Mô hình kinh tế Thạch Quảng gây dựng thương hiệu nghệ Việt

Thạch Quảng gây dựng thương hiệu nghệ Việt

Ngày đăng 05/11/2015

Dành quỹ đất để thâm canh cây dược liệu này, gắn với đầu tư chế biến sâu củ nghệ, là giải pháp thiết thực tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Cán bộ, kỹ sư trao đổi cách phòng trừ bệnh nấm trên cây nghệ cho nông hộ.

Trồng nghệ xen canh hiệu quả cao

Nông trường Thạch Quảng thuộc Công ty TNHH một thành viên (TNHH MTV) cao-su Thanh Hóa có nhiệm vụ chủ yếu là trồng, thâm canh cây cao-su, cây mía, thu mua nguyên liệu trong vùng đầu tư cho các cơ sở chế biến.

Song, cái khó là thời gian kiến thiết cơ bản của cây cao-su khoảng bảy năm mới cho mủ; diện tích chuyên canh cây mía đường thường phát sinh nhiều loài sâu, bệnh, ảnh hướng xấu đến năng suất, sản lượng.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải tìm cây trồng phù hợp, có tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao để trồng xen canh, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, vừa cải tạo, tăng độ phì cho đất.

Lãnh đạo Nông trường Thạch Quảng tìm đến các đơn vị khoa học đầu ngành, ra các tỉnh phía bắc tham quan, quyết định lựa chọn, du nhập 2,5 tấn giống nghệ vàng N8 về khảo nghiệm.

Mỗi cán bộ, đảng viên nhận một đến hai tạ nghệ giống về trồng trên diện tích đất gia đình nhận khoán, quyết tâm xây dựng thành công mô hình trồng xen nghệ bên cây cao-su mới trồng và trồng nghệ luân canh trên đất mía.

Đất không phụ công người, một tạ nghệ trồng trên mỗi sào đất ở Thạch Quảng cho thu hoạch từ 1 tấn đến 1,5 tấn nghệ thương phẩm.

Sản lượng nghệ này được dùng làm giống để nhân diện tích trồng nghệ niên vụ sau.

Gần đây, Công ty cổ phần nghệ Việt cùng chính quyền cơ sở hướng dẫn nông hộ ở các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh cải tạo vườn tạp, trồng nghệ trong vườn.

Theo đó, 28 hội viên hội làm vườn trong và ngoài xã Thạch Quảng cùng tiến hành cải tạo vườn tạp, nhận giống, trồng được 22 ha nghệ.

Không chỉ giúp nhau cùng nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nghệ, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Thạch Quảng Phạm Văn Vinh ký hợp đồng trách nhiệm với Công ty cổ phần nghệ Việt bảo đảm thu mua, bao tiêu sản phẩm ổn định cho các nông hộ.

Chị Nguyễn Thị Huyền, Đội trưởng Đội 3, Nông trường Thạch Quảng cho biết: Cây nghệ vàng N8 trồng chu kỳ một năm cho năng suất hơn 20 tấn/ha nhưng trồng nghệ theo chu kỳ 1,5 năm, cho năng suất từ 40 đến 45 tấn/ha.

Với giá thu mua tối thiểu 5.000 đồng/kg, mỗi ha nghệ trồng một năm cho doanh thu hơn 100 triệu đồng; nghệ trồng 1,5 năm cho doanh thu từ 200 triệu đến 225 triệu đồng/ha.

Nhờ trồng nghệ đem lại hiệu quả kinh tế cao, người lao động càng có điều kiện tham gia xây dựng, phát triển bền vững vùng trồng cây cao-su, cây mía nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến.

Gây dựng thương hiệu nghệ Việt

Cùng với việc du nhập, xây dựng, nhân rộng vùng trồng nghệ vàng N8, Công ty cổ phần nghệ Việt ban hành chính sách đầu tư ứng trước giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ máy làm đất đối với các hộ có nhu cầu; chuyển giao tiến độ khoa học, quy trình thâm canh, hướng dẫn sâu rộng các biện pháp phòng bệnh cho nghệ đến người lao động; cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định.

Giám đốc Công ty cổ phần nghệ Việt Hà Văn Tiệp, kiêm Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Nông trường Thạch Quảng) cho biết: Năm vừa qua, doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nghệ đạt gần 9 tỷ đồng, nhưng thu nhập bình quân của lao động gián tiếp tại nông trường đạt 2,8 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng.

Thực tế, Nông trường và Công ty cổ phần nghệ Việt ưu tiên bố trí nguồn vốn cho đầu tư phát triển, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích, bảo đảm nâng cao thu nhập cho gần 200 cán bộ, công nhân viên và hơn 500 hộ nhận khoán.

Đầu ra của sản phẩm chế biến từ nghệ rất lớn, nhưng công ty mới sơ chế, còn phải đưa thành phẩm ra Hà Nội nhờ chế biến sâu.

Thêm nữa cây nghệ mới được du nhập, trồng ở vùng thượng du Thanh Hóa, chưa được xác định là cây kinh tế chủ đạo và được tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định.

Năm 2014, sản lượng nghệ củ đạt 470 tấn, trong đó có 200 tấn được sơ chế, sấy khô tại xưởng của công ty, còn lại bán nghệ tươi.

Tỉnh Thanh Hóa mới quyết định đầu tư 1,8 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền công nghệ lò quay, nâng công suất sấy nghệ lên gấp hai lần trong thời gian chạy rốt-đa.

Năm nay sản lượng nghệ củ ước đạt 800 tấn, trong đó 400 tấn củ nghệ sẽ được sấy khô tại cơ sở.

Dự toán, cần có 20 tỷ đồng để xây dựng, lắp đặt công nghệ chế biến nghệ sâu tại Thạch Quảng.

Nâng cao thu nhập trên cùng một ha canh tác, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm chế biến từ nghệ được Nông trường Thạch Quảng xác định là hướng đi bền vững, giải pháp cụ thể hóa đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao và đề án tái cơ cấu của Công ty TNHH MTV cao-su Thanh Hóa, khẳng định thương hiệu sản phẩm Việt trong xu thế hội nhập, phát triển.


Có thể bạn quan tâm

man-xam-nhap-sau-va-keo-dai-den-thang-5-2016 Mặn xâm nhập sâu và… gung-giam-gia-hon-50-so-voi-nam-truoc Gừng giảm giá hơn 50%…