Tin thủy sản Tạo đột phá trong phát triển kinh tế thủy sản theo hướng ổn định và bền vững

Tạo đột phá trong phát triển kinh tế thủy sản theo hướng ổn định và bền vững

Tác giả Thu Huyền, ngày đăng 26/04/2022

Trong đó, phát triển mạnh về quy mô và sản lượng tôm tại 3 huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Đến nay, chủ trương của tỉnh vẫn xác định ngành thủy sản là một trong những thế mạnh mũi nhọn để phát triển kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định cụ thể đến năm 2025 phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (CNC).

Xây dựng hợp tác xã

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho biết: Năm 2021, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 35.300ha, sản lượng 80 ngàn tấn, tăng 8% so với kế hoạch. Riêng tôm CNC có diện tích 2.000ha, đạt 100% so với kế hoạch đề ra, sản lượng đạt 42 ngàn tấn. Ngành đang tập trung phối hợp với UBND các huyện và các sở, ngành có liên quan vận động thành lập 1 hợp tác xã (HTX) nuôi tôm CNC tại huyện Thạnh Phú, quy mô 120ha, trong đó, có 20 hộ nuôi tôm CNC. Phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện kết nối đầu ra cho sản phẩm tôm Bến Tre, đồng thời xây dựng chứng nhận ASC trên con tôm nhằm nâng giá trị sản phẩm con tôm CNC.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh có 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,92%. Trong đó, huyện Ba Tri 500ha, Bình Đại 2.000ha, Thạnh Phú 1.500ha. Sản lượng nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC đạt 144 ngàn tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,42%.

Phát triển ít nhất 3 HTX nuôi tôm ứng dụng CNC tham gia vào chuỗi giá trị tôm biển, đến năm 2025 đạt tỷ lệ HTX từ loại khá, tốt trên 80%. Hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp thủy sản và sản phẩm tôm nuôi với các HTX, tổ hợp tác. Mở rộng quy mô vùng nuôi thủy sản, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất của chuỗi giá trị.

Đến năm 2025, sản phẩm nuôi tôm biển ứng dụng CNC được sản xuất dưới hình thức HTX chiếm tỷ lệ liên kết đạt trên 60%, sản xuất theo tiêu các chuẩn GAP (VietGAP, ASC, GlobalGAP...) chiếm tỷ lệ trên 70% và thực hiện đăng ký nuôi để cấp mã nhận diện chiếm tỷ lệ 100%. Nâng tổng giá trị sản phẩm tôm thu nhập trên 1ha đạt khoảng 450 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 41,42% và giá trị sản xuất của chuỗi tôm đạt 1 tỷ USD.

Tạo vùng nguyên liệu tập trung

Mục tiêu là phát triển nghề nuôi tôm nước lợ thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và tổ chức sản xuất hợp lý; năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Tạo đột phá trong phát triển kinh tế thủy sản theo hướng ổn định và bền vững, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh. Phát triển nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng nguyên liệu tập trung, có sản lượng lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức được xác định, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp cùng với các nhà đầu tư tập trung triển khai các giải pháp để phát triển nghề nuôi tôm ứng dụng CNC gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ, cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, HTX với mục tiêu là mỗi huyện thành lập 1 HTX nuôi tôm CNC 10 tỷ đồng/HTX. Tập trung nguồn lực để phát triển sản xuất 3 vùng tập trung như: 100ha tại xã Bảo Thuận - Ba Tri, 150ha tại xã Thạnh Phước - Bình Đại và 100ha tại xã Giao Thạnh, Thạnh Hải - Thạnh Phú; phát triển khu vực nuôi tôm ứng dụng CNC quy mô trang trại/hộ gia đình có diện tích từ 2 - 10ha. Rà soát, đánh giá xác định những khâu yếu trong chuỗi giá trị tôm biển để củng cố, nâng cấp nhằm tạo sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Đầu tư cơ sở hạ tầng trong nuôi tôm CNC: Phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng địa phương triển khai nhanh dự án hạ tầng thủy lợi, đường giao thông, vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn huyện Ba Tri, Bình Đại. Tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, các dự án (cụ thể DA WB 11 giai đoạn 2023 - 2026) để đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm CNC huyện Thạnh Phú. Phối hợp với Công ty Điện lực tỉnh ưu tiên đầu tư hệ thống điện 3 pha cho các vùng nuôi CNC tập trung trên địa bàn 3 huyện biển.

Huy động  nhiều  nguồn lực

Ngành nông nghiệp phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành có liên quan thực hiện huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư hợp tác nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ mới để phát triển nghề nuôi tôm. Vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tham gia sản xuất trong vùng nuôi tôm CNC tập trung.

Đồng thời, phối hợp với ngành ngân hàng triển khai về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Một số điểm mới là doanh nghiệp được vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 70 - 80% giá trị dự án nông nghiệp CNC với hình thức cho vay linh hoạt; ưu đãi về tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính.

Vận động, thu hút đầu tư ít nhất 1 - 2 nhà máy chế biến tôm, góp phần nâng cao giá trị chuỗi tôm của tỉnh, trong đó Bình Đại phải có 1 nhà máy chế biến tôm. Huyện cố gắng phối hợp với các sở, ngành và tìm doanh nghiệp có năng lực đầu tư, kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp Phú Thuận.

Liên kết phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất cung cấp đầu vào như con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và doanh nghiệp chế biến, phân phối tiêu thụ sản phẩm cùng với ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn trong nuôi tôm ứng dụng CNC để người sản xuất và các doanh nghiệp tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm. Quan tâm hình thành các HTX nhằm xây dựng các quy chuẩn phù hợp đáp ứng thị trường thế giới để có đầu ra ổn định lâu dài.

“Trong năm 2022 hình thành 3 vùng nuôi tôm CNC, tập trung trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, mỗi huyện tối thiểu 100ha/vùng. Phối hợp với Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng CNC quy mô nhỏ (1 - 2ha), phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân. Đây là yếu tố then chốt để đạt mục tiêu xây dựng vùng nuôi tôm CNC tập trung cũng như đủ điều kiện phát triển 4.000ha vào năm 2025”.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội)


Có thể bạn quan tâm

binh-dinh-co-nhieu-mo-hinh-khuyen-ngu-dat-hieu-qua-cao Bình Định có nhiều mô… quang-ninh-day-manh-cong-tac-chong-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap Quảng Ninh đẩy mạnh công…