Mô hình kinh tế TBR 225 ngôi sao sáng

TBR 225 ngôi sao sáng

Ngày đăng 24/10/2015

Khi tìm ra điểm yếu của “độc cô cầu bại” BC15 là mẫn cảm với thời tiết lạnh và dễ nhiễm đạo ôn trong vụ xuân, “con hổ” trong ngành lúa giống Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinhSeed) lập tức “đốt đuốc” tìm một “chiến binh” khác để thay thế.

Và ông đã tìm thấy.

Tìm “chiến binh bất bại”

Vừa rồi về Đông Hưng (Thái Bình), có vị lãnh đạo ngành nông nghiệp thủ thỉ với tôi rằng: “Cứ như hạt thóc giống BC15 vương vào hỏm hóc nào trong nếp nhăn não nông dân ấy.

Vụ mùa, nếu một gia đình có 3 mảnh ruộng, thì ít nhất cũng phải đưa BC15 vào 2 mảnh mới tạm an tâm”.

Chưa tin lắm về câu nói của ông lãnh đạo, chúng tôi về xã Phú Lương, xuống đồng hỏi nông dân.

Có người bảo: “Giống ấy của ông Báo thì không cần phải tuyên truyền nữa đâu.

Nông dân cả nước biết hết rồi.

Tốt, năng suất, chất lượng, gieo cấy vụ mùa là nhất, nhưng vụ xuân thì chưa ăn thua lắm, bởi dễ nhiễm đạo ôn”.

Là doanh nghiệp “đầu tàu” về giống cây trồng của tỉnh Thái Bình, sở hữu 7 giống lúa bản quyền, thậm chí “vươn vòi”, bám “xúc tu” vào đồng ruộng khắp các vùng miền cả nước.

Nhưng, khách quan mà nói, ThaiBinhSeed vẫn phải nhường thị phần lớn trong ngành lúa giống cho các đối thủ trong vụ lúa xuân.

Trần Mạnh Báo - “con hổ” trong ngành giống, khó lòng an phận thủ thường.

Khi đã tạo ra được một “độc cô cầu bại” BC15 trong vụ mùa, thì giấc mơ về một giống lúa “chiến binh bất bại” trong vụ xuân lại càng thôi thúc.

Thế là, tiền tỷ lại rót vào nghiên cứu khoa học, thu thập vật liệu, chọn tạo giống.

Không thể đếm nổi có bao nhiêu khó khăn, bế tắc trên con đường chinh phục một giống lúa thuần cảm ôn tụ hội những đặc tính tốt: vừa năng suất, vừa chất lượng, vừa chống chịu sâu bệnh tốt, chịu rét, ít mẫn cảm với thời tiết (những điểm yếu cơ bản của BC15).

Nhưng cuối cùng, trong bóng đêm cũng xuất hiện những ngôi sao.

Và ngôi sao sáng nhất chính là TBR225.

Lực sĩ trên đồng

Còn nhớ, vụ xuân năm 2014, những hạt giống TBR225 đầu tiên được đưa về xã An Ninh (huyện Bình Lục, Hà Nam) SX thử, diện tích 4,5 ha.

Người trồng lúa địa phương cứ “ù ù cạc cạc”, chẳng rõ năng suất, chất lượng giống thế nào nhưng vẫn háo hức với “canh bạc” không bao giờ thua lỗ, vì được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, trường hợp thiệt hại đã có dự án đền bù.

Bà Nguyễn Thị Sáu (thôn 6, xã An Ninh) còn nhớ như in sau khi gieo sạ 6 sào lúa của gia đình thì gặp rét tê rét tái.

Các giống lúa khác bị chết liểng xiểng, nhưng TBR225 không hề bị ảnh hưởng.

Còn một điều đặc biệt là trận gió đầu mùa năm ấy đã làm tất cả các giống trên đồng đổ rạp, nhưng chỉ sau vài ngày thì lúa giống TBR225 lại tự đứng lên khiến nhiều người ngỡ ngàng, năng suất đạt 270 kg/sào.

Riêng về chất lượng gạo thì vượt cả BC15, cơm dẻo, ngon, có mùi thơm, còn Khang dân 18 thì không thèm chấp.

Theo kết quả hạch toán hiệu quả kinh tế của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Ninh cho thấy, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư cho 1 sào Bắc bộ (360m2), TBR225 cho lãi thuần cao hơn giống đối chứng Khang dân 18 là 202.000 đồng/sào, tương đương với hơn 5 triệu đồng/ha.

Tham quan mô hình, ông Đặng Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nam nhận xét: TBR225 có thân lúa rất cứng, cổ bông to, bộ lá đòng rất ngắn, dày, đứng tạo sự quang hợp tốt cho cây và từ đó tích lũy được các chất dinh dưỡng truyền vào hạt để tạo ra chất lượng gạo ngon.

Vụ xuân là vụ thường bệnh đạo ôn phát triển rất mạnh, mà TBR225 nhiễm rất nhẹ.

Vậy có thể đánh giá đây là giống có triển vọng để thay thế các giống lúa khác có chất lượng gạo không ngon, năng suất thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh kém hiện nay.

Cách đây ít hôm, chúng tôi về xã Liêm Tiết (TP Phủ Lý, Hà Nam) thăm cánh đồng SX lúa TBR225 tại cánh đồng Mủng, thôn Đào.

Nhìn đồng lúa vàng ruộm, ken dày những hạt thóc mẩy vàng, ai ấy cũng bảo nhau: “Không còn là “danh bất hư truyền” nữa, TBR225 không chỉ là “sao kim” của vụ xuân mà còn là “sao mộc” của vụ mùa”.

Ông Trần Văn Sen, Giám đốc HTX DVNN xã Liêm Tiết chia sẻ: Nông dân tham gia mô hình mừng như nhặt được vàng anh ạ.

Diễn biến thời tiết vụ mùa năm nay phức tạp.

Sau khi cấy gặp nắng nóng kéo dài làm một số diện tích bị táp đầu lá, giảm khả năng đẻ nhánh.

Khi lúa đứng cái làm đòng thời tiết nóng, khô.

Thời kỳ lúa trỗ bông khá thuận lợi, nhưng sau trỗ bông lại gặp tiết trời âm u, mưa nên khả năng vào chắc bị ảnh hưởng.

Vụ mùa năm nay, sâu bệnh cũng phát triển mạnh.

Sâu cuốn lá lứa 5 gây hại trên diện rộng.

Thời điểm phun phòng trừ mưa liên tục, nhiều diện tích không phun được.

Sâu cuốn lá lứa 6, sâu đục thân mật độ cao hơn mọi năm.

Lúa TBR 225 vụ mùa sai trĩu hạt

Nhưng qua quá trình theo dõi, đánh giá đến thời điểm này lúa trong mô hình có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, trung bình 1 m2 có 248 bông, số hạt chắc/bông là 142, tỷ lệ lép 17%.

Năng suất dự kiến đạt 223 kg/sào.

Trong khi đó, năng suất của lúa Khang dân 18 chỉ đạt 202 kg/sào”.

Cấy TBR225 là chắc ăn

Vẫn là “bài ca được mùa”, nhưng vụ mùa năm nay, chúng tôi được nghe những người nông dân thôn Bắc Hải, xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) “hát” trên cánh đồng quê hương đang SX thử nghiệm giống lúa TBR225.

Nếu nhìn vào diện tích gieo cấy TBR225 ở thời điểm hiện tại, so với “gã khổng lồ” BC15, nó vẫn là “cậu bé tí hon”.

Nhưng, với sức mạnh nội tại trời phú, TBR225 có thể sẽ lớn nhanh như “Thánh Gióng” ở tương lai không xa.

Nhìn những bông lúa nặng trĩu hạt vít thân lúa cong như đuôi tôm rủ xuống con đường bê tông nội đồng, ai cũng thích mắt.

Nơi đây từng là vùng SX hạt giống lúa lai F1 có tiếng ở Vĩnh Bảo, nên trình độ thâm canh của nông dân rất lão luyện.

Và, cái cách mà người ta đánh giá một giống lúa mới cũng mạch lạc không kém kỹ sư nông nghiệp.

Ông Trịnh Quang Chưa, nông dân thôn Bắc Hải chia sẻ: "Vụ này, nhà tôi cấy lúa TBR225 mật độ 18 – 20 khóm/m2 (thay vì 38 – 40 khóm/m2 như truyền thống).

Nó đẻ nhánh rất mãnh liệt.

Cây to lắm, mỗi gốc có 17 – 18 bông, trung bình mỗi bông khoảng 200 hạt chắc.

Bình thường, nếu hình thái cây to như này thì rất dễ nhiễm khô vằn, bạc lá, đạo ôn nhưng với giống này hoàn toàn yên tâm.

Không phải nói khoác, vụ này năng suất chắc chắn đạt 2,5 tạ hất lên trên 1 sào.

Nghe cán bộ trên huyện bảo cơm ăn ngon hơn cả BC15, vì thế chúng tôi đang rủ nhau tiếp tục mua giống cấy vào vụ xuân”.

Với thâm niên 30 năm làm lãnh đạo HTXNN xã Đông Tân (huyện Đông Hưng, Thái Bình), ông Phạm Hoàng Sỹ đã cấy thử đủ các thể loại lúa giống của ông Trần Mạnh Báo cung cấp, từ TBR1, TBR36…

“Riêng TBR225 thì có một chuyện rất lạ.

Mấy năm trước giống này cũng năng suất, nhưng ăn cơm lại cứng và không thơm.

Vụ xuân vừa rồi, ông Báo mời tôi đi hội thảo đầu bờ để khoe giống TBR225, tôi không tin lắm nhưng khi được “nhét” cơm vào mồm thì thấy ngon thật.

Vừa dẻo, thơm lại đậm hơn cả BC15.

Hỏi ra mới biết, thời ấy, khâu chọn dòng TBR225 chưa ổn định, độ thuần chưa cao nên chất lượng chưa đồng đều, bây giờ thì khác rồi.

Thế là vụ mùa này tôi vận động bà con đưa giống này vào gieo cấy diện tích 10 ha.

So với BC15 đối chứng thì từ chiều cao, bộ gốc đều đẹp hơn (tức là kháng bệnh tốt); bóc vỏ hạt thóc ra nhìn gạo cũng thấy được rồi.

Hỏi người dân, người ta khẳng định năng suất không kém BC15, thế mà lại được gạo ngon, ít bệnh thì quá trúng với xu thế thị trường”.


Có thể bạn quan tâm

cach-mang-don-dien-doi-thua-ca-he-thong-chinh-tri-nhap-cuoc Cách mạng dồn điền đổi… tu-nguyen-xay-ham-biogas Tự nguyện xây hầm biogas