Tin thủy sản Tận dụng lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản

Tận dụng lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản

Tác giả Kim Thu, ngày đăng 13/04/2022

Tính tới nửa đầu tháng 3/2022, XK tôm sang Nhật Bản đạt trên 113 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong 2 năm gần đây chưa ghi nhận tăng trưởng. XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2020 đạt hơn 613 triệu USD, giảm 0,9%. Năm 2021, XK tôm sang Nhật Bản đạt 578 triệu USD, giảm 6% so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng dương đạt được trong XK tôm sang Nhật Bản những tháng đầu năm nay là một tín hiệu khả quan.

Hiện Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ (chiếm khoảng 15% tỷ trọng). Tháng 3 năm nay, Nhật Bản là thị trường XK của 67 doanh nghiệp tôm Việt Nam với các sản phẩm XK chính như: tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù, tôm thẻ PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm chân trắng còn đuôi luộc đông lạnh, tôm thẻ bóc vỏ bỏ đầu bỏ đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ hấp đông lạnh…

Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), tháng 1/2022, NK tôm của Nhật Bản đạt gần 176 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Top 3 nguồn cung lớn nhất gồm Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. NK từ Việt Nam giảm nhẹ trong khi NK từ Indonesia và Thái Lan tăng lần lượt 21% và 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2021, NK tôm của Nhật Bản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020. Top 5 nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Argentina. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất trên thị trường Nhật Bản, chiếm 24% thị phần, Indonesia và Ấn Độ cùng chiếm 16% thị phần, Argentina chiếm 7%. Năm 2021, NK tôm vào Nhật Bản từ Việt Nam giảm nhẹ 3% trong khi tăng NK từ Indonesia và Ấn Độ lần lượt 10% và 18% so với năm 2020. Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh mạnh hơn với tôm Ấn Độ và Indonesia trên thị trường Nhật Bản. Ấn Độ sụt giảm XK sang EU nên tập trung xuất sang Nhật Bản.

Năm 2021, NK tôm nước ấm đông lạnh (sản phẩm NK nhiều nhất của Nhật Bản) tăng 10% trong khi NK tôm nước lạnh đông lạnh giảm 9% so với năm trước đó. Nhật Bản có sự ưu tiên nhập khẩu tôm nước ấm nhiều hơn tôm nước lạnh trong những năm gần đây.

 

Chính phủ Nhật Bản đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới và bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội. Hiện Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, hầu hết châu Âu và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhu cầu NK các sản phẩm thủy sản bao gồm tôm của Nhật Bản còn rất lớn. Do vậy, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản có nhiều cơ hội tăng trưởng.


Có thể bạn quan tâm

ca-minh-thai-nga-van-duoc-giu-chung-nhan-msc Cá minh thái Nga vẫn… ky-thuat-cai-tao-ao-dam Kỹ thuật cải tạo ao,…