Mô hình kinh tế Tái Cơ Cấu Ngành Mía Đường

Tái Cơ Cấu Ngành Mía Đường

Ngày đăng 16/07/2013

Hiện nay, sản lượng đường trong nước đang dư thừa, tồn kho tăng cao trong khi đó tình hình buôn lậu đường ở một số cửa khẩu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và tiêu thụ đường trong nước...

Điều này đặt ra yêu cầu cần phải tái cơ cấu lại ngành mía đường để có thể nâng cao sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mía đường ngay trên chính sân nhà.

Theo ông Đoàn Xuân Hòa-Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông-lâm sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện cả nước có 40 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế là 132.900 TMN, gần bằng chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020.

Với các nhà máy hiện có, nếu phát huy hết công suất, chất lượng mía tốt đảm bảo mức tiêu hao 10 mía/1 đường thì mỗi vụ có thể sản xuất xấp xỉ 2 triệu tấn đường. Vụ 2012-2013, các nhà máy ép được 16,4 triệu tấn mía, sản xuất được 1.510.000 tấn đường, trong đó đường tinh luyện là 700.000 tấn.

Như vậy, so với quy hoạch, ngành mía đường đã cơ bản đạt được chỉ tiêu về diện tích mía, các chỉ tiêu còn lại đang dần tiệm cận để đạt được vào năm 2020.

Tuy nhiên, đầu tư của ngành đường vẫn còn khó khăn, 300 ngàn ha mía gánh trên lưng 400 ngàn hộ gia đình. Trong khi đó, giá thành ở Việt Nam lại cao hơn so với khu vực. Hiện tại giá mía của Thái Lan là 30,7 USD/tấn. Nhưng, theo ông Đỗ Thành Liêm-Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, dù đã mua mía với giá 50 USD/tấn thì người nông dân vẫn chưa có mức sống cao

Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu đường lại có chiều hướng gia tăng mạnh, diễn ra chủ yếu tại miền Trung, Tây Nam Bộ. Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 1.300 tấn đường. Năm 2010 là 200 tấn, năm 2011 là 331 tấn, năm 2012 là 700 tấn và trong 6 tháng đầu năm 2013, tại An Giang đã bắt giữ 362 tấn. Điều này cho thấy lượng đường buôn lậu ngày một tăng. Một vấn đề đặt ra đó là xử lý số lượng đường nhập lậu: Để lại tiêu thụ trong nước hay đường tái xuất nhưng không có địa chỉ nhận?

Để giải quyết những tồn tại của ngành mía đường hiện nay, theo các nhà quản lý, hướng đầu tư của mía đường là hướng tới nông dân, nếu không sẽ không đảm bảo nguồn nguyên liệu. Và bài toán quan trọng nhất của ngành mía đường chính là nguồn nguyên liệu.

Ông Nguyễn Văn Lộc-Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, nhà máy đường chỉ là nơi chế biến trong chuỗi sản xuất, là phần nổi của tảng băng với 20 ngàn lao động. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của họ là tới 400 ngàn hộ gia đình. Toàn bộ hệ thống hiện nay của chúng ta chưa hiệu quả bằng chuỗi sản xuất các nước bên cạnh.

Vì thế, dù có cố gắng đến mấy thì cũng chỉ hướng tới đảm bảo đủ sống cho người trồng mía. Vì thế, riêng một doanh nghiệp đường không thể có tác động tới giá mía đường trên thị trường vì họ chỉ là một mắt xích trong chuỗi giá trị

Điều cần thiết hơn là sức khỏe của từng ngành hàng để có thể trụ vững được trước những biến đổi khó lường của thị trường, hay nói một cách khác là phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là nội dung quan trọng đã được xác định trong chiến lược phát triển ngành hàng và đặc biệt trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp điều này được thể hiện rất rõ.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp về thực chất là chuyển đổi kinh tế nông nghiệp từ chiều rộng, tăng trưởng chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng đầu vào, giá trị gia tăng thấp sang tăng trưởng theo chiều sâu, có giá trị gia tăng cao. Và, như vậy ngành đường cũng không phải là một ngoại lệ.


Có thể bạn quan tâm

mang-yang-o-at-trong-tieu Mang Yang Ồ Ạt Trồng… xay-nha-bac-ty-nho-trong-hoa Xây Nhà Bạc Tỷ Nhờ…