Tin thủy sản Thách thức của cá tra và tôm

Thách thức của cá tra và tôm

Tác giả Thanh Hải, ngày đăng 28/05/2018

Đầu tháng 5, giá cá tra nguyên liệu đã tăng đến mức kỷ lục trước nay chưa có, trong lúc giá tôm lại giảm khá mạnh, đặt ra các thách thức mới.

Hiện giá cá tra trong nước đang khởi sắc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ 

Cá tra tăng giá đến đâu?

Đầu tháng 5, giá cá tra thịt trắng loại 1 ở tỉnh Đồng Tháp đạt 33.500 đồng/kg, một mức cao chưa từng có trước đây. Như thế, từ tháng 1/2018, giá cá tra nguyên liệu tăng liên tục: ban đầu 27.000 - 29.000 đồng/kg (tùy chất lượng và phương thức thanh toán), gần Tết lên 28.000 - 30.000 đồng/kg, sau Tết tiếp tục tăng đến nay, khắp các địa phương. Mức giá hiện nay, cao hơn 4.000 - 5.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước và đạt mức lời chừng 10.000 đồng/kg. Chủ một doanh nghiệp nuôi cá tra ở Cần Thơ phấn khởi: “Một tháng bán 1.000 tấn cá, lời 10 tỷ đồng, vượt qua được khó khăn của các năm trước”.

Nhiều người “treo ao” trước đây, nay trở lại nuôi, khiến cá tra giống lại khan hiếm, đẩy giá tăng gấp 2 - 3 lần năm ngoái. Hiện, cá tra giống loại một đã hơn 80.000 đồng/kg (khoảng 30 con) mà cung không đủ cầu. Giá bán đang gấp khoảng 4 lần giá thành, cũng đạt mức kỷ lục chưa từng xảy ra trước kia. Đặc biệt, các chuyên gia trong ngành đều không dự đoán được, giá cá tra nguyên liệu và cá tra giống đã dừng lại chưa hay sẽ còn tăng đến đâu?

Trong lúc, thống kê của Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2018, diện tích nuôi cá tra và sản lượng thu hoạch của 10 tỉnh trọng điểm vùng ĐBSCL tăng so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, diện tích nuôi 2.886 ha, tăng 6%; tổng sản lượng thu hoạch hơn 347.100 tấn, tăng 8%. Sản lượng cá tra ở những tỉnh hàng đầu nuôi cá tra đều tăng: Đồng Tháp đạt 118.417 tấn, tăng 9%; An Giang 98.120 tấn, tăng 3%; Bến Tre 60.000 tấn, tăng 1%; Cần Thơ 53.225 tấn, tăng 33%.

Còn xuất khẩu cá tra, số liệu của hải quan, tính đến ngày 31/3, kim ngạch tăng 18% so cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch tăng chủ yếu nhờ tăng giá. Trong đó, kim ngạch tăng mạnh cũng ở ba thị trường hàng đầu là Trung Quốc-Hồng Kông với 45%; Mỹ 22,7%; ASEAN 56,5%; còn thị trường EU tiếp tục giảm 17,7%.

Số liệu thống kê giữa sản lượng thu hoạch tăng và kim ngạch xuất khẩu tăng khá tương ứng, chưa cho thấy sự khác biệt lớn để dẫn tới cá tra nguyên liệu thiếu hụt khiến tăng giá kỷ lục. Vậy tăng giá kỷ lục do đâu? Đến nay chưa mấy ai trả lời được rõ ràng. Hiện chỉ biết, giá cá tra nguyên liệu tăng liên tục và chưa biết đâu là đỉnh, nhiều doanh nghiệp lo ngại xuất khẩu sẽ gặp khó vì giảm cạnh tranh.

Trên truyền thông, Công ty Tradex Foods Canada đã bày tỏ, giá cá tra fillet vào Mỹ tăng liên tục đã khiến một số nhà nhập khẩu có xu hướng chọn sản phẩm thay thế. Công ty ghi nhận trong báo cáo “Three-minute Market Insight”, giá fillet cá tra vào Mỹ 1,5 USD/pao đầu năm 2017, nay lên 3 USD/pao, dự kiến còn tăng 0,05 - 0,1 USD/pao những tháng tới và chưa thấy dấu hiệu giảm, nên một số nhà nhập khẩu Mỹ đang chuyển sang cá minh thái. Tuy nhiên, cá minh thái cũng đã tăng giá chừng 20% so tháng 1/2018.

Tôm giảm giá khắp nơi

Sở Công thương Cà Mau cho biết, đầu tháng 5, giá tôm thẻ chân trắng tiếp tục giảm xuống mức thấp. Cụ thể, tôm loại 100 con/kg chỉ còn giá khoảng 80.000 đồng/kg, giảm 15% so tháng 4; còn tôm loại 70 - 90 con/kg giảm nhiều hơn nữa. Với giá này, người nuôi tôm lãi rất mỏng, không khéo còn bị lỗ.

Nguyên nhân giá tôm nước ta giảm, theo các chuyên giá là do giá tôm thế giới giảm. Theo truyền thông quốc tế, giá tôm ở Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc đều giảm; trong lúc tồn kho ở Mỹ vẫn cao sau khi nhập khẩu năm 2017 tăng 10%. Khối lượng nhập tôm của Mỹ lại tăng 15% trong tháng 2 năm nay. Tất cả đưa đến thị trường tôm thế giới đang rơi vào cảnh khá trầm lắng.

Đại diện công ty đóng gói tôm của Ấn Độ là VV Marine Products cho biết, từ cuối tháng 2, giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu của Ấn Độ đều giảm. Giá tại ao nuôi tôm Ấn Độ đã giảm xuống 4,04 - 4,20 USD/kg (tôm chân trắng cỡ 50 con/kg), thấp hơn giá thành. Thư ký Hiệp hội Người nuôi tôm Pattukottai ở Tamil Nadu cho biết, hầu hết người nuôi tôm ở Andhra Pradesh và Orissa đang lỗ.

Tại Indonesia, công ty xuất khẩu tôm khá lớn là Central Proteina Prima (CP Prima) đang gặp khó khăn vì giá giảm xuống gần chạm đáy. Giám đốc Công ty cho biết, đã khó khăn mà các nhà nhập khẩu Mỹ lại đang yêu cầu giảm giá 10 - 20% nữa. Giá tại đầm tôm Indonesia hiện chỉ 4,89 - 5,04 USD/kg với tôm thẻ chân trắng cỡ 50 con/kg.

Một số nhà chế biến tôm dè dặt dự đoán, giá tôm nguyên liệu có thể phục hồi vào tháng 6 vì hậu quả của việc giảm giá dẫn đến giảm nuôi, giảm sản lượng. Đến tháng 8 - 10, giá sẽ tăng. Tuy nhiên, khi giá tôm giảm, sản lượng tôm dự kiến sẽ bị ảnh hưởng. Tại Thái Lan, một số chuyên gia dự đoán sản lượng tôm năm 2018 đạt 310.000 tấn, giảm chừng 11% so dự đoán trước đó. Thị trường sẽ hạn chế nguồn cung khoảng giữa năm 2019.

Còn với tôm Việt Nam, thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 3 tháng đầu năm 2018 là EU, đạt 134,9 triệu USD, chiếm 18,2% tổng kim ngạch, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Ba thị trường hàng đầu trong khối EU là Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng khá ấn tượng với lần lượt 76,3%, 55,3% và 18,9%. Xuất khẩu tôm nước ta sang EU vẫn duy trì được đà tăng trưởng của năm 2017 và ở thị trường này, đang có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh là tôm Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc vì tôm nước ta được ưu đãi thuế, giá cả hợp lý.

>> Tôm Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn tăng khá ấn tượng trong quý I/2018: Mỹ tăng 8,4%, Trung Quốc-Hồng Kông 19,6%, Hàn Quốc 46,7%, Australia 44%. Tính chung quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng 20,2%. Hiện nay, theo các chuyên gia, tôm Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế ở những thị trường lớn; tuy nhiên, cũng đối mặt với thách thức lớn là cảnh báo kháng sinh cấm, cần khắc phục triệt để mới tận dụng được cơ hội.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-thong-tin-ky-thuat-nuoi-luon-thuong-pham-trong-long-dat-trong-ao-dat Một số thông tin kỹ… tom-the-chan-trang-trong-he-thong-nuoi-khong-thay-nuoc-sieu-tham-canh-va-biofloc-phan-2 Tôm thẻ chân trắng trong…