Mô hình kinh tế Sơn Động Giải Bài Toán Giữ Rừng Tự Nhiên

Sơn Động Giải Bài Toán Giữ Rừng Tự Nhiên

Ngày đăng 26/01/2015

Năm qua, tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) diễn biến phức tạp. Tìm lời giải bài toán giữ rừng tự nhiên là vấn đề chính quyền địa phương, ngành chức năng đặc biệt quan tâm.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động và người dân xã An Châu tuần tra bảo vệ rừng.
Sức ép từ thực tế
Huyện Sơn Động có hơn 68,5 nghìn ha đất lâm nghiệp (đất có rừng và chưa có rừng). Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 38 nghìn ha gồm rừng gỗ, rừng tre nứa và rừng hỗn giao tre nứa. 18.657,7/38.188,2 ha đã được quy hoạch thành rừng sản xuất. Đây cũng là diện tích rừng bị xâm hại nhiều nhất năm qua.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động, năm 2014, trên địa bàn huyện xảy ra 122 vụ phá rừng, thiệt hại gần 100 ha, tăng tương ứng 90 vụ và hơn 90 ha rừng thiệt hại so với năm trước. Xã An Lạc là “điểm nóng” về vấn đề này với 72 vụ phá rừng. Đáng lo ngại, nhiều đối tượng tại địa phương phá rừng với diện tích lớn.
Ông Hoàng Liên Sơn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động nói: “Thủ đoạn phá rừng của nhiều đối tượng rất tinh vi, không phát trắng ngay mà phát tỉa cây nhỏ rồi lợi dụng trời mưa, ngày lễ tết dùng cưa máy hạ những cây gỗ lớn. Do vậy, lực lượng kiểm lâm khó phát hiện vi phạm ngay từ đầu…”.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do những năm gần đây thu nhập từ trồng keo, bạch đàn khá cao (mỗi ha sau 5-6 năm trồng thu nhập 60-70 triệu đồng) nên nhiều hộ có nhu cầu về đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế. Trong khi đó, công tác tuyên truyền các quy định của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng đến nhân dân còn chưa sâu rộng dẫn tới nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ, phát triển rừng của phần lớn người dân hạn chế.
Hiện trường rừng bị phá tại xã An Lạc đầu năm 2014.
Khi được giao khoanh nuôi, bảo vệ tái sinh rừng tự nhiên đã tìm mọi cách để chuyển diện tích này sang trồng rừng kinh tế, nhất là đối với những khu, khoảng rừng phát triển chậm, khả năng thành rừng có trữ lượng gỗ lớn không cao.
Một vấn đề khác do lực lượng mỏng nên việc nắm bắt tình hình, diễn biến vụ việc phá rừng ở thôn, bản của cán bộ kiểm lâm địa bàn chậm, báo cáo không kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về rừng ở một số xã còn buông lỏng; việc ngăn chặn, xử lý người vi phạm thiếu kiên quyết, có biểu hiện né tránh, ỷ lại cấp trên …
Giải pháp lâu dài
Với mục tiêu ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm lâm luật, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, Hạt Kiểm lâm đã điều tra, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng vi phạm. Đặc biệt, đã phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với  Lê Văn Vinh, thôn Đồng Bây, xã An Lạc; Châu Văn Định và Châu Văn Chung, cùng ở thôn Biểng, xã An Lạc về tội hủy hoại rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động cũng tăng cường tuyên truyền lưu động, qua hội nghị và hệ thống truyền thanh cơ sở về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, người dân trong việc bảo vệ và phát triển vốn rừng, ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm địa bàn (năm qua đã thực hiện luân chuyển nhiều cán bộ kiểm lâm địa bàn, nhất là tại khu vực xảy ra nhiều vụ phá rừng), đồng thời tham mưu cho UBND huyện Sơn Động xem xét thu hồi đất lâm nghiệp của hộ dân sử dụng không đúng mục đích.
Rừng tự nhiên có vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu, tạo nguồn sinh thủy phục vụ sản xuất. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, trồng dược liệu, cây bản địa bổ sung vào rừng tự nhiên (đã quy hoạch thành rừng sản xuất) giúp chủ rừng có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha/năm, cao gần gấp đôi so với trồng keo lai hiện nay.
Các biện pháp đồng bộ trên đã phát huy hiệu quả. Tình hình phá rừng tự nhiên ở Sơn Động đã được ngăn chặn. Những tháng cuối năm 2014, trên địa bàn huyện không xảy ra trường hợp nào tái phạm, một số vụ vi phạm mới được phát hiện, xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, để bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, huyện xác định biện pháp lâu dài là nâng cao đời sống người dân các khu vực gần rừng và chủ rừng bằng cách tạo nguồn thu từ rừng tự nhiên cao hơn rừng trồng và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp dựa trên những lợi thế của rừng tự nhiên.
Năm qua, chính quyền, ngành chức năng huyện Sơn Động tiếp tục trồng thí điểm cây dược liệu dưới tán rừng (ba kích) và trồng bổ sung cây gỗ lớn, cây bản địa như lim xanh, trám, dẻ vào rừng tự nhiên tại các xã Yên Định, Tuấn Đạo, An Lập với diện tích gần 40 ha. Từ kết quả đó, UBND huyện xây dựng dự án mở rộng diện tích những cây trồng này giai đoạn 2015-2017 lên 300 ha.
Trung tâm trợ giúp trẻ em Italia (CIAI) và Tổ chức Gruppo Trentino di Volontariato (GTV-Italia) cũng tài trợ cho địa phương dự án “Trồng và khai thác bền vững cây thuốc nam tại huyện Sơn Động” tại 15 xã trên địa bàn huyện (năm đầu triển khai ở xã Tuấn Mậu, Tuấn Đạo và An Bá) với kinh phí hơn 700 nghìn Euro. Dự kiến, các loài cây được đưa vào trồng gồm: Ba kích, khôi nhung, nhân trần, đinh lăng, kim tiền thảo (thực hiện từ đầu năm nay).
UBND Sơn Động cũng tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình cây trồng vật nuôi giống mới như nuôi ong mật, bò, thỏ, dê, trồng nấm; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người dân để giữ rừng tự nhiên.
Với các giải pháp trước mắt và lâu dài đó, tin rằng diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Sơn Động không chỉ được bảo vệ tốt mà còn giúp người dân nơi đây vươn lên làm giàu.


Có thể bạn quan tâm

cay-xoa-ngheo-tren-dat-yen-the Cây Xóa Nghèo Trên Đất… xu-ly-thanh-long-nghich-don-tet-duoc-mua-trung-gia Xử Lý Thanh Long Nghịch…