Tân Hương “lên hương” cùng nghề ươm cây giống
Hiện nay, hàng trăm hộ dân xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đang tất bật thu hoạch cây giống để xuất bán. Nghề ươm cây giống đã và đang góp phần, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Trong ảnh: Nhờ nghề ươm cây giống lâm nghiệp, nhiều hộ nông dân xã Tân Hương đã có mức sống khấm khá. Ảnh: T.D
Những ngày này, ở Tân Hương, tấp nập ôtô tải mang biển số Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... nối đuôi nhau chờ “ăn” hàng. Ông Chu Quang Hội – Chủ tịch UBND xã cho biết : “Nghề ươm cây giống trồng rừng ở địa phương hình thành từ những năm 2002 đến nay. Địa phương có nhiều thuận lợi như vùng đất gò đồi, nguồn nước dồi dào nên nghề ươm cây giống phát triển mạnhh. Những ngày cuối năm này là thời vụ bận bịu của bà con, bởi thời điểm đầu xuân (tháng Giêng) cây giống đem trồng.
Được biết, Tân Hương là xã miền núi nghèo mới được thành lập 2005 và thuộc diện hưởng Chương trình 135. Nhưng mấy năm qua, việc chuyển đổi diện tích cấy lúa, trồng sắn thu nhập thấp sang ươm cây giống đã góp phần không nhỏ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tại vườn ươm của gia đình chị Nguyễn Thị Nga - chi hội nông dân xóm 6, có gần chục người đang hối hả đưa cây giống lên xe tải. Chị Nga thổ lộ: “Trước đây, nhà tôi trồng mía, nhưng thu nhập không cao và ổn định. Thấy bà con xung quanh giàu lên từ ươm cây giống nên tôi đã mạnh dạn chuyển sang nghề này. Nhà tôi ươm đủ loại như xà cừ, trầm gió, keo, tràm, bạch đàn, xoan, lát hoa… nhưng chủ yếu là keo. Vụ này nhà tôi ươm được 5 sào keo, mỗi sào khoảng 6 vạn cây, bán tại vườn giá 200- 300 đồng/cây, doanh thu khoảng 20 triệu đồng/sào. Mỗi năm nhà tôi làm 3 vụ, tổng thu gần 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng…”.
Vườn ươm của chị Nga đang tạo việc làm cho 5 lao động với lương 3,5 triệu đồng- 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhà chị Phan Thị Luyện gần đó cũng đang hối hả đóng bao cây giống. Với 7 sào ươm cây giống (chủ yếu là keo lá tràm và keo tai tượng), gia đình chị Luyện mỗi năm lãi hơn 200 triệu đồng.
Cũng như nhà chị Nga và chị Luyện, hiện nay nhiều hộ nông dân xã Tân Hương đã vươn lên thoát nghèo nhờ nghề ươm giống cây lâm nghiệp. Mỗi năm bà con có thể ươm từ 2-3 ba vụ. Mỗi ha cây giống sẽ cho nguồn thu từ 800 triệu– 1 tỷ đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.
Ông Chu Quang Hội - Chủ tịch UBND xã cho biết “Hiện toàn xã có hơn 400 hộ gia đình làm nghề ươm cây giống, tập trung chủ yếu chi hội nông dân các xóm 5, 6 và 7, với tổng diện tích vườn ươm lên đến 300ha. Số lượng người theo nghề này ngày càng nhiều. Vì vậy, không như nhiều vùng nông thôn khác, thanh niên xã Tân Hương gắn bó với cây giống và đất quê hương… Làm quanh năm không hết việc và có thu nhập tốt-đó là điều khiến thanh niên thích ở quê làm nông dân hơn là lên thành phố kiếm việc”.
Ở Tân Hương bây giờ, đường liên xã, liên thôn được đổ bê tông phong quang, sạch sẽ, những ngôi nhà cao tầng san sát, nhiều nhà có ôtô đời mới... Nói về sự đổi thay của quê hương mình, anh Nguyễn Thịnh - hội viên chi hội nông dân xóm 7 tâm sự: “Nhà tôi làm 8 sào ươm cây giống, mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Nhờ nghề này mà vợ chồng tôi nuôi được các con ăn học đến nơi, đến chốn, cất được nhà tầng khang trang và tậu được xe tải để chở giống cây giao cho khách”.
Ông Chu Quang Hội thông tin thêm, hiện toàn xã có khoảng hơn 300 hộ làm cây giống và có thu nhập từ 250-300 triệu đồng/hộ/năm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ