Mô hình kinh tế Tăng Thu Nhập Từ Nuôi Trăn

Tăng Thu Nhập Từ Nuôi Trăn

Ngày đăng 23/04/2012

Trong thời điểm dịch bệnh trên vật nuôi như hiện nay, một mô hình chăn nuôi mới đang dần mở ra hướng tích cực, bởi ít gặp rủi ro lại nhẹ công chăm sóc. Đó là mô hình chăn nuôi trăn của một số hộ dân thuộc ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Dễ sinh lời từ con trăn

Mỗi hộ có thể tận dụng khuôn viên trống bên chái nhà hay ngoài sân rồi xây chuồng nuôi trăn. Số lượng dao động từ vài con cho đến vài chục con trăn. Anh Trần Thanh Liêm là một trong những hộ nuôi trăn giỏi nhất ở đây. Với hơn 10 năm trong nghề nuôi trăn, anh đã tích lũy cho mình khá nhiều kinh nghiệm. Từ bỏ nuôi heo, đến với con trăn, nguyên nhân theo anh là vì loài trăn dễ nuôi, không tốn kém, nhất là dễ tìm nguồn thức ăn. Ưu điểm lớn nhất đó là không cần phải cho ăn hàng ngày.

Nếu nuôi theo đúng kỹ thuật, sau 7 tháng, trăn có thể tăng trọng khoảng 6 kg, cứ mỗi tháng tăng 1 kg. Với thời điểm hiện tại, giá trăn loại chuẩn 10 kg là 270.000 đ/kg. Nếu mỗi năm xuất chuồng 20 con trăn thì trừ hết chi phí anh cầm chắc khoản lời chừng 32 triệu đồng. Nhẩm đi nhẩm lại, tận dụng khoảng thời gian nông nhàn nuôi trăn cũng cho thu nhập kha khá mà công sức bỏ ra ít. Sau lần bán đầu tiên, anh nhận định: “Nuôi trăn cho thu nhập cao hơn nuôi heo, bởi nuôi heo gặp nhiều rủi ro, chi phí cao hơn”.

Linh hoạt trong nghề

Tuy nuôi ít nhưng người nuôi vẫn phải có một ít hiểu biết, kiến thức về trăn. Đó là học hỏi từ sách báo, rút ra kinh nghiệm từ thực tiễn của những người nuôi trước, người này chia sẻ người kia. Về cách cho trăn ăn, chú Út - một trong những hộ nuôi trăn nói: Với trăn con nửa ký thì 5 ngày cho ăn một lần, từ 5 - 6 kg cho ăn một tháng 2 - 3 lần, trăn trên 10 kg khoảng từ 8 - 20 ngày cho ăn một lần.

Ở thôn quê, nguồn thức ăn cho trăn khá đơn giản, dễ tìm, chủ yếu là bắt trong tự nhiên như chuột, rắn mối, nhái hoặc mua lúc chợ tàn như chân, đầu gà, vịt (vì giá rẻ hơn)… Và để tăng nguồn thức ăn được nhiều lần, anh Liêm còn đem bán chuột bắt được, lấy nguồn đó mua lại nguồn thức ăn khác cho trăn ăn, bởi “1 kg chuột đồng có thể đổi lấy từ 3 - 4 kg đầu chân gà…”.

Chuồng nuôi cũng khá đơn giản, chỉ cần bỏ ra khoảng 1 triệu đồng là đã có một cái chuồng chắc chắn, an toàn. Bà con cũng có thể tận dụng chuồng cũ từ nuôi heo, sau đó sửa lại, đóng lưới sắt xung quanh cho chắc chắn, rồi thả trăn nuôi. Anh Liêm cho sửa lại chuồng bằng xi măng (chuồng nuôi heo trước đây) xung quanh cho bọc lưới sắt, bố trí máng để nước. Khi nuôi trăn, khoảng 1 tuần thì vệ sinh chuồng một lần. Anh còn tách ra nuôi riêng những con trăn đẹp để cho sinh đẻ, nhưng khả năng ấp nở chưa cao. Anh chia sẻ kinh nghiệm chọn trăn nuôi: cỡ 100 g, da trăn có màu vàng nhiều hơn màu đen, các hoa văn hình mạng lưới liền nhau, không bị chấm lỗ.

Khó khăn cho người nuôi trăn là nguồn giống nuôi, chủ yếu mua từ thương lái ở Vĩnh Long, Cần Thơ, vẫn chưa rõ nguồn gốc. Việc tìm đầu ra cho con trăn cũng gặp khó khăn, phụ thuộc vào cả thương lái. Khi trăn hơn 10 kg thì giá giảm (210.000 đ/kg, khi trăn trên 20 kg thì giá bằng mức 10 kg) nên chỉ cần trăn đạt 10 kg là nhiều người đã bán, song nhiều khi thương lái cũng “õng ẹo” làm giá, qua tháng thì coi như mất vài chục ngàn đồng một ký.

Vấn đề là hiện nay vẫn chưa có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên khi trăn bệnh như lên đàm, sổ mũi thì không biết cách chữa ra sao, đành kêu thương lái bán gấp mà nhiều khi trăn vẫn chưa đạt trọng lượng để bán giá cao. Do đó, người nuôi trăn ở đây mong sớm có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách nuôi cũng như cách phòng, trị bệnh, để mô hình này được vững chắc, ổn định hơn, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân.


Có thể bạn quan tâm

ket-qua-mo-hinh-san-xuat-rau-theo-quy-trinh-vietgap-tai-hoc-mon Kết Quả Mô Hình Sản… mo-hinh-nuoi-giun-que-o-binh-lieu Mô Hình Nuôi Giun Quế…