Mô hình kinh tế Sóc Trăng – Người Trồng Nấm Bào Ngư Tiếp Tục Thắng Lợi

Sóc Trăng – Người Trồng Nấm Bào Ngư Tiếp Tục Thắng Lợi

Ngày đăng 25/11/2014

Từ năm 2013, mô hình trồng nấm bào ngư được một số hộ ở huyện Châu thành, tỉnh Sóc Trăng làm thử, đến nay, mô hình này đang rất có hiệu quả. Nấm bào ngư hiện có giá trên 30.000 đồng/kg, giúp người trồng nấm tăng thu nhập.

Trồng nấm bào ngư có ưu điểm là không sử dụng thuốc, phân bón, nông dân có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng. Mô hình ít vốn đầu tư, không cần nhiều diện tích, có thể tận dụng chuồng heo, chuồng gà để che mưa, tùy vào diện tích mỗi gia đình. Khoảng 20 ngày sau khi treo phôi là có thể thu hoạch đợt đầu và thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng.

Như hộ anh Trần Văn Vẻ ở xã An Ninh, huyện Châu Thành, cuối năm 2013 anh trồng thử 1.000 bịch phôi nấm bào ngư với chi phí đầu tư 2,2 triệu đồng. Sau 4 tháng, anh thu hoạch được 300 kg nấm, trừ chi phí còn lời 1 triệu đồng.

Hiện anh trồng 10.000 bịch phôi trên diện tích 120m2, với tổng chi phí đầu tư 25 triệu đồng, ước sẽ thu được 3,5 tấn nấm bào ngư, với giá bán 30.000 đ/kg thì anh sẽ thu được trên 100 triệu đồng. Một vụ sản xuất khoảng 4 tháng, tuy nhiên một năm trồng được bao nhiêu vụ thì còn tùy vào từng loại giống.

Anh Vẻ cho biết: “ Tôi đang trồng giống nấm bào ngư xám, tại vì bào ngư cũng có mấy loại là bào ngư trắng, bào ngư Nhật, mỗi loại nấm có đặc điểm khác nhau, như bào ngư xám thì 4 tháng, nhưng năng suất cao, còn bào ngư Nhật thì có thể hái kéo dài cỡ 7 tháng nhưng mà năng suất thấp hơn”

Cô Lê Thanh Thủy ở xã Hồ Đắc Kiện cho biết, do trồng lần đầu chưa có kinh nghiệm nên năng suất không cao, nhưng tính ra sau khi trừ chi phí vẫn có lời.

Lượng nấm thu hoạch được thương lái đến tận nhà mua toàn bộ, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này còn khá nhiều “ Tôi mới trồng đầu tiên nhưng mà thấy đạt hiệu quả cao, năng suất đạt yêu cầu, tôi trồng ít, thu hoạch chưa đều, ngày 5 - 7 kg có, 3 - 4 kg có, cân cho bạn hàng thì 28.000, bán lẻ 30.000, nếu đợt sau có kinh nghiệm hơn, chắc sản lượng sẽ tăng nữa”.

Nấm bào ngư tương đối dễ trồng so với một số loại nấm khác, nhưng để trồng có hiệu quả cao thì phải hiểu được đặc điểm của loại nấm này. Theo các tài liệu nghiên cứu, nguyên liệu để trồng có thể là bã mía, rơm khô, mạt cưa.

Nấm bào ngư cần ít ánh sáng, ít gió, thích độ ẩm cao và nhiệt độ thích hợp từ 20 – 25 độ C. Nấm phát triển tốt trong môi trường ẩm thấp nhưng nhà trồng phải tương đối sạch sẽ, trong quá trình trồng cần chú ý cung cấp đầy đủ nước và độ ẩm cho phôi nấm. Quá trình thu hoạch và bảo quản nấm cũng phải rất cẩn thận, để đảm bảo nấm không bị mất chất.

Sau khi thu hoạch hết nấm, túi phôi có thể ủ làm phân bón cho các loại cây trồng rất tốt. Ông Huỳnh Văn Lanh ở xã An Ninh cho biết: “ Sau khi mình hái thì mình hái cho hết cây, không chừa gốc lại, sau khi hái xong thì tiếp tục tưới nước, ngày 3 lần để cung cấp độ ẩm cho phôi nấm, nhất là phải chú ý nhiệt độ của nhà trồng, đảm bảo từ 28 – 30 độ, nấm mời phát triển tốt được”.

Nấm bào ngư có nhiều chất dinh dưỡng, là mô hình triển vọng, nhưng để trồng thành công cần có quy trình và kỹ thuật nghiêm ngặt, nên dù có lợi nhuận cao nhưng số hộ ở Sóc Trăng trồng thành công chưa nhiều. Chủ yếu bà con tự rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất và truyền lại cho nhau. Do đó, bà con rất cần được ngành chức năng hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản, để mô hình phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

Nguồn bài viết: http://thst.vn/Chi_tiet_tin.aspx?key=2911&keycon=27&lsk=&keyntc=6


Có thể bạn quan tâm

mo-hinh-xen-canh-hieu-qua-cho-vung-ban-son-dia-bay-nui Mô Hình Xen Canh Hiệu… 3-sao-rau-ma-trong-vuon-dieu-cho-thu-tram-trieu-dong 3 Sào Rau Má Trong…