Tạo liên kết sản xuất từ đồng vốn của Hội
Tạo việc làm, tănag thu nhập
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) cho vay, bà Vũ Thị Thành và nhiều hộ khác ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ có thêm điều kiện về tài chính để mở rộng quy mô cơ sở sản xuất miến dong. Hiện nay cơ sở chế biến miến dong của bà Thành đang tạo việc làm ổn định cho 8 lao động với thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng. Bà Thành cho hay, từ khi được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND năm 2013, số lao động làm tại cơ sở chế biến miến dong của gia đình tăng từ 5 lên 8 người.
Theo đó, tiền lãi mỗi tháng của cơ sở cũng tăng lên và hiện đạt 10-15 triệu đồng/tháng. “Điều đáng quý là dự án vay vốn Quỹ HTND đã giúp các hộ cùng làm nghề đoàn kết, tương trợ, cùng nhau nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm miến dong và mở rộng thị trường tiêu thụ”-bà Thành thổ lộ.
Một hộ khác là gia đình ông Bàng Văn Thanh, xóm Vân Long, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ) vay vốn Qũy HTND để cải tạo thêm 0,5ha chè. Hiện, gia đình ông có doanh thu từ chè đạt 300 - 350 triệu đồng/năm, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 3 lao động. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều mô hình phát huy hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND như dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Bình Sơn (TP.Sông Công) đã phát triển đàn trâu với quy mô từ 5-10 con/hộ. Hay như dự án vay vốn Quỹ HTND của nhóm hộ nuôi dê tại xã Liên Minh, huyện Võ Nhai. Sau 1 thời gian sử dụng vốn Quỹ HTND, số dê của mỗi hộ tăng từ 25 con lên 30 con…
Tính đến nay, nguồn Quỹ HTND do Hội ND tỉnh Thái Nguyên đang quản lý là 17,58 tỷ đồng cho 705 hộ vay ở 9/9 huyện, thành, thị xã với 52 dự án. Trung bình mỗi huyện, thành phố, thị xã có 5 dự án, trong đó nguồn Quỹ HTND tỉnh là 7,23 tỷ đồng với 23 dự án cho 307 hộ vay; nguồn T.Ư ủy thác là 10,35 tỷ đồng với 29 dự án cho 398 hộ vay.
Tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh
Theo bà Hà Thị Bích Hồng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Nguyên, các dự án mà Quỹ HTND cho vay chủ yếu tập trung vào các mô hình sản xuất có hiệu quả tại địa phương nhằm mở rộng và phát triển ở quy mô lớn hơn. Tuy nguồn vốn Quỹ HTND cho vay tại các dự án chưa cao, với mức vay tối đa chỉ 30 triệu đồng/hộ, nhưng đã thực sự có ý nghĩa với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô nhỏ và vừa. Vốn Quỹ HTND đã giúp hội viên, ND xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, mở rộng quy mô phát triển ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tạo nên hình thức kinh tế tập trung ở nông thôn.
“Để nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, các cấp Hội ND đã phối hợp các ngành, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn, cho vay đúng đối tượng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng vốn vay. Kèm theo đó, Hội sẽ tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ thuộc dự án. Hội còn tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả để bà con ND, hội viên học hỏi lẫn nhau…”-bà Hà Thị Hồng cho biết.
Cũng theo bà Hà Thị Hồng, để đảm bảo cho việc quản lý, theo dõi, giám sát tốt hơn, Quỹ HTND đã giải ngân cho vay theo mô hình dự án (thay vì cho vay theo hộ nhỏ lẻ). Phương thức cho vay này đã khuyến khích xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác, nhóm hộ, trang trại, doanh nghiệp nhỏ...Thông qua đó, từng bước hình thành chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa, tăng năng suất, nâng giá trị sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ