Mô hình kinh tế Tăng Cường Các Biện Pháp Quản Lý Thức Ăn Trong Nuôi Tôm

Tăng Cường Các Biện Pháp Quản Lý Thức Ăn Trong Nuôi Tôm

Ngày đăng 01/07/2012

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản quyết định áp dụng tăng cường kiểm tra các lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin mức giới hạn tối đa là 0,01 ppm kể từ ngày 18/5/2012.

Ethoxyquin thường được làm chất bảo quản chống oxy hóa trong thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Việc Nhật Bản áp dụng tăng cường kiểm tra sẽ rất khó khăn cho xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tại Cà Mau, trong những ngày qua, nhiều thương lái tôm lợi dụng thông tin này ép giá tôm của nông dân. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay:

Chuyện thương lái tôm lợi dụng thông tin trên để ép giá người nuôi tôm đã và đang xảy ra. Thời gian gần đây, nhiều thương lái thu mua tôm dưới sự hậu thuẫn của một số công ty sản xuất thức ăn tôm và doanh nghiệp thu mua tôm nguyên liệu ép người dân bán tôm giá thấp và quảng bá cho một số loại sản phẩm thức ăn tôm khác.

- Để khắc phục tình trạng này, Sở NN&PTNT có hướng giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

* Ông Châu Công Bằng: Để xử lý hành vi trục lợi bất chính của một số đối tượng nêu trên, hạn chế thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân nuôi tôm, Sở NN&PTNT đề nghị chính quyền địa phương các cấp, các ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân nuôi tôm, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn tôm phối hợp thực hiện một số nội dung sau:

Trong nuôi tôm, không sử dụng các loại thức ăn, thuốc, hóa chất có thành phần các chất nằm trong danh mục cấm sử dụng của Bộ NN&PTNT quy định.

Mặc dù Ethoxyquin chưa được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục chất cấm hoặc hạn chế sử dụng, nhưng Nhật Bản đã tăng cường kiểm tra nên đề nghị không nên sử dụng các loại thức ăn tôm có chứa chất Ethoxyquin. Không sử dụng những loại thức ăn không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, hết hạn sử dụng, kém phẩm chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, ô nhiễm môi trường.

Nên chọn những doanh nghiệp, thương lái thu mua tôm lớn có uy tín hoặc liên hệ trực tiếp các nhà máy chế biến xuất khẩu để bán tôm. Không nên mua bán tôm qua cò lái, vì đây là đầu mối để tạo ra việc ép giá. Trong mua bán nên tìm hiểu rõ về doanh nghiệp, thương lái và thực hiện ký kết hợp đồng có xác nhận của chính quyền địa phương.

- Và khi người dân gặp phải tình trạng bị ép giá thì xử lý như thế nào, thưa ông?

* Ông Châu Công Bằng: Trường hợp phát hiện các doanh nghiệp, thương lái thu mua tôm có hành vi ép giá trục lợi đề nghị các tổ chức, cá nhân báo ngay cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng: công an, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành để xử lý kịp thời.

Các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT cùng chính quyền địa phương phổ biến rộng rãi trong dân để nắm được quy định của Nhật Bản tăng cường kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm nuôi và các khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành, tình hình mua tôm ép giá của các thương lái để hạn chế tổn thất. Tăng cường phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên.


Có thể bạn quan tâm

nong-nghiep-can-nhieu-goi-cuu-tro Nông Nghiệp Cần Nhiều Gói… dbscl-khan-hiem-tom-nguyen-lieu-thuong-lai-ep-gia ĐBSCL Khan Hiếm Tôm Nguyên…