Mô hình kinh tế Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Nông Thôn Tái Cơ Cấu Chính Sách

Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp Nông Thôn Tái Cơ Cấu Chính Sách

Ngày đăng 25/11/2014

Khi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ phê duyệt (tháng 10-2013), khu vực nông nghiệp, nông thôn rất hào hứng, kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá. Thế nhưng, sau hơn 1 năm triển khai, tình hình lại không mấy khả quan...

Thiếu và yếu.

Mặc dù đạt được thành tựu nổi bật trong thời gian qua như tăng trưởng về diện tích, quy mô, sản lượng, chủng loại các sản phẩm nông nghiệp, thậm chí nhiều nông sản được xuất khẩu sang thị trường các nước với kim ngạch và thị phần lớn. Nhưng về căn bản, cơ cấu nông nghiệp chưa thay đổi nhiều về chất; chủ yếu chúng ta vẫn xuất nông sản dưới dạng thô hoặc sơ chế, hàm lượng dinh dưỡng thấp, giá trị hàng hóa so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường thường thua thiệt.

Sau đề án tái cơ cấu của Bộ NN-PTNT, một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng xây dựng đề án riêng. Theo các chuyên gia, cần phải có vai trò của đầu mối để tăng cường mối liên kết vùng, chứ không thể để tự mỗi địa phương làm theo ý riêng của mình.

Nếu cứ làm “quy trình ngược” từ trên xuống thế này thì tái cơ cấu có “cởi trói” được cho nông nghiệp khỏi tình trạng hiện nay? Câu trả lời vẫn còn ở rất xa. Trước mắt, nông dân muốn biết: Ai sẽ giúp họ có kiến thức làm ruộng? Ai sẽ giúp họ biết rõ đất của mình nên trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp; sản phẩm họ làm ra sẽ bán cho ai, kỳ vọng gì ở giá?

Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN - PTNT), tái cơ cấu nông nghiệp cần một chính sách mới có đủ sức tạo ra động lực mới.

Nó phải đột phá về quản lý và đầu tư cho nông nghiệp; đột phá trong lựa chọn ngành hàng chiến lược. Trước đây, ta làm theo cách có gì thì phát triển cái đó. Còn nay phải đi theo cách làm ra những sản phẩm thị trường cần trên cơ sở chọn lựa từ tiềm năng, thế mạnh của mình.

Cũng với quan điểm cần sự đột phá này, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: “Tái cơ cấu nông nghiệp, trước hết phải tái cơ cấu tư duy người quản lý, lãnh đạo trong ngành nông nghiệp. Mỗi giai đoạn cần có cách phát triển khác nhau, nhà quản lý phải định hướng để lái sản xuất đi theo”.

Do đó, tất yếu phải chuyển dịch cơ cấu theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao (xu hướng của thế giới ngày nay). Để làm điều đó, cần chú trọng đầu tư nghiên cứu và khuyến khích chuyển giao, sử dụng các kết quả khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ cao và công nghệ sinh học.

Nếu không kịp thời gắn đổi mới cơ chế chính sách và thể chế với tiến bộ của khoa học công nghệ sẽ triệt tiêu phát triển. Hoặc chính chúng ta sẽ tự trói buộc mình trong những giới hạn và đánh mất khả năng cạnh tranh trước các đối thủ tiềm tàng.

Đột phá thị trường

Theo TS Hoàng Xuân Nghĩa (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội), hội nhập sâu với thế giới, thách thức lớn nhất của hàng hóa nông sản Việt Nam là bị tác động mạnh của các cuộc thương lượng mậu dịch mang tầm quốc tế, phải cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm tương tự của các nước thành viên WTO trên cả thị trường trong và ngoài nước.

Quan trọng hơn, sản phẩm của Việt Nam bắt buộc phải có chứng chỉ an toàn vệ sinh, điều rất khó khăn cho các nhà sản xuất vốn xưa nay quen làm theo kiểu truyền thống. Bên cạnh, việc thiếu kênh thông tin về các đối tác và thị trường khiến nhiều nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam bị loại ngay từ đầu, làm cho cánh cửa xuất khẩu nông sản càng thu hẹp.

Để hạn chế vấn đề này, cần phải nhanh chóng khắc phục những điểm yếu của xuất khẩu nông sản: Cải tiến chất lượng và tăng sức cạnh tranh; hoàn thiện kênh thông tin và nội dung thông tin; làm tốt công tác xây dựng thương hiệu và quảng bá tiếp thị; nuôi dưỡng và mở rộng thị trường, củng cố thị trường truyền thống, đặc biệt cần đột phá mạnh vào các thị trường lớn và có tiềm năng.

Trách nhiệm này không thể phó thác cho doanh nghiệp - những nhà sản xuất, chế biến riêng lẻ, mà là trách nhiệm chung và cần phối hợp hoạt động hiệu quả của toàn bộ hệ thống xuất nhập khẩu, các hiệp hội, ngành hàng, trước tiên là trọng trách đặt lên vai Nhà nước, các bộ chuyên ngành và cơ quan hoạch định chiến lược quốc gia. Các tổ chức, doanh nghiệp cũng như cơ quan Chính phủ cần hoạt động tích cực và chuyên nghiệp, phối hợp nhịp nhàng.

Theo TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), để hoạch định được tái cơ cấu nông nghiệp, phải nghiên cứu rất kỹ thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, kể cả thị trường xa (như châu Âu, Mỹ) và thị trường gần (như Trung Quốc, ASEAN). Vì thực tế, ngay thị trường Trung Quốc chúng ta cũng không có thông tin để biết họ cần gì.

Chỉ thấy họ cứ sang Việt Nam mua đủ thứ mà cũng không biết họ mua về làm gì. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng thông tin về thị trường, bán hàng chủ yếu như đang đoán mò. Vì thế, TS Đào Thế Anh đề nghị để tái cơ cấu được nông nghiệp, chính sách về thương mại và marketing nông sản nên trao về cho Bộ NN-PTNT thì mới làm đồng bộ được.

Ví dụ, tại Indonesia, Bộ trưởng Nông nghiệp có quyền quyết định khi đến mùa trái cây, ví dụ như sầu riêng, thì có thể tạm cấm nhập khẩu để bảo hộ cho sầu riêng trong nước. Còn ở Việt Nam việc này cần phải chuyển sang Bộ Công thương, nhưng chưa chắc Bộ Công thương đã có cơ sở để quyết định nhập hay không nhập một loại trái cây nào đó!

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1831CA/Tai_co_cau_nong_nghiep_nong_thon_Tai_co_cau_chinh_sach_.aspx


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-hoat-dong-cua-htx-dich-vu-nong-nghiep-va-dien-nang-van-hung Hiệu Quả Hoạt Động Của… tran-tro-voi-buoc-dau-thuc-hien Trăn Trở Với Bước Đầu…