Mế, nhiều hộ đã tận dụng diện tích ruộng lúa nước để thả những loại cá thích nghi với mặt nước nông. Thuận lợi là điều kiện thời tiết ở Si Ma Cai vào thời điểm cấy lúa có khí hậu mát lành, không xảy ra hiện tượng mặt nước nóng, nên cá sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài diện tích ao hồ, Bản Mế còn có diện tích nuôi cá trên ruộng khoảng 2,7 ha. “Một công đôi việc”, người dân có thêm nguồn thu không nhỏ.

Hướng đi mới

Từ tháng 4/2015, xã Nàn Sín thử nghiệm nuôi cá lồng tại thôn Sinh Chi Pá. Mặc dù chưa thể đánh giá được hiệu quả từ mô hình, nhưng anh Giàng Seo Cấu, Phó Chủ tịch UBND xã Nàn Sín vẫn cho rằng, hiện xã có 5 hộ tham gia với 10 lồng, đến thời điểm này, cá sinh trưởng tốt và phát triển đồng đều, các hộ dân rất tin tưởng vào sự thành công.

Lòng hồ Thủy điện Bắc Hà trên đoạn sông Chảy thuộc địa bàn 4 xã: Bản Mế, Thào Chư Phìn, Sín Chéng, Nàn Sín (Si Ma Cai) có diện tích khoảng 200 ha, mở ra cơ hội cho người dân 4 xã kể trên phát triển nghề nuôi cá lồng, thêm vào đó là cơ hội phát triển dịch vụ, du lịch. Ngoài ra, Si Ma Cai có điều kiện khí hậu nhiệt đới cận ôn đới giống như Sa Pa, thích hợp cho việc phát triển thủy sản nước lạnh. Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Đã có một số đơn vị liên hệ khảo sát nuôi cá nước lạnh ở Mản Thẩn và Sín Chéng. Đây có thể là bước đi mới trong ngành thủy sản của huyện, đưa những giống cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao vào nuôi tại một số địa phương trong huyện.

Khó khăn trong phát triển thủy sản của Si Ma Cai đó là địa hình chia cắt mạnh, nhiều catxtơ; chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; quy mô nuôi thủy sản nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa cao. Mặc dù đã sử dụng các sản phẩm thức ăn công nghiệp, nhưng các hộ vẫn chủ yếu tận dụng các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn dư thừa để nuôi thủy sản. Trong số 20 ha mặt nước nuôi cá nước ấm, năng suất ước chỉ đạt 10 tạ/ha. Đánh giá chung, ông Viên Đình Hiệp cho rằng: Hiện trạng thủy sản Si Ma Cai còn chưa phát triển như các địa phương khác, nhưng có tiềm năng, một số hộ dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật và đã hình thành một số điểm thu mua cá thương phẩm…

Trong thời gian tới, để khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi thủy sản, huyện chủ trương tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân trên địa bàn; xây dựng các mô hình điểm nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao nhận thức của người dân về kỹ thuật nuôi thủy sản, kết hợp với tìm nguồn đầu ra ổn định cho sản phẩm… Trong tương lai, ngành thủy sản sẽ đem lại nguồn thu ổn định cho nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp của huyện vùng cao, biên giới này.


Có thể bạn quan tâm

30-doanh-nghiep-thuy-san-du-dieu-kien-xuat-khau-sang-nga 30 doanh nghiệp thủy sản… nuoi-tom-o-hai-lang-van-lai-bap-benh Nuôi tôm ở Hải Lạng…