Tin nông nghiệp Tăng cường xử lý sâu đầu đen gây hại cây dừa

Tăng cường xử lý sâu đầu đen gây hại cây dừa

Tác giả Thạch Thảo, ngày đăng 12/04/2022

Diễn biến phức tạp

Theo kết quả khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về tình hình sâu đầu đen gây hại trên cây dừa trên địa bàn tỉnh, đến nay, sâu đầu đen hại dừa đã xuất hiện và gây hại diện rộng trên địa bàn các huyện, thành phố và diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo số liệu chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT, tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen từ khi mới phát hiện đến tháng 3-2022 là 873,15ha. Diện tích phục hồi 318,19ha. Đến nay, diện tích còn bị gây hại 554,96ha. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 210,6ha (tỷ lệ hại 10 - 20%), nhiễm trung bình 221,94ha (tỷ lệ hại  > 20 - 40%) và nhiễm nặng 122,42ha (tỷ lệ hại > 40%). Phân bố nhiễm ở các huyện: Chợ Lách 105,6ha, Châu Thành 70,21ha, Mỏ Cày Bắc 32,8ha, Mỏ Cày Nam 117,49ha, Bình Đại 168,08ha, TP. Bến Tre 24ha, Ba Tri 12,4ha, Thạnh Phú 13,8ha và Giồng Trôm 10,58ha.

Nhiều biện pháp phòng trị sâu đầu đen đã được triển khai trên địa bàn tỉnh; trong đó, đợt áp dụng biện pháp hóa học diện rộng là vào tháng 3-2021. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với một số đơn vị thực hiện khảo nghiệm nhanh và đã xác định được một số loại thuốc bảo vệ thực vật và nồng độ phù hợp để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Sở NN&PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn để hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trị sâu đầu đen hại dừa.

Đoàn khảo sát đã có báo cáo đánh giá gửi UBND tỉnh. Báo cáo nêu rõ: “Các giải pháp được áp dụng để phòng trị sâu đầu đen hại dừa trong thời gian qua chưa phát huy hiệu quả. Năm 2020, chỉ có 2 ổ dịch nhỏ xuất hiện ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành nhưng hiện nay dịch sâu đầu đen hại dừa phát triển diện rộng ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp”.

Tăng cường xử lý

Công văn của UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác xử lý sâu đầu đen gây hại cây dừa với yêu cầu chính là “bảo đảm kiểm soát tốt sâu đầu đen, hạn chế thiệt hại và khống chế không để lây lan trên diện rộng”.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng trị sâu đầu đen đã áp dụng hiệu quả trong thời gian qua, nhất là các giải pháp xử lý theo hướng sinh học an toàn. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt các kiến nghị của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.

Để bảo vệ tốt cho vườn dừa, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có một số đề nghị như: Sở NN&PTNT cần phối hợp với Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở tiếp tục tuyên truyền cho người dân nhận thức được mức độ gây hại nghiêm trọng của sâu đầu đen trên cây dừa để người dân nâng cao ý thức trong việc ngăn ngừa, phòng trị. Khảo sát, khoanh vùng vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại, phối hợp với các địa phương hướng dẫn cho nông dân kết hợp thật tốt biện pháp sinh học, hóa học phù hợp với từng giai đoạn phát triển của sâu đầu đen và vận động nông dân tổ chức đồng loạt ra quân tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa, kịp thời khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.

Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm, TP. Hồ Chí Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ đề tài “Nghiên cứu, đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả nghiên cứu, ngành chức năng xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp hiệu quả để kiểm soát sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn nông dân thực hiện.

UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 42/TB-UBND ngày 26-3-2021 của UBND tỉnh về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp bàn biện pháp phòng trị sâu đầu đen trên cây dừa.

Dịch sâu đầu đen hại dừa đang lây lan nhanh ra diện rộng trên địa bàn và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho năng suất dừa của tỉnh. Theo đánh giá của đoàn khảo sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, phần lớn diện tích dừa của tỉnh đã lão hóa (tuổi dừa từ 30 năm trở lên) nếu bị thiệt hại từ 80 - 100% diện tích lá thì năng suất dừa giảm thấp và khả năng phục hồi lại năng suất không được như ban đầu. Dịch sâu đầu đen hại dừa có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho vườn dừa Bến Tre.


Có thể bạn quan tâm

nam-dan-day-nhanh-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau Nam Đàn đẩy nhanh xây… chung-tay-san-xuat-tieu-thu-rau-an-toan Chung tay sản xuất, tiêu…