Tin thủy sản Sóc Trăng: Chủ động giám sát, tăng tỷ lệ thành công

Sóc Trăng: Chủ động giám sát, tăng tỷ lệ thành công

Tác giả Xuân Trường, ngày đăng 14/07/2018

Một trong những nguyên nhân làm nên thành công lớn của nghề nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng trong 2 năm liên tiếp (2016 - 2017) là nhờ ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường và giám sát, phòng chống dịch bệnh.

Công tác quan trắc môi trường có vai trò quan trọng. Ảnh: PTC

Chủ động

Sau những năm thành công lẫn thất bại, những người nuôi tôm ở Sóc Trăng đã tự đúc kết cho mình 4 yếu tố quan trọng có tính quyết định đến thành bại của mỗi vụ tôm gồm: con giống - môi trường - thức ăn - kỹ thuật.

Để có cơ sở cho việc xây dựng khung lịch thời vụ thả nuôi, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã chủ động ký kết hợp đồng với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cung cấp các bản tin dự báo thời tiết ngắn hạn lẫn trung hạn; đồng thời, chọn 28 điểm đại diện trên hệ thống kênh rạch tự nhiên tại các vùng nuôi để tiến hành thu mẫu, phân tích các chỉ tiêu về thủy lý, hóa cũng như mật số vi khuẩn Vibrio. ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó  Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Năm 2017, ngành thực hiện thu và phân tích 11.048 mẫu với các chỉ tiêu quan trắc về nhiệt độ, độ mặn, độ trong, độ kềm, pH, DO, BOD5, NO2, NO3, NH4, TAN, tổng vật chất lơ lửng TSS, tổng N, tổng P, kim loại nặng và chlo hữu cơ, phiêu sinh động vật và kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio…”.

Bên cạnh công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh cũng được đặc biệt quan tâm, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi thủy sản của tỉnh.

Những khuyến cáo cần thiết

Các kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát, phòng chống dịch bệnh đều được gửi kịp thời đến vùng nuôi, trực tiếp đến hộ nuôi thông qua hộp thư điện tử của Phòng Nông nghiệp các huyện, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, các xã có nuôi thủy sản và cả qua mạng xã hội đã giúp người nuôi chọn lựa thời điểm lấy nước phù hợp nhất, giảm chi phí xử lý và quản lý tốt môi trường trong ao nuôi, hạn chế dịch bệnh phát sinh… góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng tỷ lệ thành công và hiệu quả sản xuất qua mỗi vụ nuôi.

Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú II, huyện Mỹ Xuyên, đánh giá: “Các bản tin dự báo khí tượng thủy văn hay cảnh báo môi trường, dịch bệnh được gởi đều đặn, định kỳ đến HTX, giúp HTX chủ động trong mùa vụ, phòng chống dịch bệnh, nên thành công cũng ngày một cao hơn”.

Không nói đâu xa, ngay ở thời điểm hiện tại, khi thời tiết bắt đầu vào mùa mưa, cùng với đó là hệ thống cống trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp liên tục xả vào các tuyến kênh phục vụ vùng nuôi thủy sản, nhưng nhờ chủ động giám sát sự biến động của các yếu tố môi trường như: độ mặn, pH, độ kiềm… Chi cục Thủy sản đã kịp thời có những khuyến cáo để người nuôi chủ động trong việc lấy nước, xử lý nước hay chọn thời điểm thả giống, cách chăm sóc, quản lý ao nuôi… 

>> Với tần suất 2 lần/tháng, trong năm 2017, đơn vị thú y tỉnh Sóc Trăng đã thu 404 mẫu tôm tự nhiên tại 26 điểm kênh cấp nước vùng nuôi tôm trọng để xét nghiệm các bệnh nguy hiểm. Qua đó, phát hiện 193 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng (chiếm 47,7%) và 18 mẫu dương tính với hoại tử gan tụy cấp (chiếm 4,5%).


Có thể bạn quan tâm

quan-ly-moi-truong-ao-nuoi-tom-nhung-dieu-can-biet Quản lý môi trường ao… tuong-lai-am-dam-cua-nganh-thuy-san-my Tương lai ảm đạm của…