Mô hình kinh tế Sóc Trăng Phát Triển Cây Có Múi Ở Thị Xã Ngã Năm Mang Lại Hiệu Quả Lớn

Sóc Trăng Phát Triển Cây Có Múi Ở Thị Xã Ngã Năm Mang Lại Hiệu Quả Lớn

Ngày đăng 24/07/2014

Hơn 2 năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi nên nhiều nhà nông ở phường 2 (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) đã có được thu nhập tăng thêm đáng kể so với một số cây trồng khác.

Thay vì phải đợi 9 năm trời để thu hoạch cây tràm hay nơm nớp lo âu về giá cả khi cây mía vào mùa thu hoạch, bây giờ ông Trần Văn Phụ - khóm 1, phường 2, thị xã Ngã Năm lại có thể nhàn nhã, yên tâm hơn với vườn cam xoàn xanh mướt, trĩu quả.

Trước đây, 3,5 công tràm của ông không đáp ứng được kỳ vọng, khi luôn cho lợi nhuận thấp. Nhìn sang một số xã giáp ranh thuộc huyện Mỹ Tú, cũng đồng đất phèn trũng như mình, nhưng lại có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm từ cây cam, quýt, ông Phụ quyết định đầu tư chuyển từ cây tràm sang trồng cây cam xoàn. Chỉ sau 2 năm trồng, ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, sau khi trừ đi chi phí, ông lời hơn 50 triệu đồng.

Hiện nay, vườn cam xoàn của ông đang trong mùa sai cành, trĩu quả, nên ông rất tự tin, khoe: "Trồng cam xoàn bây giờ có lợi nhuận hơn rất nhiều so với cây tràm hay cây mía, vì cây cam xoàn rất thích hợp với vùng đất nên dễ trồng và giá bán lại cao. Vụ thứ hai này, năng suất còn cao hơn vụ trước và thương lái đã tới đặt mua. Nếu không có trục trặc gì, vụ này lợi nhuận sẽ cao hơn gấp đôi vụ vừa rồi". Trước hiệu quả của cây cam xoàn này, ông Phụ cũng đã đầu tư thêm đất để trồng cam nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Cũng như ông Phụ, sau nhiều năm liền sản xuất lúa luôn bị thua lỗ, ông Nguyễn Văn Quận cũng đã chuyển tất cả hơn 3 ha đất của gia đình sang trồng các loại cam gồm: Cam sành, cam xoàn; trong đó, hiện có 8 công đất trồng cam đang cho trái. Theo ông Quận, nếu vụ thu hoạch sắp tới đạt sản lượng từ 35 tấn trở lên, cùng với việc thương lái đã đặt cọc với giá 20 nghìn đồng mỗi kg cam sành của gia đình thì ông sẽ thu về hơn 300 triệu đồng lợi nhuận.

ông Quận so sánh: "Hồi trước, xung quanh có nhiều diện tích mía và tràm, nên mùa lúa chín, chuột từ trong tràm, mía tràn qua cắn phá dữ lắm, có vụ gần như không thu hoạch được gì. Thấy vậy, tôi chuyển sang trồng cam, vụ vừa rồi, chỉ với 8 công trồng cam sành và cam mật, tôi thu hoạch được 20 tấn, lời khoảng 200 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa".

Tính đến nay, trên địa bàn phường 2 đã có 23 ha trồng cây có múi tập trung ở dọc tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, được trồng trên diện tích đất trước đây là vườn tạp và một số ít diện tích đất trồng lúa, mía, tràm kém hiệu quả. Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Chủ tịch UBND phường 2, ban đầu việc phát triển cây có múi do một vài hộ dân trồng tự phát nhưng đem lại hiệu quả.

Dần dần những hộ lân cận cũng chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng theo. Gần đây, UBND phường 2 đã phối hợp với phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm khảo sát các hộ dân thích hợp để thực hiện mô hình chuyển đổi vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây có múi.

Do vốn đầu tư cho cây giống khá cao nên hiện nay, một số hộ cải tạo vườn tạp đã được ngành Nông nghiệp địa phương hỗ trợ một phần cây giống để phát triển diện tích cây có múi như cam sành, quýt. Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích trồng cây có múi tiếp tục tăng lên khi mà hiện nay trên địa bàn phường 2 vẫn còn đến hơn 50 ha vườn tạp cần cải tạo.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Chủ tịch UBND phường 2, thị xã Ngã Năm cho biết: "Do diện tích trồng cây có múi cặp Quản lộ Phụng Hiệp nên việc tiêu thụ và vận chuyển cho các nhà vườn trở nên dễ dàng.

Trong thời gian tới, UBND phường 2 sẽ tiếp tục vận động bà con trên địa bàn phường cải tạo diện tích đất kém hiệu quả để trồng các loại cây có múi. Bên cạnh, phường cũng kiến nghị ngành Nông nghiệp địa phương hỗ trợ khoa học kỹ thuật và cây giống cho nông dân thực hiện mô hình. Thuận lợi hơn nữa nếu thành lập Tổ hợp tác cây trồng sẽ giúp nông dân trồng cây có múi an tâm canh tác và nâng cao thu nhập".

Với hiệu quả bước đầu từ sự chuyển dịch đất vườn tạp, đất mía hay đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái có giá trị cao ở phường 2 cho thấy, tiềm năng đất đai ở vùng quê Ngã Năm là rất lớn. Đây là vấn đề mà lãnh đạo thị xã cũng như ngành Nông nghiệp cần quan tâm trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

doanh-nghiep-che-bien-ca-phe-bot-tung-buoc-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-kinh-doanh Doanh Nghiệp Chế Biến Cà… nong-dan-huyen-lai-vung-ru-nhau-bo-lua-trong-quyt-duong Nông Dân Huyện Lai Vung…