Sử dụng hàng cấm, người nuôi thủy sản trắng tay
Nhan nhản hàng cấm
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế cho hay, đơn vị này vừa phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh tiến hành nhiều đợt kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh trái phép sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường NTTS trên địa bàn.
Qua kiểm tra, các cơ quan này đã phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh bán hàng cấm, hàng giả.
Trong đó, cơ sở của ông Lương Chí Sĩ (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) và cơ sở của ông Hoàng Văn Tưởng, cơ sở Đảnh Vân (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) bị phát hiện đang bày bán hàng chục loại sản phẩm là hàng cấm.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, hầu hết sản phẩm vi phạm vừa được phát hiện do các doanh nghiệp đóng tại TP.HCM sản xuất.
Như các sản phẩm: BKC 80 của Công ty CP Thương mại Hiếu Lộc; Yucca 555, Clean 009, Ocean Die 99 của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Nam Thành Đô; Star White của Công ty TNHH Thương mại sản xuất và thủy sản Bảo Nguyên...
Theo ông Bình, hành vi vi phạm của các doanh nghiệp này là sản xuất kinh doanh các sản phẩm phục vụ NTTS không có trong danh mục cho phép của Bộ NNPTNT.
Hiện Chi cục Thủy sản tỉnh đang lưu giữ tiêu bản 32 sản phẩm vi phạm với số lượng khoảng 10.000 bao, chai, lọ nhằm phục vụ cho công tác đấu tranh cũng như để tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh.
Theo tìm hiểu của NTNN, hiện tại tỉnh Thừa Thiên- Huế có rất nhiều cơ sở kinh doanh đang bán các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường NTTS co các vi phạm như nói trên.
Khảo sát tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, TP.Huế…, chúng tôi ghi nhận các sản phẩm không có trong danh mục cho phép của Bộ NNPTNT được bán tràn lan tại nhiều cơ sở.
Khi được hỏi, hầu hết chủ các cơ sở kinh doanh này nói họ không hề biết đó là các sản phẩm bị cấm sử dụng nên mới mua về để bán cho người NTTS.
Đây là những sản phẩm được đựng trong bao bì, chai lọ có nhãn mác đẹp, nơi sản xuất được in rõ ràng, nên người NTTS rất tin tưởng mua sử dụng.
Thiệt hại nặng nề
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) có hơn 3ha diện tích mặt nước nuôi tôm sú xen ghép với cua, cá nhưng các vật nuôi này liên tục chết hàng loạt, riêng năm nay đã thiệt hại gần 150 triệu đồng.
Ông Hùng cho biết, thủy sản của ông được thả nuôi theo đúng quy trình, từ khâu xử lý hồ nuôi, chọn giống cho đến việc chăm sóc đều được thực hiện đúng kỹ thuật nhưng chúng vẫn bị chết hàng loạt.
“Lúc đầu tôi nghĩ thủy sản của mình chết do thời tiết.
Mới đây, tôi tìm hiểu thì được biết mình đã sử dụng nhiều sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường hồ nuôi không có trong danh mục cho phép nên mới bị thiệt hại nặng nề”- ông Hùng nói.
Cùng cảnh ngộ với hộ ông Hùng là hàng loạt hộ NTTS khác ở thị trấn Sịa cũng như các địa phương khác của huyện Quảng Điền và tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Từ trước đến nay, chưa có năm nào người NTTS ở Thừa Thiên- Huế lại bị thiệt hại nặng nề như năm nay khi có tới khoảng 90% hộ nuôi rơi vào tình trạng thua lỗ vì thủy sản chết hàng loạt.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do người dân đã sử dụng hàng loạt sản phẩm cải tạo, xử lý môi trường hồ nuôi không có trong danh mục cho phép hoặc không đảm bảo chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ