Mô hình kinh tế Sốt xình xịch tận diệt cua đồng

Sốt xình xịch tận diệt cua đồng

Ngày đăng 25/06/2015

Ban ngày từng đoàn người đủ mọi lứa tuổi, tay bao, tay giỏ cày nát từng bờ vùng, bờ thửa, bờ mương... Tầm 19h giờ đêm đến 2 giờ sáng những cánh đồng lập loè ánh đuốc, điện ắc quy, đèn đất trông như đêm hội hoa đăng...

Ồ ạt xuống đồng bắt cua

Trời nắng nóng 40 độ C, mặt nước như bốc khói nhưng trên cánh đồng xã Phú Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) hàng trăm người dân vẫn miệt mài lùng sục săn bắt cua đồng. Lứa tuổi đông nhất là các em học sinh Tiểu học và THCS, thậm chí có những em 6 – 8 tuổi cũng đầu quân tham gia lực lượng bắt cua.

Anh Nguyễn Hiền, một nông dân cho biết trước đây cua nhiều vô kể, nhất là vào mùa hè, cua bò lổm ngổm đầy đường, bò cả vào nhà, đi ra đồng không cần xuống ruộng mà chỉ đứng trên bờ cũng nhặt được cua đem về nấu canh, làm mắm hay nuôi lợn, vịt.

Nhưng bây giờ nhà ai được ăn cua là sang lắm. Nhờ cua mà anh Hiền mua được cái xe máy 7 triệu đồng, ngoài ra còn dư tiền trang trải nợ nần. Lạ thật, chẳng hiểu sao bây giờ con cua lên ngôi đến thế. Lúc đầu chỉ là vài chục ngàn ngàn đồng/kg, sau đó cứ tăng vọt theo cấp số nhân và bây giờ là 100.000đ/kg.

"Gia đình tui vài tháng trở lại đây bắt được hơn một tạ cua, thu nhập gấp mấy lần làm lúa. Cả làng, cả xã đều đổ xô ra đồng. Nhà tui ít người chứ như nhà anh Thành, anh Chắt bên cạnh bắt được trên 3 tạ cua rồi", anh Hiền kể với giọng tiếc rẻ.

Chúng tôi tiếp tục đi đến các địa phương khác như Đô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu... đều thấy những đoàn người nườm nượp kéo nhau đi bắt cua đồng. Đây thực sự là một “chiến dịch” săn lùng cua đồng rầm rộ chưa từng có từ trước đến nay ở xứ Nghệ.

Cua đồng bị tận diệt

Hầu như làng nào cũng vậy, từ sáng sớm đã có một vài thương lái cua đến thu mua. Trước đây họ ngồi một chỗ ở đầu làng chờ những người bắt cua đem đến bán, nhưng hiện nay lắm thương lái nên họ sục ra cả ngoài đồng để thu mua, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu.

Một đại lý thu mua cua đồng ở huyện Nghi Lộc

Anh Phan Văn Nam, một thương lái thu mua cua có thâm niên ở huyện Diễn Châu cho biết: "Tui cài cắm “cộng tác viên” ở mỗi làng. Những cộng tác viên này tui trả hoa hồng. Họ gom cua đủ số lượng rồi điện cho tui đến lấy.

Hàng ngày tui đánh ô tô đến các xã lấy cua, rồi đưa đi nhập cho các đại lý ở các thành phố lớn. Hiện nay giá cua ở Lạng Sơn khá cao nên tui ưu tiên vận chuyển cua đưa đi lạng Sơn bán. Hình như họ mang cua sang Trung Quốc tiêu thụ".

Bắt cua đồng có thêm thu nhập nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy "đau" khi chứng kiến những em bé 6-7 tuổi và cả những cụ già hơn 70 tuổi đi bắt cua giữa trời nắng nóng hơn 40 độ C và gió Lào quất hầm hập...

Theo anh Nam, trước đây vùng bắc Nghệ An buôn cua kiểu đánh ô tô đi thu gom chỉ mình anh làm, nhưng nay nhiều thương lái cua lắm. Nam Định có, Hà Nội có. Riêng đội quân chuyên chở bằng xe máy đưa cua đi các thành phố thì đếm không xuể.

Cũng theo anh Nam, giá cua đồng tăng vọt là do trời nắng nóng, cua đồng là món ăn bổ mát, giải nhiệt nên người phố xá rất ưa chuộng. Thứ hai là họ gom cua đem sang Trung Quốc. Anh Nam cho biết, cua mang sang Trung Quốc họ bán đắt lắm, hơn 200.000đ/kg.

Chị Phan Thị Hà, nhà ở xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc là chủ đại lý thu mua cua, phấn khởi nói: "Chưa khi mô tui thắng như năm ni. Năm trước còn có khi ế ẩm nhưng năm ni họ thu mua sạch. Cua chết họ cũng mua". Chị Hà cho biết từ tháng tư đến giờ chị bán hơn hai chục tấn cua, lãi hơn 50 triệu đồng.

Cứ tính trung bình mỗi làng một ngày xuất 200kg cua đồng thì một huyện số lượng cua bắt được phải hàng chục tấn/ngày. Tính rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An, đây quả là một số lượng cua khổng lồ.

Chúng tôi hỏi nhiều lão nông ở huyện Yên Thành về việc tận bắt, tận diệt cua đồng như hiện nay liệu cua đồng có bị tuyệt diệt thì họ đều nói rằng, cua đồng sinh sản rất mạnh. Mùa này cạn, mùa sau nó lại sinh sôi, không thể tuyệt diệt.

Có chăng cua ít đi là do ô nhiễm môi trường. Cua đồng hiện nay ít hơn trước có thể do các loại thuốc BVTV và chất thải từ các nhà máy đổ ra đồng ruộng làm ô nhiễm nguồn nước, cua cá chết dần chết mòn chứ không phải do con người bắt hết.

Cơn sốt cua đồng là một dịp may để những người dân chân lấm tay bùn nơi đồng quê chiêm trũng kiếm thêm thu nhập. Nhiều gia đình đã kiếm được từ cua hơn cả vài, ba vụ lúa.


Có thể bạn quan tâm

máy-gạt-kém-chát-luọng-tràn-vè-nong-thon Máy gặt kém chất lượng… dang-ky-hop-dong-xuat-khau-ca-tra-chi-la-mot-thu-tuc-hanh-chinh Đăng ký hợp đồng xuất…