Mô hình kinh tế Tắm hóa chất cho rau muống

Tắm hóa chất cho rau muống

Ngày đăng 08/10/2015

Tối xịt thuốc, sáng thu hoạch

Phản ánh với Sài Gòn Tiếp Thị, anh K., một người chuyên thu mua nấm ở các trang trại khu vực Hóc Môn, cho biết mỗi ngày đi qua các ruộng rau trên địa bàn này anh đều thấy người ta lấy nhớt thải đổ xuống ruộng rau nhưng không rõ để làm gì.

Từ phản ánh của anh, trong nhiều ngày cuối tháng 9-2015, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có mặt ở một số khu vực trồng rau muống nói trên và nhận thấy hầu như ruộng rau nào cũng có nhớt động cơ. Bên cạnh đó, những người trồng rau thường xuyên xịt thuốc cho ruộng rau của mình.

Ở đây, rau muống được trồng thành nhiều miếng ruộng lớn, xanh mướt.

Mỗi ngày, người nông dân ra ruộng chăm sóc rau rất sớm và hầu như ai cũng mang trên mình một bình xịt để phun thuốc vào các luống rau. Xung quanh các bờ ruộng, hàng tá các loại chai, lọ chứa thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu và cả thuốc tăng trưởng được vứt ra sau khi đã sử dụng hết.

Những ruộng rau này được phun thuốc vào chiều hôm trước thì mờ sáng hôm sau đã được cắt bán cho các thương lái.

Trong vai một người trồng rau tới học hỏi kinh nghiệm, người viết được anh N., một nông dân ở xã Nhị Bình, hướng dẫn cách chăm sóc cho rau.

Theo đó, để rau nhanh tốt thì cần phải dựa vào nhớt động cơ và thuốc các loại. Tương ứng với mỗi giai đoạn đều có những loại hóa chất để kích thích sự tăng trưởng.

Theo anh N., nhớt thải xe máy để chống rầy khi rau còn non.

Khi rau phát triển khoảng 7-8 cm thì dùng thuốc trừ nấm, trừ sâu.

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm cần đẩy nhanh quá trình đẻ nhánh, nở bụi, giúp cứng cây nên phải dùng thêm một số loại hóa chất kích thích tăng trưởng. Tiếp theo đó, trước khi thu hoạch một hai ngày thì dùng phân bón lá để rau trông đẹp mắt.

Cách ruộng rau của anh N. không xa là ruộng rau của anh T. cũng đang được phun thuốc. Qua trao đổi, anh T. cho biết những luống rau này sẽ được thu hoạch vào tối cùng ngày nên phải phun thuốc để rau tươi.

Anh T. cho hay, gia đình từ miền Bắc vào lập nghiệp, không có bằng cấp nên hai vợ chồng quyết định thuê đất trồng rau muống.

Sau bảy năm canh tác, hiện tại vợ chồng anh đã có hơn 1 ha rau muống. Mỗi ngày vợ chồng anh cung cấp ra thị trường khoảng 700 bó rau.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng rau, anh T. nói rằng chỉ cần biết dùng hóa chất là rau trở nên xanh tốt và không sâu bệnh. Chỉ vào luống rau mình đang phun, anh T. nói:

“Rau sẽ được thu hoạch trong đêm nay nên bây giờ tôi phải “làm đẹp” cho rau bằng các hóa chất như sạch cọng, mềm rau, xanh non. Bên cạnh đó, phải biết pha chế nhiều loại hóa chất mới phát huy tác dụng”, anh T nói.

Dám trồng, không dám ăn

Cũng theo anh T., loại rau này chủ yếu được anh cung cấp cho các đầu mối trên địa bàn TPHCM.

Khi chúng tôi bày tỏ mong muốn mua ít rau về dùng, anh T. nói rằng không nên ăn vì ngay cả bản thân gia đình anh cũng chưa bao giờ sử dụng.

“Nhìn ngon thế nhưng nhiều hóa chất. Nếu để ăn thì tôi có một mảnh ruộng khác không bao giờ phun thuốc”.

Nói rồi, anh này dẫn chúng tôi qua một ruộng rau khác cách đó không xa. So với ruộng rau trước, rau ở đây có hình dáng không đẹp nhưng theo anh T., không phải lo lắng vì rau được trồng tự nhiên.

Rời huyện Hóc Môn, chúng tôi tìm đến khu vực Thạnh Xuân, Thạnh Lộc (quận 12) theo lời chỉ dẫn của một thương lái chuyên lấy rau tại đây.

Đây cũng là một trong những vựa rau muống chuyên cung ứng ra thị trường thành phố.

Khi biết chúng tôi có nhu cầu tìm nguồn rau sạch cung ứng cho trường mầm non, những người sửa xe máy ven đường liền bảo:

“Rau ở đây lấy gì mà sạch, vì được bơm nhớt và xịt thuốc liên tục. Người dân ở gần đây không dám ăn lấy một cọng. Anh chị nên đi tìm chỗ khác đi!”.

Tại khu vực có những cánh đồng rau mênh mông ở phường Thạnh Lộc, chúng tôi có dịp tiếp xúc với bà Ng., một người dân sống lâu năm tại khu vực này.

Bà Ng. cho hay đa phần rau ở đây chủ yếu do những người từ miền Bắc vào thuê đất để trồng. Rau được trồng tại đây vừa xanh lại non nhưng bản thân bà đã 40 năm qua chưa bao giờ mua một bó rau ở đây về để sử dụng.

Bà Ng. nói rằng có ở gần nơi người ta trồng rau thì mới có thể chứng kiến được quy trình độc hại của nó.

Họ sử dụng nhiều loại thuốc và xịt liên tục từ khi rau bắt đầu nảy mầm cho đến khi chuẩn bị thu hoạch. Mới xịt trưa hôm trước thì sáng hôm sau đã cắt bán, làm sao dám ăn?”, bà Ng. nói.

Tại những ruộng rau đi qua, chúng tôi có lấy vài vỏ chai thuốc đã sử dụng và mang về hỏi thêm với TS. Phạm Thị Minh Tâm, Trưởng bộ môn cây lương thực- rau, hoa quả của trường Đại học Nông lâm TPHCM, để hiểu rõ hơn về những loại thuốc mà người trồng rau đang sử dụng hàng ngày.

Theo bà Tâm, đối với các loại phân bón lá có tác dụng giúp mềm cọng, trắng thân thì khi phun cho rau phải được cách ly ba ngày trước khi thu hoạch.

Đối với các loại thuốc trừ sâu như Tasieu, Selecro và trừ nấm s-Cabendazim đều được cho phép sử dụng trên rau. Tuy nhiên, những loại thuốc trên đều là thuốc trừ sâu có nguồn gốc hữu cơ nên phải cách ly 7-15 ngày.

Nếu không tuân thủ sẽ gây tác động đến sức khỏe của người dùng.

Cũng theo bà Tâm, việc sử dụng nhớt thải xe máy phun vào rau rất nguy hiểm.

Theo đó, nhớt được sản xuất để sử dụng cho xe cộ và trong nhớt có chứa các hợp chất thơm và các kim loại nặng. Khi đã qua sử dụng, qua quá trình đốt nóng sẽ tạo ra nhiều loại chất độc hại. “Rau muống là một trong những loại rau dễ hấp thụ. Khi phun nhớt đã qua sử dụng cho rau, chất độc hại sẽ hấp thụ vào rau gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng”, bà Tâm nói.


Có thể bạn quan tâm

kien-ga-my-ban-pha-gia-chap-nhan-mat-nua-trieu-usd-de-lam-cho-ra-nhe Kiện gà Mỹ bán phá… huyen-ntm-dau-tien-cua-tay-nguyen Huyện NTM đầu tiên của…