Tin nông nghiệp Sinh khí mới từ cây mắc ca

Sinh khí mới từ cây mắc ca

Tác giả Trung Quân, ngày đăng 23/04/2021

Mục tiêu đến năm 2025, Điện Biên sẽ đưa mắc ca thành cây trồng chủ lực với quy mô 11.000 ha, phấn đấu xây dựng một nhà máy chế biến hạt mắc ca.

Hiện nay, nhiều diện tích mắc ca ở Điện Biên đã cho năng suất rất cao, được doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua. Ảnh: Trung Quân. 

Mắc ca giải bài toán khó cho đất dốc, đất bạc màu

Huyện Mường Nhé (Điện Biên), nằm trên biên giới giữa Việt Nam với hai nước láng giềng là Trung Quốc và Lào. Đây là địa bàn trọng điểm, chiến lược thuộc khu vực biên giới phía tây của Tổ quốc. Đến nay, Mường Nhé vẫn là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 70%. Tất cả 11 xã của huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Suốt nhiều năm, người dân Mường Nhé loay hoay với bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì” để mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sự bứt phá, gắn với bảo vệ rừng bền vững, và hiện nay bước đầu đã có lời giải.

Năm 2018, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc triển khai dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé với tổng diện tích 10.000 ha tại 6 xã: Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Nhé, Nậm Vì, Sen Thượng và Sín Thầu.

Dự án gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2020 thực hiện trồng 7.000 ha; giai đoạn 2 từ sau khi hoàn thành giai đoạn 1 được đánh giá thực sự hiệu quả, nếu điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp sẽ tiếp tục trồng 3.000 ha

Với diện tích đất đồi sẵn có, người dân vùng dự án có thể tham gia liên kết trồng mắc ca với doanh nghiệp thông qua góp đất, cho doanh nghiệp thuê đất hoặc tự trồng. Về lợi nhuận, nhà đầu tư và người dân cùng nhau thương thảo, thống nhất mức chia sẻ lợi nhuận, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, nhất là lợi ích của người dân.

Ngoài ra, trong giai đoạn đầu khi cây chưa cho thu hoạch, người dân trong vùng, nhất là những hộ gia đình góp đất có thể trở thành công nhân của công ty. Khi tham gia chăm sóc, bảo vệ cho các diện tích trồng cây mắc ca, người dân được trả lương hàng tháng phù hợp với sức lao động. Đây là một tín hiệu đáng mừng, giúp nhiều hộ dân có thêm công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống.

Không chỉ câu chuyện của Mường Nhé, các mô hình trồng cây mắc ca ngày càng được nhân rộng trên hầu khắp các huyện của tỉnh Điện Biên như Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Ẳng... Với hướng đi đó, cây mắc ca đang tạo nên động lực và niềm tin rất lớn cho người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Là Văn Chanh, bản Pha Nàng, xã Quài Nưa (Tuần Giáo, Điện Biên) chia sẻ: Mắc ca là cây trồng mới nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với những cây trồng trước đây như sắn, tre, luồng…

Năm 2013, ông bắt đầu trồng thử nghiệm theo lời giới thiệu của một người bạn. Ban đầu ông cũng phân vân vì chưa có một chút hiểu biết gì về cây trồng mới này. Nhưng nhìn diện tích đất đồi để không nên ông đánh liều trồng thử, không ngờ cho kết quả ngoài mong đợi.

Sau 5 năm dày công chăm sóc, hiện 1 ha trồng mắc ca của ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2019, ông thu bói được 70 kg, đến năm 2020 sản lượng thu về tăng lên gấp đôi từ 1,8-2 tạ. Dự kiến vụ mùa năm 2021, sản lượng sẽ tiếp tục tăng vì cây bước vào giai đoạn cho quả nhiều.

Theo ông Chanh, mắc ca là loại cây dài ngày dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ bón phân từ 2- 3 lần, dọn cỏ dại là cây có thể phát triển bình thường.

Ông Lù Văn Hiêng, Bí thư Đảng ủy xã Quài Nưa cho rằng: Cây mắc ca thực sự đã mang lại một luồng sinh khí mới cho bà con nơi đây. Toàn xã hiện nay có hơn 600 ha trồng cây mắc ca. Từ chỗ e ngại, hiện tại nhiều hộ dân đã mạnh dạn góp đất với các doanh nghiệp để trồng. Việc trồng cây mắc ca bước đầu cho những kết quả rất khả quan, hiệu quả kinh tế mang lại là rất rõ nét, người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đưa mắc ca thành cây chủ lực

Để phát triển cây mắc ca theo hướng tập trung, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương cho 5 dự án trồng cây mắc ca gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Tổng mức đầu tư hơn 4.729 tỷ đồng, quy mô trồng tập trung 17.214 ha. Đến nay, toàn tỉnh trồng được 3.229 ha. Tổng sản lượng quả tươi đã cho thu hoạch là 79,3 tấn, trong đó năm 2020 là 45,6 tấn.

Mục tiêu đến năm 2025, Điện Biên tạo vùng trồng mắc ca tập trung, hiện đại với quy mô 11.000 ha, phấn đấu xây dựng một nhà máy chế biến hạt mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, tạo cơ sở cho việc quản lý, chỉ đạo và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ, đảm bảo đưa cây mắc ca trở thành cây nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo hướng hàng hóa.

Để làm được những điều này, ngoài việc đưa ra chủ trương quy hoạch, tỉnh Điện Biên còn quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp khảo sát, lập dự án trồng cây mắc ca tại các địa phương có điều kiện khí hậu phù hợp để mở rộng vùng nguyên liệu.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu đo đạc quy chủ, đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tham gia, hợp tác với doanh nghiệp. Trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giao đất rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân.

UBND tỉnh Điện Biên cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ về sản xuất, buôn bán giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, địa phương trồng cây mắc ca bằng các giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao KH-KT về phát triển cây mắc ca cho người dân, doanh nghiệp…

Cây trồng bền vững

Theo Hiệp hội mắc ca Việt Nam, dự báo đến năm 2030 tổng nhu cầu sản phẩm hạt mắc ca toàn thế giới sẽ tăng từ 1% lên 5% tổng sản lượng hạt khô, vào khoảng 800.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng hạt mắc ca dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 400.000 tấn (chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu).

Như vậy, trong hơn 10 năm tới, lượng cung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài ra, diện tích đất và vùng khí hậu phù hợp trồng mắc ca trên thế giới rất ít, do đó đây là lĩnh vực khó có thể bão hòa.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên, qua theo dõi một số diện tích mắc ca đã cho thu hoạch cho thấy cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn một số loại cây ăn quả phổ biến hiện trồng trên địa bàn tỉnh như dứa, cam, bơ, mận, xoài…

Sau khi thu hoạch, quả mắc ca chỉ cần sơ chế tại chỗ là có thể bảo quản trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm. Nhân hạt mắc ca đa dạng về mục đích sử dụng, có thể ăn tươi hoặc chế biến sâu thành sản phẩm dinh dưỡng dữa, dầu ăn, bánh, kẹo, mỹ phẩm cao cấp…

Bên cạnh đó, qua theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca trên địa bàn tỉnh cho thấy, nếu có sự đầu tư về kỹ thuật chăm sóc như tưới nước, bón phân và việc lựa chọn giống tốt, phù hợp, sau khoảng 3 - 4 năm trồng, cây sẽ cho bói quả.

Từ năm thứ 6 trở đi, mắc ca có thể cho thu hoạch với sản lượng trung bình khoảng 1.2 tấn/ha, đến năm thứ 10 trở đi, sản lượng cây mắc ca ước tính ổn định khoảng 3 tấn/ha. Với giá bán quả khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, doanh thu 01 ha mắc ca trung bình từ năm thứ 6 trở đi khoảng 70 triệu đồng/ha, năm thứ 10 trở đi khoảng 150 triệu đồng/ha.

Mặt khác, cây mắc ca có tuổi thọ trên 100 năm, chu kỳ khai thác kinh doanh dài (trên 60 năm) nên hiệu quả kinh tế đạt được rất lâu dài, bền vững.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Điện Biên nhận định: Việc chuyển đổi diện tích trồng các loại cây hoa màu kém hiệu quả trên đất dốc, đất đồi bạc màu sang trồng cây mắc ca là hướng đi đúng đắn.

Mắc ca đã giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ đất và nguồn nước, chống xói mòn (do cây mắc ca là cây thường xanh, tán rộng). Đồng thời, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân...


Có thể bạn quan tâm

lua-om-468-nhieu-trien-vong-xuat-khau Lúa OM 468 nhiều triển… trong-buoi-huong-huu-co-chong-chiu-han-man Trồng bưởi hướng hữu cơ…