Sinh vật mang mầm bệnh và khả năng truyền bệnh vi-rút ở tôm nuôi
Phương thức lây nhiễm của bệnh vi-rút chủ yếu là theo chiều ngang qua nguồn nước, xác tôm nhiễm bệnh và thông qua các sinh vật mang mầm bệnh (carriers). Sinh vật mang mầm bệnh có thể nhiễm vi-rút nhưng không có biểu hiện của bệnh. Sinh vật mang mầm bệnh vi-rút đã được xác định bao gồm: một số loài tôm nuôi, tôm tép tự nhiên, các loài cua, nhóm thức ăn tươi sống (giun nhiều tơ, luân trùng, artemia, ốc mượn hồn…), các loài chim biển và các loài côn trùng thủy sinh.
Các nghiên cứu về phương thức lan truyền bệnh kết hợp kỹ thuật phân tử đã khẳng định sinh vật mang mầm bệnh nhiễm vi-rút có thể truyền sang cho tôm. Bằng cách nào mầm bệnh vi-rút có thể xâm nhập vào trong hệ thống nuôi tôm? Câu hỏi này đã được tìm hiểu và xác định qua nhiều thực nghiệm.
Trong hệ thống nuôi tôm, sinh vật mang mầm bệnh được xác định làm lây nhiễm mầm bệnh vi-rút do khả năng di chuyển từ ao này sang ao khác. Cua có thể nhiễm vi-rút từ việc ăn xác tôm có nhiễm vi-rút hoặc sống trong môi trường nước có nhiễm vi-rút (Supamattaya et al., 1998). Trứng của luân trùng Brachionus urceus thu từ bùn đáy ao tôm đã được phát hiện có nhiễm vi rút gây bệnh đốm trắng (white spot syndrome virus – WSSV) (Yan et al., 2004).
Tôm còn sống sót sau giai đoạn dịch bệnh virút (Taura syndrome virus – TSV, Infectious hypodermal and hematopoietic necrosis virus – IHHNV) có thể nguồn lan truyền vi-rút cho các tôm khác nhạy cảm với bệnh. Qua đó, chất thải từ sinh vật mang mầm bệnh này sẽ là nguồn lây lan của bệnh vi-rút trong hệ thống nuôi. Ví dụ: Bệnh còi do vi-rút đa diện có nhân Baculovirus Penaei – BP và Monodon Baculovirus – MBV lây truyền do vi-rút có trong phân của tôm bị nhiễm bệnh. Bệnh vi-rút hoại tử tuyến ruột giữa (baculoviral mid-gut gland necrosis – BMN) được thải ra cùng với phân vào môi trường nước và làm lây lan mầm bệnh này trong hệ thống nuôi thâm canh tôm he Nhật Bản (FAO Fisheries Technical Paper 402/2). Như vậy, phổ loài sinh vật mang mầm bệnh rộng là một trong những yếu tố giúp cho các bệnh vi-rút lây lan nhanh chóng.
Một số sinh vật mang mầm bệnh vi-rút (carriers)
Trong môi trường nước ao nuôi, sinh vật phù du được xác định có nhiễm vi-rút và làm tăng quá trình lây lan của vi-rút trong hệ thống nuôi(Walker et al., 2011; Zhang et al., 2006; 2007; 2008). Walker et al. (2011) thực hiện thí nghiệm theo dõi quá trình lây nhiễm WSSV trong các ao nuôi tôm quảng canh ở Ấn độ. Thí nghiệm đã cho thấy quá trình lây nhiễm diễn ra trong các ao tôm nuôi quảng canh như sau: (i) đầu tiên WSSV nhiễm trong tôm tự nhiên, kế tiếp được phát hiện nhiễm trong nhóm cua và theo đó là nhóm sinh vật phù du; (ii) Sinh vật phù du được xác định có nhiễm WSSV trong tất cả các ao dùng trong nghiên cứu. Con đường lây nhiễm WSSV từ thủy sinh vật – luân trùng – artemia và cuối cùng là tôm đã được xác định qua thực nghiệm của Jiang (2012).
Các côn trùng thủy sinh và một số loài chim cũng tham gia vào việc lan truyền bệnh vi-rút trong hệ thống nuôi tôm. Côn trùng thủy sinh Trichocorixa reticulata (Corixidae) ăn tôm chết và chúng bay từ ao này qua ao khác làm lây lan TSV giữa các ao nuôi. Phân của chim mòng biển (Larus atricilla) được lấy ở quanh các ao bị nhiễm TSV trong đợt dịch bệnh đỏ đuôi ở Texas năm 1995 đã phát hiện có chứa nhóm TSV này (OIE, 2009).
Ngoài ra, quá trình chế biến các sản phẩm đông lạnh cũng đóng vai trò lây lan vi-rút trong hệ thống nuôi tôm. WSSV, TSV, Yellow head virus (YHV) được phát hiện trong các sản phẩm tôm đông lạnh (OIE, 2009). Chất thải trong quá trình chế biến tôm đông lạnh thường không qua xử lý nên chính là nguồn lan truyền vào trong nguồn nước nuôi (Overstreet et al., 1997).
Một trong những biện pháp kiểm soát được sự lây lan các mầm bệnh vi-rút do sinh vật mang mầm bệnh là: (i) Phơi khô các ao bị nhiễm bệnh vi-rút; (ii) trong quá trình nuôi, nguồn nước dùng cho các lần thay nước cần phải lọc hoặc xử lý trong các ao chứa; (iii) không nên dùng thức ăn có nguồn gốc động vật thủy sản tươi hoặc qua ướp đông để nuôi tôm thịt, nuôi thành thục ngoại trừ trường hợp nguồn thức ăn này được xử lý bằng tia gama hoặc xử lý nhiệt (giữ 70oC trong 10 phút); (iv) tìm hiểu về các loài vật mang mầm bệnh vi-rút để tránh sự xâm nhập vào hệ thống nuôi.
Tags: mang mam benh, truyen benh virut o tom nuoi, nuoi tom, nuoi trong thuy san
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ