Tân Thuận Đông Phát Triển Mô Hình Xoài Bao Trái Sạch, An Toàn
Hiện nay, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng là hướng đến sử dụng các sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáp ứng nhu cầu này, tại xã Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh) người dân đã dần áp dụng mô hình sản xuất bao trái sạch, an toàn khá hiệu quả.
Trước đây, theo truyền thống người dân trồng xoài và thu hoạch theo mùa. Hiện nay các nhà vườn đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để xử lý cho trái nghịch vụ nhằm bán được giá cao, tuy nhiên, việc xử lý xoài nghịch vụ cũng gặp nhiều loài dịch hại tấn công.
Để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, một số nhà vườn đã sử dụng túi bao trái xoài, kết quả thu được hiệu quả khá cao.
Tiên phong trong việc áp dụng mô hình này ở xã Tân Thuận Đông là ông Nguyễn Đình Tài - hiện là Tổ viên tổ hợp tác sản xuất xoài ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông. Ông Tài cho biết, đây là năm thứ 2 ông trồng xoài theo hình thức bao trái và đã mang lại hiệu quả khá rõ.
Với 3.500m2 đất, sản lượng ông thu được khoảng 13 tấn (2 vụ/năm), thương lái vào tận vườn thu mua với giá 20.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 - 6.000 đồng so với xoài không bao trái, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thể thu lãi khoảng 60-70 triệu đồng.
Anh Huỳnh Thanh Khoa cũng là một trong những nông dân ở ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng xoài bao trái cho biết, sau khi áp dụng trồng xoài theo hình thức bao trái, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác cặn kẽ, đầu năm 2014 anh Khoa tập trung cải tạo 8.000m2 vườn xoài theo hình thức này.
Vụ xoài vừa qua mang lại cho gia đình anh thu nhập ổn định, mỗi vụ trừ tất cả chi phí còn lãi khoảng vài trăm triệu đồng. Hiện vườn xoài của anh đang tiếp tục vào mùa vụ mới và dự kiến sẽ thu hoạch vào những tháng cuối năm.
“Trồng xoài bao trái, mặc dù chi phí cao hơn gấp 3 lần so với xoài không bao trái nhưng bù lại việc chăm sóc, xử lý kỹ thuật, phun thuốc nhẹ hơn so với trồng xoài thông thường, vì xoài bao trái giảm được sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn qua vết thương, tăng chất lượng trái xoài sau thu hoạch.
Nhờ đó, màu sắc trái đẹp, bệnh trái sau thu hoạch giảm, giúp kéo dài thời gian bảo quản từ 3-5 ngày so với bình thường nên thương lái mua với giá cao hơn so với xoài không bao trái. Đặc biệt, xoài bao trái đảm bảo sức khỏe hơn vì hạn chế tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật nên hiện nay nhiều hộ trong xã cũng đang áp dụng trồng theo” - anh Khoa tâm sự.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ân - Bí thư xã Tân Thuận Đông, trên địa bàn xã, kỹ thuật xoài bao trái được manh nha áp dụng từ năm 2012. Tuy nhiên, đến đầu năm 2014, từ các chương trình khuyến nông của thành phố và sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông thì vật liệu bao trái chuyên dùng trên xoài mới được áp dụng nhiều trên địa bàn xã.
Đến nay, diện tích trồng xoài trên địa bàn xã Tân Thuận Đông là 536,5ha, đã có trên 100ha sản xuất theo hình thức bao trái, hiện người dân cũng đang tiếp tục mở rộng sản xuất theo mô hình này.
Qua đánh giá thực tế, đây là mô hình mang lại hiệu quả khá cao. Do vậy, xã đang có kế hoạch tiếp tục tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật trồng xoài bao trái giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Song song đó, để từng bước hỗ trợ người dân trong việc mua bao xoài, xã cũng họp bàn với 3 tổ sản xuất trên địa bàn làm việc với các đại lý cung cấp bao trái xoài cung ứng bao trước mùa vụ hoặc trả trước 50% kinh phí để người dân có điều kiện sản xuất theo hình thức này. Mục tiêu của xã là hướng người dân sản xuất xoài theo mô hình sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ