Tin thủy sản Tăng cường giải pháp quản lý ao tôm trong mùa mưa

Tăng cường giải pháp quản lý ao tôm trong mùa mưa

Tác giả K.X, ngày đăng 11/09/2017

Theo kết quả phân tích quan trắc môi trường của Chi cục Thủy sản, thời điểm này đang vào cao điểm mùa mưa, các thủy vực hầu như không còn độ mặn, chỉ có 3 điểm có độ mặn từ 5 - 8‰, gồm các cống: Xà Mách, Tầm Vu, Sáu Quế 1; do đó, bà con nông dân có thể lấy nước vào xử lý nuôi tôm. Nếu cần thiết thì bà con có thể tái sử dụng nguồn nước có độ mặn cao từ vụ nuôi trước đó và áp dụng các biện pháp để loại bỏ lớp bùn đáy ao trước khi thả nuôi vụ mới.

Người nuôi tôm cần quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường trong ao nuôi.

Theo thông tin từ ngành chuyên môn, hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết thay đổi bất thường dẫn đến môi trường ao nuôi dễ biến động và tôm thường hay bị bệnh đường ruột, bệnh phân trắng, nhất là trong giai đoạn từ 30 - 50 ngày, bệnh đỏ thân đốm trắng và các bệnh khác do virus chưa có cách trị hiệu quả; vì vậy, người nuôi tôm cần áp dụng ngay các biện pháp tổng hợp để phòng ngừa dịch bệnh. Còn theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện đang trong thời kỳ giữa mùa mưa, trong tháng 9, tổng lượng mưa có xu hướng ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm so với cùng thời kỳ. Nhiệt độ không khí trung bình từ 27 - 27,7ºC, thấp nhất là 22 - 23ºC và cao nhất là 33 - 34ºC.

Theo đó, ngành chuyên môn đã có lưu ý với người nuôi tôm, cần quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường trong ao nuôi, áp dụng biện pháp sinh học để xử lý nước và nền đáy ao; ổn định môi trường nước, giữ pH nằm trong khoảng thích hợp từ 7,5 - 8,5 giữa sáng và chiều không quá 0,5; duy trì độ kiềm từ 100mg/l trở lên (tôm thẻ) và từ 80mg/l trở lên (tôm sú), hàm lượng ôxy hòa tan từ 4mg/l trở lên; đối với ao nuôi đã thu hoạch, phải áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trước khi xả thải ra bên ngoài.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản, hiện nay còn hơn 22.350ha tôm trên đồng; do đó, người nuôi cần tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ chăm sóc sức khỏe tôm nuôi. Đồng thời, phải tiến hành theo dõi chặt chẽ kết quả quan trắc môi trường nước, thông tin cảnh báo dịch bệnh và bản tin khí tượng thủy văn của ngành chức năng để phục vụ sản xuất tốt hơn.


Có thể bạn quan tâm

de-su-dung-dien-an-toan-trong-nuoi-tom Để sử dụng điện an… tom-giong-bo-me-khong-phu-thuoc-ngoai-nhap Tôm giống bố mẹ: Không…