Mô hình kinh tế Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản Tiến Lên Hiện Đại Hóa

Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản Tiến Lên Hiện Đại Hóa

Ngày đăng 18/07/2014

Kể từ năm 1980, ngành thủy sản từ thảm cảnh “đứng bên bờ vực thẳm của sự đổ vỡ” trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành nông nghiệp chủ lực, đặc biệt trong XK.

Từ chỗ toàn ngành chỉ XK được 11 triệu USD, không đủ cho việc nhập vật tư thiết bị cho SX trong nước, đến nay đã XK khoảng 6,5 tỷ USD; từ chỗ cả ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản chỉ cung cấp được 600.000 tấn thủy hải sản cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, đến nay đã SX trên 3 triệu tấn.

Những thành tựu rực rỡ sau hơn 30 năm phát triển đó chính là thành quả của đổi mới tư duy từ phát triển nghề cá quốc doanh và tập thể chuyển sang nghề cá nhân dân, lấy nghề cá tư nhân làm động lực; từ nghề cá chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sinh của thị trường nội địa chuyển sang lấy XK làm động lực.

Thế nhưng, sức mạnh của mọi động lực nếu không được đổi mới có tính cách mạng thì cũng đến ngày cạn kiệt.

Với những sự hạn chế về môi trường phát triển và thị trường, nghề cá VN dường như đã phát triển tới mức tới hạn kể cả về sản lượng khai thác và nuôi trồng và giá trị XK cũng sẽ "dậm chân" trong khoảng từ 7 - 8 tỷ USD.

Nếu như nghề cá không tiến hành một cách mạng cơ cấu lại cấu trúc của ngành trong tất cả các lĩnh vực khai thác - nuôi trồng - công nghệ sau thu hoạch - chế biến - XK - thị trường nội địa - tổ chức lại quan hệ SX và đào tạo.

Vậy phải cải cách cơ cấu như thế nào?

VỀ KHAI THÁC

Nói tới cách mạng trong đội tàu khai thác hải sản là nói đến thay đổi một cách toàn diện cơ cấu đội tàu, loại tàu thuyền khai thác, trang bị công cụ khai thác, trang bị bảo quản và phương tiện bảo quản trên tàu.

Hiện nay đang rộ lên dự án hỗ trợ tín dụng của Nhà nước với gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng cho đóng tàu vỏ sắt và cải hoán đội tàu đánh cá xa bờ. Có hai nhu cầu cấp bách là do gỗ cho đóng tàu đánh cá xa bờ ngày càng cạn kiệt và sự tranh chấp chủ quyền trên các vùng đánh cá xa bờ của VN. Nhưng đa số các bàn thảo hiện nay mới chỉ xoay quanh mẫu tàu và vỏ tàu.

Tuy nhiên tàu đánh cá vỏ sắt sẽ không có hiệu quả kinh tế nếu chỉ chuyển từ vỏ gỗ sang vỏ sắt. Dù có thiết kế phù hợp thì vẫn không có hiệu quả vì ở đây điều căn bản là phải thay đổi được tính chất sản phẩm. Các sản phẩm của tàu vỏ sắt làm ra phải đảm bảo khác so với các tàu vỏ gỗ làm ra, đảm bảo chất lượng cá khai thác từ tàu vỏ sắt phải cao hơn hẳn khai thác bằng tàu vỏ gỗ thì mới đem lại hiệu quả được.

Muốn thế các tàu vỏ sắt nhất thiết phải được trang bị hầm ướp đông sâu, với nhiệt độ cấp đông từ - 45 đến - 64 độ C đảm bảo cho tế bào cá không bị băng hóa và bị làm dập trong quá trình rã đông.

Ước lượng với việc dùng khoảng 5.000 tỷ đồng cho việc đóng mới tàu sắt chúng ta có thể đóng mới và trang bị hầm đông (mỗi hầm có thể chứa 120 - 150 tấn cá) cho khoảng 700 tàu cá và sẽ đảm bảo khai thác khoảng 400.000 tấn cá ướp đông trong 1 năm.

Sản lượng cá này sẽ có thể cho giá trị gia tăng cao gấp 1,5 - 2 lần giá trị hải sản khai thác bảo quản bằng ướp muối và ướp đá không làm nguyên liệu trực tiếp cho chế biến XK được.

Bên cạnh đóng tàu vỏ sắt cũng nên sử dụng một phần quỹ tín dụng cho việc cải hoán tàu vỏ gỗ đánh cá xa bờ theo hướng cải tạo lại hầm chứa cá và lắp máy cấp đông cho các tàu này. Nếu dùng khoảng 2.000 tỷ đồng để cải tạo các tàu gỗ có thể cải tạo hầm và lắp máy cấp đông cho khoảng 1.000 tàu có công suất 500 - 900CV.

Sản lượng các tàu này mang lại sẽ khoảng 300.000 tấn/năm với giá trị gia tăng gấp 1,5 - 2 lần giá trị hải sản ướp muối và ướp đá không dùng trực tiếp làm nguyên liệu cho chế biến XK được.

Đội tàu vỏ sắt có công suất từ 400 - 800 CV sẽ thích hợp với các nghề lưới kéo, lưới rê và câu mực ở các ngư trường vịnh Bắc bộ, cửa vịnh Bắc bộ và Tây Nam bộ. Đội tàu vỏ sắt phục vụ nghề câu cá ngừ, nghề rê và nghề ánh sáng tại các ngư trường Trung bộ nên có công suất khoảng 600 - 1.200 CV.

Việc được trang bị các tàu vỏ sắt và các trang bị cấp đông trên tàu cũng chẳng mang lại hiệu quả gì, thậm chí còn lãng phí và tốn kém nếu các khâu sau đó của công nghệ khai thác và sau thu hoạch không được thay đổi.

Cuộc cách mạng vỏ tàu cần phải được tiến hành cùng lúc với cách mạng thay đổi cấu trúc và cơ cấu đội tàu. Đó là cách mạng công nghệ vận chuyển và bảo quản sau thu hoạch.

Những thay đổi có tính cách mạng đối với ngành thủy sản không thể thành công nếu không có con người thực hiện. Hầu hết người đánh cá xa bờ của VN (khoảng 300.000 người) đều chưa có kiến thức gì về một nghề cá hiện đại. Tuy nhiên, rất tiếc, khoa đào tạo kỹ sư khai thác thủy sản chuyên nghiệp ở Trường Đại học Nha Trang lại bị đình trệ.

Không những những người thực hành nghề cá trực tiếp hiện nay không được đào tạo một cách chính quy mà ngay cả cán bộ quản lý, kể cả ở cấp trung ương và địa phương đều có rất ít kiến thức và kinh nghiệm để phát triển nghề cá hiện đại.

Ngành thủy sản chỉ SX có hiệu quả khi SX chuỗi “từ boong tàu đến bàn ăn”. Do đó các công việc cần phải tiến hành song song với thay đổi cấu trúc và thiết bị tàu đánh cá là công nghệ vận chuyển cá từ ngư trường trở về đất liền, công nghệ và trang bị kho tàng ướp đông ở các cảng cá, công nghệ vận chuyển và phân loại cá...

Dọc bờ biển VN chỉ nên xây dựng 5 cảng cá lớn được trang bị đầy đủ kho đông lạnh và các phương tiện vận tải cần thiết là Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở các cảng này cần phải khôi phục các đoàn tàu hỏa chuyên dụng đông lạnh để chuyên chở sản phẩm thủy hải sản đông lạnh từ cảng cung cấp cho các trung tâm tiêu thụ lớn và các hệ thống siêu thị trong cả nước.

Các tàu chế biến và bảo quản thủy hải sản chuyên chở từ ngư trường trở về cảng không thể chỉ một tàu phục vụ một tàu. Nó phải phục vụ cho cả một đội tàu khai thác ít nhất khoảng 10 - 20 tàu mới có hiệu quả. Do đó tính chất hoạt động riêng lẻ của các tàu đánh cá sẽ không còn phù hợp, bắt buộc phải tổ chức thành các HTX hoặc các đội tàu, đoàn tàu hoạt động tập thể.

Việc tổ chức các cảng cá trung tâm là điều vô cùng cấp thiết. Vì vậy cần phải dành khoảng 1.000 tỷ cho trang bị lại các cảng cá trung tâm phục vụ đánh cá xa bờ. Đội tàu sắt hiện đại không thể hoạt động thiếu các cơ sở sửa chữa bảo dưỡng và trung đại tu. Do vậy một phần của gói tín dụng (khoảng 1.000 tỷ đồng) phải dành cho việc đầu tư hỗ trợ xây dựng các công xưởng sửa chữa tàu sắt.

VỀ NUÔI TRỒNG

Hiện dịch bệnh tôm phát triển tràn lan gây ra rủi ro lớn cho người nuôi trồng. Đây là khâu quan trọng nhất cần phải tập trung giải quyết bằng cách tổ chức liên kết SX và cung cấp giống sạch bệnh để kiểm soát chặt chẽ môi trường cũng như nguồn cung giống bố mẹ.

Phải tiến tới tự chủ trong các khâu SX thức ăn thủy sản. Hiện nay 90% thức ăn cũng cấp cho NTTS của VN phụ thuộc vào các công ty nước ngoài, điều này vô cùng nguy hiểm về mặt chiến lược, nó sẽ làm cho nền SX thiếu tính tự chủ và độc lập.

Để tăng giá trị cho các sản phẩm nuôi, đặc biệt cho tôm cần du nhập công nghệ SX tôm đông lạnh sống quy mô nhỏ phù hợp với các trang trại để có thể SX sản phẩm tôm sống trực tiếp phục vụ cho XK sang các thị trường có tiềm lực lớn như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Các trang trại có kết hợp công nghệ chế biến và bảo quản tôm sống phải gắn liền với những nơi tiếp cận được với các đường hàng không quốc tế. Công nghệ bảo quản tôm sống đông lạnh có thể du nhập từ Nhật và Úc.

Một khâu quan trọng khác cần thay đổi có tính cách mạng là phải tổ chức lại thị trường nội địa và XK đối với hàng hóa thủy hải sản. Khuyến khích phát triển các trung tâm phân phối và cung cấp hàng thủy sản chất lượng cao, cung cấp hàng hóa thủy hải sản cho các hệ thống siêu thị và các hệ thống siêu thị phải có công nghệ bảo quản và bán hàng tương ứng với những tiến bộ công nghệ đạt được trong các lĩnh vực khai thác và NTTS để cung cấp các sản phẩm tươi sống, sản phẩm đông và các sản phẩm chế biến sẵn.


Có thể bạn quan tâm

khuyen-cao-hang-viet-nam-xuat-sang-mexico Khuyến Cáo Hàng Việt Nam… mac-mat-duoc-mua-kep Mác Mật Được Mùa Kép