Mô hình kinh tế Tăng Cường Quản Lý Chất Lượng Giống Thủy Sản Ở Nam Định

Tăng Cường Quản Lý Chất Lượng Giống Thủy Sản Ở Nam Định

Ngày đăng 28/03/2013

Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 52 trại sản xuất giống thuỷ sản, mỗi năm sản xuất trên 8 tỷ con giống các loại, dẫn đầu các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung. Chất lượng giống thuỷ sản sản xuất trong tỉnh được đánh giá cao không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp lượng giống khá lớn cho các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung.

Hiện 22 trại giống thuỷ sản nước ngọt của tỉnh mỗi năm sản xuất trên 1,4 tỷ con cá bột các loại, ương nuôi 700 triệu con cá giống và 2 - 3 triệu con cá rô phi đơn tính đực. Ngoài các giống cá truyền thống như trôi, mè, trắm, chép… từ năm 2011 đến nay, mỗi năm các trại giống đã sản xuất 15 triệu con cá rô đồng, 50 triệu con cá chép lai 3 máu V1, 1 vạn con cá lăng chấm. Để tiếp tục đa dạng hoá con nuôi và tập trung nuôi con đặc sản, năm 2013, Trung tâm Giống thuỷ đặc sản tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh quy trình sản xuất giống cua đồng, đồng thời nghiên cứu cho sinh sản các loại cá nheo, chạch chấu, chạch đồng… là các con nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng khan hiếm giống trên thị trường.

Đồng chí Trần Công Khôi, Trưởng phòng Nuôi trồng thuỷ sản (Sở NN và PTNT) cho biết: Năng lực của 22 trại giống thuỷ sản nước ngọt của tỉnh có thể sản xuất mỗi năm trên 2 tỷ con giống các loại. Hiện tại các trại giống đang nghiên cứu để nâng cao chất lượng con giống và sản xuất các giống thuỷ đặc sản mới, giống khan hiếm… Ở 30 trại sản xuất giống hải sản, năm 2012 đã sản xuất trên 7 tỷ con giống các loại, tăng 88% so với năm 2011. 
Các trại sản xuất giống hải sản đã làm chủ công nghệ sản xuất giống một số loài nhuyễn thể như ngao, hàu, tu hài… với sản lượng 6,8 tỷ con mỗi năm, chủ yếu cung ứng cho người nuôi ở các tỉnh miền Bắc. Các giống tôm sú, cá bống bớp, cua biển, các trại giống hải sản của tỉnh cũng hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo với sản lượng 155 triệu con tôm sú P15, 20 triệu con cua biển C1, 11 triệu con cá bống bớp hương. Một số giống hải sản mới đang được các trại giống hải sản mở rộng sản xuất như cá chim biển vây vàng, cá sủ đất, tu hài… tạo hướng đi mới cho nuôi trồng thuỷ sản vùng mặn lợ.

Năm 2013, các trại giống hải sản trong tỉnh sẽ sản xuất trên 7 tỷ con giống các loại và từng bước phấn đấu đạt 10 tỷ con giống hải sản vào năm 2015. Ngoài đẩy mạnh sản xuất giống nhân tạo, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN và PTNT và các cấp quản lý chặt chẽ vùng giống tự nhiên của các bãi triều cửa sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy vừa là vùng có nhiều loài thuỷ sản quý, vừa là vùng nuôi nhuyễn thể lớn của tỉnh. Trong những năm qua, Ban quản lý giống và Ban chỉ đạo kiểm soát thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ của tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện quy chế quản lý kiểm soát vùng nuôi ngao; chỉ đạo và khuyến cáo hội nuôi nhuyễn thể thu hoạch hợp lý để có đủ nguồn giống bố mẹ tái tạo nguồn giống tự nhiên, không khai thác giống ngao quá nhỏ, do đó nguồn giống tự nhiên tại chỗ đã đáp ứng 50 - 60% nhu cầu về giống ngao cho nuôi thả thương phẩm. 
Mặc dù các trại sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã chủ động được nguồn giống cung ứng cho người nuôi nhưng hằng năm tỉnh vẫn phải nhập về gần 200 triệu con giống tôm sú P15, gần 700 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, 1 triệu con giống cá vược, 76 vạn con giống cá song, 10 triệu con giống cá diêu hồng, 1,7 triệu con giống cá lóc bông, 10 vạn con giống ba ba, gần 3 triệu con giống cá rô phi đơn tính đực… do các giống thuỷ sản nhập về giá rẻ hơn so với sản xuất tại địa phương.

Tuy nhiên công tác quản lý chất lượng con giống nhập về còn nhiều bất cập. Ngoài ra vẫn còn tình trạng một số hộ nuôi hải sản sử dụng con giống trôi nổi trên thị trường do giá chỉ bằng nửa giá bán tại các đại lý có uy tín. Thực tế đã có nhiều hộ ham rẻ mua nuôi không những thua thiệt cả về năng suất và chất lượng mà còn gây bệnh, gây ô nhiễm cả vùng nuôi. Do đó ở huyện Nghĩa Hưng, hiện nay, các nhóm hộ nuôi thuỷ sản trong huyện đã chủ động đến cơ sở sản xuất có uy tín để mua tôm giống.

Còn ở vùng nuôi Giao Thuỷ, mặc dù các đại lý cung ứng giống đặt hàng tại những trại giống có uy tín, nhưng qua kiểm tra xác xuất và bằng cảm quan không thể nhận biết được bệnh tật từ con giống bố mẹ truyền sang thế hệ giống. Đặc biệt con tôm thẻ chân trắng vài năm gần đây đang phát triển “nóng” do hiệu quả kinh tế rất cao. Dự kiến năm 2013, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh ta là 395 ha, tăng 100 ha so với năm 2012. Với thời gian nuôi ngắn (3 tháng), một năm có thể nuôi 2 - 3 vụ thì phải nhập hàng tỷ con giống, trong khi các trại giống thuỷ sản của tỉnh ta không sản xuất con giống này.

Giống cá rô phi đơn tính đực mặc dù ở tỉnh đã sản xuất thành công, nhưng 1 - 2 năm nay không sản xuất nữa. Theo Phòng Nuôi trồng thuỷ sản (Sở NN và PTNT) nuôi cá rô phi đơn tính đực mang lại hiệu quả cao nhất, nhì trong nuôi nước ngọt, thậm chí nếu tạo ra vùng nuôi tập trung có thể chế biến cá phi lê xuất khẩu, hiệu quả cao hơn nhiều. Con cá lóc bông nuôi nội đồng ở các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) cho lãi ròng cả trăm triệu đồng/ha/năm… nhưng các trại sản xuất giống của tỉnh vẫn để ngỏ. Hiện tại, tỉnh và một số huyện đã thành lập ban quản lý giống thuỷ sản nhưng vẫn khó kiểm soát chất lượng con giống, nhất là bệnh tật tiềm ẩn trong con giống. 
Sản xuất con giống tại chỗ, kiểm tra thải loại mầm bệnh ngay từ giống bố mẹ vẫn là giải pháp tối ưu để phát triển nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả cao, bền vững tại tỉnh. Vùng sản xuất giống thuỷ sản tỉnh đã được Bộ NN và PTNT xếp hạng. Nhiều năm nay UBND tỉnh, huyện đã dành nhiều ưu ái, hỗ trợ cho các trại sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn. Song, chủ động sản xuất tại chỗ con giống cung cấp cho nuôi trồng, đặc biệt đối với giống chủ lực, giống có giá trị kinh tế cao và kiểm soát chặt chẽ cả trong sản xuất, cung ứng giống thuỷ sản vẫn là vấn đề các cấp, ngành chức năng tập trung giải quyết trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

nguy-co-lay-nhiem-dich-benh-tu-dich-vu-tam-lon-tren-ql-1a-o-ha-tinh Nguy Cơ Lây Nhiễm Dịch… phat-dong-tai-tao-nguon-loi-thuy-san Phát Động Tái Tạo Nguồn…