Mô hình kinh tế Tăng Thu Nhập Nhờ Chuyển Đổi Đất Nông Nghiệp Sang Nuôi Trồng Thủy Sản

Tăng Thu Nhập Nhờ Chuyển Đổi Đất Nông Nghiệp Sang Nuôi Trồng Thủy Sản

Ngày đăng 28/07/2014

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, mô hình nuôi cá rô phi đạt hiệu quả rõ rệt, giúp nông dân nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Nhà nông có thể "bám ruộng"

Ðưa chúng tôi đi thăm khu nuôi cá rô phi rộng hơn 3 ha, chị Lê Thị Thà, thôn Ðoàn Xá 1, xã Hồng Phong, huyện Ðông Triều tâm sự: Trước đây khu đất này bị bỏ hoang. Khi huyện có chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang các hình thức canh tác khác, vợ chồng tôi quyết định mua mấy héc-ta đào ao thả cá rô phi.

Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật, cá chậm lớn, thường xuyên mắc bệnh, "thu không đủ chi". Năm 2007, được sự hỗ trợ về giống và kỹ thuật của các cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, năng suất cá tăng vọt, đạt 8 tấn/ha.

Trừ chi phí, mức lợi nhuận đạt hơn 60 triệu đồng/3 ha. Ðến nay, cùng với việc đầu tư sửa sang lại hệ thống ao đầm, ứng dụng phương pháp nuôi mới, năng suất bình quân đạt gần 13 tấn/ha, cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

Không nuôi quy mô lớn như chị Thà, nhưng gia đình anh Nguyễn Xuân Ðức ở Núi Gạc, phường Yên Thanh, TP Uông Bí cũng ổn định cuộc sống, tăng thu nhập nhờ nuôi cá rô phi. Nếu trước đây anh phải lên thành phố làm thợ hồ mưu sinh, vợ phải đi bán hàng rong, thì giờ đây họ có thể trở về sinh sống và làm ăn trên mảnh đất quê hương.

Nhờ hiệu quả của các mô hình nuôi cá rô phi nên trước năm 2006, toàn huyện Ðông Triều chỉ có vài hộ tham gia nuôi với chưa đầy một chục héc-ta thì đến nay con số này đã lên tới hơn 300 ha, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.

Tính trên toàn tỉnh Quảng Ninh, đến hết năm 2013, diện tích nuôi cá rô phi thâm canh đã đạt 500 ha với năng suất bình quân từ tám đến chín tấn/ha, lợi nhuận đạt 60-80 triệu đồng/ha. Sản lượng cá rô phi trong toàn tỉnh lên tới 3.100 tấn, chiếm hơn 48% tổng sản lượng thủy sản nước ngọt của tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện Ðông Triều, thị xã Quảng Yên và TP Uông Bí.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Vương Văn Oanh cho biết: Tỉnh xây dựng vùng nuôi cá rô phi theo hướng công nghiệp tập trung, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, tạo công việc và thu nhập ổn định cho người nông dân.

Ðầu ra cho sản phẩm cá rô phi hiện tương đối ổn định, giá bán dao động từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg, thương lái vào tận cơ sở để thu mua. Trên cùng một diện tích đất canh tác, so với trồng lúa trước đây, lợi nhuận từ nuôi cá rô phi cao gấp bảy đến tám lần.

Khoa học kỹ thuật là khâu then chốt

Ðó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Công khi nói về nguyên nhân thành công của các mô hình nuôi cá rô phi trên địa bàn tỉnh.

Khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào thực tiễn xuyên suốt quá trình nuôi trồng, từ khâu chọn giống ban đầu đến khi xuất bán. Ðơn cử như việc thực hiện dự án xây dựng tiểu vùng nuôi cá rô phi tập trung tại huyện Ðông Triều, TP Uông Bí và thị xã Quảng Yên vào năm 2009 với tổng diện tích khoảng 16 ha.

Những hộ dân nằm trong vùng chuyển đổi khi tham gia dự án được hỗ trợ 20% kinh phí củng cố hạ tầng ao nuôi, 38% chi phí mua con giống, 15% chi phí thức ăn và 20% thuốc, hóa chất phòng bệnh. Cùng đó, Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã chủ động liên hệ Trung tâm Khoa học kỹ thuật và sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh, cơ sở sản xuất giống thủy sản Thành Ðạt để cung cấp con giống đạt chỉ tiêu chất lượng: Chịu lạnh tốt, thịt dày, tỷ lệ đực cao.

Thức ăn cho cá cũng được cân nhắc lựa chọn kỹ, cho phù hợp với đặc tính của cá rô phi. Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Ðặng Khánh Hùng cho biết: Tại mỗi địa phương, chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật "nằm vùng" hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy trình kỹ thuật. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng đã cho kết quả tốt.

Sau hơn bảy tháng nuôi, kích cỡ cá thu hoạch trung bình đạt 0,54 kg/con; năng suất cá nuôi bình quân khoảng 13 tấn/ha cho doanh thu 345 triệu đồng/ha, lợi nhuận mang lại khoảng 60-80 triệu đồng/ha. Cũng theo ông Hùng, chính sự thành công của mô hình đã góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng nuôi cá rô phi trên toàn tỉnh, thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân.

Qua mô hình nuôi cá rô phi, có thể thấy rõ hiệu quả từ việc chuyển đổi đất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh. Tuy nhiên về lâu dài, để tăng năng suất, chất lượng, ổn định đầu ra cho sản phẩm thì cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ thủy sản và người nuôi trồng trên cơ sở các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời tiến tới xây dựng chợ đầu mối tại các vùng miền nhằm điều tiết việc tiêu thụ sản phẩm cá rô phi thương phẩm.


Có thể bạn quan tâm

bat-qua-tang-mot-co-so-bom-tap-chat-vao-tom Bắt Quả Tang Một Cơ… giai-phap-nao-cho-vung-tom-hai-lang Giải Pháp Nào Cho Vùng…