Mô hình kinh tế Tái cơ cấu nông nghiệp đi nhiều chân, tránh làm cơ học

Tái cơ cấu nông nghiệp đi nhiều chân, tránh làm cơ học

Ngày đăng 25/11/2015

Xung quanh câu chuyện về tái cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam, ông đã có những chia sẻ đáng chú ý với phóng viên Dân Việt.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng cho biết: Việt Nam có rất nhiều lợi thế về sản xuất nông sản với đa dạng các loại sản phẩm, từ lúa gạo, thủy sản, cây ăn quả… loại gì cũng có, rất toàn diện.

Cho nên, tôi nghĩ Việt Nam trong thời điểm này khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cần đi bằng rất nhiều “chân”, chứ không phải cứ tái cơ cấu một cách cơ học, bỏ cây này, bớt cây kia.

Cái chính là chúng ta phải tổ chức lại sản xuất từng mặt hàng, từng cây, con để làm gia tăng giá trị gia tăng.

Một trong những điều chúng ta làm khi tái cơ cấu nông nghiệp là phải nắm rất chắc các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là TPP mang lại, để chúng ta tái cơ cấu theo tín hiệu thị trường.

Bộ NNPTNT cũng đang triển khai rất mạnh mẽ chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp.

Ông đánh giá ra sao về việc triển khai này và theo ông, tái cơ cấu thì nên tập trung vào vấn đề gì trước?

- Tôi cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp mà ngành nông nghiệp đang triển khai hiện nay là đúng hướng.

Tuy nhiên, mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội như tôi là quá trình này phải diễn ra nhanh hơn nữa.

Về quan điểm của riêng tôi thì, trong bối cảnh hiện nay khi tiến hành thực hiện TCC nông nghiệp, trước tiên chúng ta phải tiến hành rà soát lại các quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp.

Chúng ta đã có quy hoạch rồi, nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay chúng ta tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế, sẽ tác động vào nông nghiệp nhanh nhất, dễ nhất.

Có những quy hoạch không còn phù hợp nữa, thì chúng ta phải xem xét lại, chẳng hạn như quy hoạch vùng hay trồng cà phê.

Bây giờ, trồng cà phê quá nhiều rồi, thì phải chuyển sang cây khác.

Mặt khác, phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bổ sung các cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp và chỉ khi nào Việt Nam mình có một đội ngũ doanh nhân nông nghiệp mạnh mẽ và hùng hậu, thì khi đó nông nghiệp mới cất cánh được.

Nhưng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chúng ta phải có đủ đất đai cho họ làm ăn lớn, đây cũng là vướng mắc lớn nhất khi hầu hết đất đai đã được chia cho các hộ dân.

Vậy chúng ta có cần phải sửa Luật Đất đai cho phù hợp, thưa ông?

- Mình phải nhìn nhận vấn đề tích tụ đất đai đang diễn ra một cách tự nhiên, do tác động về cơ cấu giữa công nghiệp và nông nghiệp.

Trong các tỉnh hiện nay như Hải Dương, việc tích tụ đất đai đang diễn ra rất nhanh, và trong nông nghiệp nhiều nông dân có nhu cầu bỏ ruộng.

Ngược lại, có người lại có nhu cầu nhận ruộng lại để tích tụ và tổ chức lại sản xuất.

Tuy nhiên, chúng ta lại đang thiếu cơ chế để việc tích tụ đó diễn ra nhanh hơn.

" Khi chúng ta chưa làm chủ được công nghệ, thì chúng ta cần học hỏi người Nhật, liên kết với họ để xuất khẩu sản phẩm vào chính thị trường đó, rồi dần dần chiếm lĩnh thị trường.

Thực tế, ở Đà Lạt một số doanh nghiệp sau một thời gian hợp tác với Nhật, họ đã tách ra và khá thành công”.

Ông Phạm Xuân Thăng

Tôi cho rằng, không cần phải sửa Luật Đất đai, bởi vì trong luật cũng đã có những quy định về tích tụ đất đai, nên tôi cho rằng chỉ cần có một văn bản dưới luật như nghị định của Chính phủ để hướng dẫn việc tích tụ đó theo đúng quy định của pháp luật và sẽ khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, tận dụng được xu thế đang diễn ra.

Nông nghiệp Việt Nam tuy lớn nhưng lại phát triển theo bề rộng, dàn trải do thiếu diện tích, nên cũng có ý kiến cho rằng chúng ta cần phải tập hợp được những khu đất đủ rộng, thì mới có thể tổ chức lại sản xuất được.

Ông có nhận định như thế nào về ý kiến này?

- Theo tôi, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam không thể bắt chước các nước được, không thể có những nông trang rộng hàng trăm, hàng nghìn ha được.

Chúng ta có thể học theo Nhật Bản trong cách làm nông nghiệp, tức là người nông dân có thể tổ chức sản xuất ngay trên chính đồng ruộng của mình, còn doanh nghiệp là người hướng dẫn họ về công nghệ, thu mua sản phẩm đầu ra cho họ.

Những khâu này, chỉ có doanh nghiệp mới làm được.

Cả Việt Nam và Nhật Bản đều tham gia TPP, trong khi Nhật không có điều kiện về sản xuất nông nghiệp như ta, nhưng họ lại có công nghệ và các quản lý khoa học.

Chúng ta có thể đẩy mạnh việc liên kết làm nông nghiệp với Nhật Bản?

- Tôi có sang Nhật nghiên cứu một thời gian và nhận thấy, trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản hợp tác rất tốt và không phải ngẫu nhiên, các nhà doanh nghiệp Nhật tìm đến Việt Nam.

Chúng ta có điều kiện về tự nhiên, tiểu khí hậu để phát triển các loại hoa quả, nông sản mà Nhật không sản xuất được với giá thành, chất lượng hợp lý.

Lợi thế của Nhật là họ có công nghệ tốt, quản lý tốt và họ có thị trường.

Còn chúng ta thì có đất đai, khí hậu, con người cần cù chăm chỉ.

Xin cảm ơn ông!


Có thể bạn quan tâm

bat-hon-3-tan-thit-dong-lanh-tam-nhap-tai-xuat-quay-lai-viet-nam Bắt hơn 3 tấn thịt… bi-quyet-thu-nhap-tram-trieu-moi-nam-o-vung-dat-doi-go Bí quyết thu nhập trăm…