Mô hình kinh tế Tây Nguyên ồ ạt trồng tiêu đua nhau chặt bỏ cao su, cà phê

Tây Nguyên ồ ạt trồng tiêu đua nhau chặt bỏ cao su, cà phê

Ngày đăng 03/09/2015

Cao su làm trụ tiêu

Thấy nhiều hộ dân trong xã thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ tiêu, trong khi giá cao su ngày càng xuống thấp (hiện còn khoảng 6.000 đồng/kg mủ tươi), gia đình ông Lại Quốc Huy (ở buôn Tơng Lía, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đã quyết định chặt bỏ 3ha cao su để trồng tiêu.

Năm ngoái, giá mủ cao su xuống thấp (7.000 đồng/kg), mỗi hécta ông thu chỉ đủ trả tiền thuê nhân công cạo mủ và phân bón, tính ra không có lãi. Năm nay, ông cố gắng đầu tư chăm sóc mong giá lên để kiếm chút lãi, ai ngờ giá càng giảm, tính ra lỗ khoảng 5 triệu đồng/ha.

Bởi vậy, ông đã chặt bỏ ngọn cao su để tận dụng các gốc làm trụ trồng tiêu. Theo ước tính của ông Huy, nhờ tận dụng lại phần thân gốc để làm trụ tiêu nên chỉ phải đầu tư khoảng 70 triệu đồng/ha để mua giống tiêu, phân bón, thuốc trừ sâu.

Gia đình ông Lại Quốc Huy (ở buôn Tơng Lía, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đã quyết định chặt bỏ 3ha cao su để trồng tiêu)

Nhận thấy giá hồ tiêu tăng mạnh, gia đình ông Lê Văn Hùng (ở thôn 3, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cũng chặt bỏ hơn 2ha cao su đang thu hoạch để trồng tiêu. “Tiền thu từ mủ cao su không đủ trả thuê nhân công. Giá tiêu hiện nay cao gấp hàng chục lần so với cao su nên cả vùng này giờ chẳng ai mặn mà gì với cây cao su nữa”, ông Hùng cho hay. Hiện gia đình ông Hùng trồng 200 trụ tiêu trên diện tích cà phê vừa phá bỏ với hy vọng giá tiêu ổn định như hiện nay thì 1 - 2 năm tới sẽ có thể khá lên từ cây tiêu.

Vừa chặt xong phần ngọn 2ha cao su đến độ thu hoạch mủ, gia đình ông Đào Văn Mừng (ở thôn 12, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) đang hối hả đào đất quanh gốc cao su để trồng tiêu. “Biết làm sao được, phải chặt bỏ để trồng tiêu thôi. Cả vườn cao su chỉ cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm, nếu trừ chi phí phân bón, công thuê cạo mủ, chỉ còn lại khoảng 10 triệu đồng. Với số tiền này, cả gia đình tôi làm sao sống nổi’’, ông Mười tâm sự.

Để bớt tốn kém đầu tư, gia đình ông Mười chỉ bỏ phần ngọn và giữ lại thân cây cao su để làm trụ trồng tiêu. Đối với những cây cao su còn nhỏ, ông giữ lại để che bóng mát cho cây tiêu. Còn tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có hơn 65ha cao su bị chặt bỏ, tập trung chủ yếu tại tại các xã Đắk R’la (22ha), Đắk N’Drot (21ha), Đắk Gằn (10ha) và Thuận An (10ha). Hầu hết người dân chỉ chặt bỏ phần ngọn cây cao su và giữ lại phần thân làm trụ tiêu.

Cà phê cũng bị chặt bỏ...

Bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhiều người dân tỉnh Gia Lai cũng đang chặt bỏ cà phê để trồng tiêu. Gia đình anh Lê Hữu Nguyên (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) có vườn cà phê đang cho thu hoạch. Vừa qua, anh Nguyên quyết định vay mượn tiền thuê người đào bỏ vườn cây này để lấy đất trồng 550 trụ tiêu.

Nói về việc phá cà phê trồng tiêu, anh Nguyên lý giải bằng cách làm phép tính: Mỗi trụ tiêu trung bình cho thu hoạch 8kg và mỗi ký tiêu có giá 200.000 đồng, nếu không gặp rủi ro về bệnh tật thì gia đình sẽ thu nhập mỗi năm gần 900 triệu đồng với 550 trụ tiêu này. Thu nhập này cao gấp cả chục lần so với việc trồng cà phê.

Tại tỉnh Đắk Lắk, người dân cũng đang đua nhau chặt bỏ cà phê để trồng tiêu. Một trong những địa phương có phong trào trồng tiêu sôi nổi nhất phải kể đến xã Cư Suê, huyện Cư M’gar. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, có gần 20ha cà phê lâu năm bị người dân phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu.

Gia đình ông Vũ Đức Dậu (ở thôn 2, xã Cư Suê) cũng vừa chặt bỏ 2ha cà phê để trồng tiêu. Theo ông Dậu, nếu phá bỏ vườn cà phê để tái canh thì cũng phải chờ 3 năm sau mới cho thu hoạch, trong khi giá cà phê những năm qua khá thấp và luôn bấp bênh, lợi nhuận thu về cao lắm cũng chỉ khoảng 200 triệu đồng/năm.

Năm nay ông lấy hết vốn liếng của gia đình được 50 triệu đồng, cộng với vay ngân hàng 100 triệu đồng để “đánh cược” với cây tiêu. Hy vọng đến khi tiêu cho thu hoạch, mức giá vẫn ổn định như những năm gần đây thì ông có thể thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm.

Ẩn họa khôn lường

Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, việc người dân chặt bỏ cao su làm trụ trồng thì cây tiêu phát triển rất kém, ảnh hưởng xấu đến năng suất sau này. Nhiều vùng đất trồng cao su không thích hợp với cây tiêu, chất dinh dưỡng trong đất tại gốc cao su đã bị biến chất, nhiễm phèn, mặn. Nếu người dân cứ ồ ạt trồng tiêu như hiện nay sẽ rất dễ xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa trong thời gian tới.

Còn ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho rằng: Việc chặt bỏ cà phê và thay thế vào đó cây trồng khác sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên.

Vì vậy, ngoài việc ngành nông nghiệp các tỉnh cần định hướng rõ cơ cấu cây trồng thích hợp riêng cho từng vùng, bà con cũng cần cân nhắc kỹ việc phá diện tích cao su, cà phê và đổ xô trồng hồ tiêu. Sở NN-PTNT các tỉnh cũng đã gửi công văn tới các địa phương nhằm khuyến cáo nông dân không chuyển đổi cao su, cà phê sang cây trồng khác.

“Tuyệt đối không trồng xen hồ tiêu vào vườn cao su vì dễ bị nhiễm nấm phytopthora làm chết cây cao su. Không trồng tỉa cây cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, thậm chí cả diện tích cao su đang bắt đầu khai thác để trồng tiêu. Trước mắt, trong thời gian giá mủ cao su xuống thấp, bà con có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc tối thiểu, không để vườn cây xuống cấp nhằm bảo đảm cho việc đầu tư thâm canh khi giá cao su tăng trở lại’’, ông Tự khuyến cáo.

Giá hồ tiêu tăng cao trong 2 năm gần đây đã làm cho người dân Tây Nguyên đổ xô chặt bỏ cây trồng khác để trồng tiêu. Việc “trồng - chặt’’ cây công nghiệp lâu năm để chạy theo giá cả thị trường đang phá vỡ quy hoạch nông nghiệp vùng Tây Nguyên và đem lại những ẩn họa khôn lường.


Có thể bạn quan tâm

dich-benh-tren-cay-tieu-noi-so-cua-nong-dan Dịch bệnh trên cây tiêu… huong-di-moi-tu-mang-tay-xanh Hướng đi mới từ măng…