Tăng năng suất sinh sản và chất lượng sữa heo nái
Quản lý heo nái là giai đoạn quan trọng của quá trình chăn nuôi, nhằm đảm bảo cho bào thai heo con phát triển bình thường, heo nái đẻ được nhiều con, heo con khỏe mạnh, có trọng lượng sơ sinh cao.
Giúp heo con bú nhiều lần một ngày tránh hiện tượng không hết sữa ở heo mẹ. Ảnh: V.M
Chọn giống
Chọn con to trong đàn (heo hậu bị nội có trọng lượng trên 7 kg, heo ngoại có trọng lượng ở 60 ngày tuổi trên 20 kg), con khỏe mạnh (lông thưa, da mỏng), ngoại hình cân đối, tai to, mõm bẹ, lưng dài, thẳng, vai mông nở nang, 4 chân cao, khỏe, thẳng, bụng to nhưng gọn. Mắt lanh lợi, không có mắt lồi hoặc thụt sâu, đuôi luôn phe phẩy. Khung xương vững chắc, không có cột sống cong, móng không xòe, không chụm, không nứt móng, không có cục chai, cục ké ở móng mềm. Bước đi nhanh nhẹn không khập khiễng, không tiêu chảy… Số vú 13 - 17, vú đều, khoảng cách giữa 2 hàng vú ngắn lộ ra các núm vú, dễ cho con bú. Heo sinh trưởng phát triển bình thường (heo ngoại 600 - 650 g/ngày, heo nội 350 - 400 g/ngày).
Phối giống
Phối giống đúng thời điểm là một việc làm rất quan trọng, nếu phối quá sớm hay quá muộn đều ảnh hưởng đến năng suất sinh sản. Thời gian động dục lần đầu thay đổi tùy theo giống, các giống heo lai và heo ngoại thành thục chậm hơn: heo lai 100 - 120 ngày tuổi, heo ngoại 200 ngày tuổi, heo nội 90 ngày tuổi. Chu kỳ phát dục của heo là 21 ngày, khi phát dục heo có biểu hiện bỏ ăn, buồn bực, phá chuồng, nhảy lên những con khác. Đối với heo nái nuôi con thường phát dục sau khi tách con 1 - 7 ngày. Thời gian phát dục của heo nái 3 - 5 ngày hoặc quan sát thấy âm hộ chuyển từ sưng đỏ sang héo dần, có nếp nhăn và dịch nhờn tiết ra thì đó là thời điểm phối giống tốt nhất, đậu thai nhiều nhất. Nên phối giống vào lúc sáng sớm, khi heo đực chưa được ăn sẽ kích thích mạnh hơn. Có thể phối 2 lần (nhất là phương pháp thụ tinh nhân tạo), một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi chiều hoặc ngược lại.
Không nên cho heo nái phối giống lại sau lần đầu phối không thành công, nên loại những heo hậu bị này, bởi việc tiếp tục đầu tư vào heo nái hỏng lần đầu sẽ phát sinh chi phí là chủ yếu.
Để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hợp tử (trứng thụ tinh), trong vòng 3 ngày sau khi phối bất luận loại heo nào cũng không được cho ăn quá nhiều. Trong giai đoạn phôi chưa phát triển và bám chắc vào tử cung không để heo bị stress về nhiệt, về hóa chất, về thay đổi đột ngột thức ăn. Vì khi bị stress phôi dễ bị tiêu hủy, bị sẩy.
Chăm sóc, nuôi dưỡng
Đây là giai đoạn hết sức quan trọng, quyết định đến thành công của người nuôi. Sau khi phối 21 ngày không thấy heo động dục trở lại xem như đã mang thai. Nhu cầu dinh dưỡng của heo nái trong giai đoạn này cần đảm bảo 14% protein thô, 0,9% canxi và 0,45% phốt pho trong khẩu phần ăn. Mùa hè có thể giảm mức ăn nhưng phải tăng lượng protein từ 14% lên 16%, nâng mức khoáng và vitamin trong khẩu phần. Trong thời điểm heo mang thai từ 1 - 90 ngày, cho heo ăn 2 - 3 kg/ngày, chia làm 2 lần sáng và chiều, để đảm bảo heo vẫn đủ dinh dưỡng nhưng không quá béo. Đến giai đoạn 90 - 114 ngày, khi bào thai phát triển nhanh, chiếm khoảng 65 - 70% khối lượng heo con sơ sinh, vì vậy phải tăng 25 - 30% lượng thức ăn để con đạt trọng lượng sinh sản cao. Lưu ý, bã rượu và thức ăn ủ men có chứa chất kích thích, dễ gây sảy thai, vì vậy chỉ cho heo ăn dưới 15% trong khẩu phần ăn.
Định kỳ tắm chải cho heo, tăng cường xoa bóp bầu vú để mạch máu dễ lưu thông, phát triển tuyến sữa, heo dễ quen người và dễ tiếp xúc khi đỡ đẻ, không tắm chải 5 ngày trước khi đẻ.
Heo sắp đẻ thường có một số biểu hiện như: ăn ít, đi lại khó khăn, chậm chạp, kêu rền, bầu vú căng đỏ hồng, phá chuồng… Khi đó nên lót ổ đẻ bằng rơm, cỏ khô hoặc bao bố sạch vào chuồng cho heo nằm để heo không mất nhiều năng lượng. Thời điểm này, heo sẽ đi lại không yên, đi tiểu, đi phân nhiều lần, nên cần vệ sinh sạch sẽ, khô ráo để tránh nhiễm trùng cho heo con và bộ phận sinh dục cho heo mẹ sau khi sinh.
Ngay sau khi heo đẻ xong, tiến hành tiêm một trong các loại thuốc Terramycin, Tylan 50 hoặc Suanavil 5 với liều lượng 10 cc/ngày, liên tục trong 3 ngày để phòng bệnh viêm tử cung cho heo mẹ mà không ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa. Nên tiêm kèm thuốc bổ khi tiêm kháng sinh để heo mau phục hồi, kích thích heo ăn nhiều, gia tăng lượng sữa cho heo con.
Heo mẹ chỉ sản xuất sữa đầu trong vòng 24 giờ sau sinh. Sữa đầu đậm đặc hơn sữa thường, nhiều chất dinh dưỡng, protein, đặc biệt là kháng thể của heo mẹ truyền cho heo con, giúp heo con kháng bệnh tốt hơn. Nên cho heo con bú nhiều lần một ngày, tránh hiện tượng heo con không bú hết sữa.
Giai đoạn nuôi con, sức ăn của heo mẹ giảm, trong khi nhu cầu dinh dưỡng cần phải cao hơn để tạo sữa, rất dễ dẫn đến hiện tượng thiếu dinh dưỡng để nuôi con. Vì vậy cần cho heo mẹ ăn 3 - 4 lần/ngày, thức ăn tinh và nhiều dinh dưỡng.
Heo con được 6 - 7 ngày tuổi, sau khi ăn no, rải những viên cám ăn thẳng (loại chuyên dùng cho heo 7 - 15 ngày tuổi) ở những chỗ sạch sẽ, khô ráo để kích thích heo tập ăn. Thời gian này, nên nhốt riêng heo mẹ và heo con, heo con sử dụng cám ăn thẳng sau đó lại cho sang bú mẹ. Số lần bú mẹ/ngày giảm dần. Sau 15 - 20 ngày heo con sẽ sử dụng tốt thức ăn và sau 21 ngày tuổi có thể tách mẹ và chuyển heo mẹ vào trạng thái nuôi vỗ, chuẩn bị phối giống và mang thai đợt tiếp theo.
>> Heo mẹ khi sinh cần đảm bảo thoáng mát, yên tĩnh, tránh sự ồn ào, tiếp xúc của người lạ, chó, mèo… làm heo hoảng sợ, hung dữ dẫn đến heo ngừng đẻ hoặc đẻ chậm, số heo con chết lúc đẻ tăng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ