Tin thủy sản Thách thức từ nuôi tôm công nghệ cao

Thách thức từ nuôi tôm công nghệ cao

Tác giả Quốc Hiệp, ngày đăng 07/09/2017

Từ đầu năm đến nay, mô hình nuôi tôm khép kín công nghệ cao có xu hướng phát triển mạnh trên địa bàn huyện Phú Tân. Mô hình này cho năng suất cao nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nguồn vốn...

Nhiều nông dân trong huyện đang tiếp tục xây dựng ao đầm nuôi tôm công nghệ cao.

Theo Kỹ sư Trần Thanh Đông, Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, có nhiều cách gọi khác nhau cho mô hình này như: nuôi tôm khép kín công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi ao trải bạt... nhưng chung quy đó là mô hình nuôi tôm với quy trình chặt chẽ, áp dụng kỹ thuật cao hơn so với nuôi công nghiệp thông thường.

Một vốn một lời

Đặc điểm của loại hình nuôi này là chi phí đầu tư rất lớn, áp dụng quy trình kỹ thuật chặt chẽ, chủ động các yếu tố về môi trường, nguồn nước. Theo đó, người nuôi thường xây dựng ao đầm nhỏ hơn nuôi công nghiệp bình thường. Diện tích đầm nuôi thường trung bình khoảng 1.000 m2 để tiện chăm sóc, quản lý và đầu tư.

Điểm cơ bản của loại hình này là nuôi với mật độ cao và cho năng suất cao, có thể gấp từ 5-10 lần so với nuôi công nghiệp thông thường. Hiện các hộ trên địa bàn huyện Phú Tân đang áp dụng loại hình nuôi này đều cho năng suất khá cao, khoảng 70-80 tấn/ha.

Ông Quách Công Luận, ấp Thanh Đạm A, thị trấn Cái Đôi Vàm, có 2 ao nuôi tôm công nghệ cao với diện tích mỗi ao 1.200 m2, ao lắng 400 m2, thả nuôi với mật độ từ 150-200 con/m2. Ông Luận chia sẻ: “Ao nuôi thiết kế gần như hình vuông, diện tích 1.200 m2; có quạt, lưới che, hệ thống xi phông, các trang thiết bị cần thiết như vỉ ô-xy, máy cấp ô-xy thêm… Nói chung cũng giống như nuôi thông thường nhưng có cái là phải trải bạt và áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, nuôi mật độ dầy”.

Ông Luận cũng cho hay, quy trình chuẩn bị thường làm ao dèo trước, sau đó đến ao nuôi. Người nuôi phải chủ động kiểm tra các yếu tố về môi trường như độ mặn, pH, khoáng, ô-xy của nước trước khi đưa vào ao dèo để dèo tôm thuận lợi và đạt hiệu quả. Sau khi dèo khoảng 20 ngày mới chuyển sang ao nuôi đã được xử lý nước đúng quy trình. Hằng ngày đều phải kiểm tra các yếu tố môi trường, quan sát tôm nuôi thường xuyên, cho ăn đúng giờ.

Nói về năng suất, hiệu quả, ông Luận thông tin, qua hơn 3 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng 35-40 con/kg. Do nuôi không dầy nên sản lượng chưa cao lắm, khoảng 6 tấn/ha. Lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng cho 1 đầm 1.200 m2, tính ra 1 lời 1.

Cũng như ông Luận, ông Nguyễn Thanh Liêm, ấp Cái Đôi, xã Phú Tân cũng là một trong những hộ thực hiện hiệu quả loại hình nuôi tôm công nghệ cao, đánh giá, sau một năm thực hiện loại hình này trên 2 đầm nuôi hơn 1.000 m2 cho thấy, tôm nuôi thường đạt kích cỡ bình quân 36 con/kg. Sản lượng khoảng 22 tấn, ông Liêm thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.

Cần đảm bảo tính bền vững

Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 100 ha ao đầm nuôi tôm khép kín công nghệ cao, tập trung nhiều ở thị trấn Cái Đôi Vàm, xã Phú Tân, xã Tân Hải. Năng suất thu hoạch bình quân loại hình này đạt gần 80 tấn/ha. Hiện tại, nhiều hộ đang xây dựng ao đầm, trải bạt để nuôi tôm theo mô hình khép kín, công nghệ cao. Mô hình này hứa hẹn cho năng suất cao và hiệu quả.

Tuy nhiên, loại hình nuôi này cần vốn lớn. Chi phí bình quân cho mỗi đầm nuôi 1.000 m2 trong một vụ khoảng 300 triệu đồng. Từ đó cho thấy nó không hoàn toàn phù hợp với những người có vốn ít. Thực tế, loại hình nuôi này là lấy chi phí lớn để có lời lớn, bởi nếu nuôi đạt hiệu quả, tỷ lệ vốn lời sẽ là 1-1.

Điều đáng quan tâm ở loại hình nuôi này là phải đảm bảo vệ sinh môi trường, quy trình xử lý, xả thải. Thực tế đã có nhiều phản ánh về việc xả thải ra môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân lân cận. Tuy nhiên, ngành chuyên môn và địa phương chưa có giải pháp kiểm tra, xử lý triệt để.

Bởi thực tế, huyện vẫn còn thiếu trang thiết bị, dụng cụ thẩm định các yếu tố môi trường, chất thải. Vấn đề đặt ra là phải đảm bảo tốt quy trình xử lý ô nhiễm môi trường, xả thải, tránh ảnh hưởng đến hàng ngàn héc-ta đất nuôi tôm truyền thống khu vực lân cận. Điều này đòi hỏi ý thức trách nhiệm với cộng đồng và vấn đề đạo đức người nuôi. Bởi xả thải chưa qua xử lý chẳng những ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống mà còn ảnh hưởng đến con người, thế hệ mai sau.

Không vì lợi nhuận của một vài hộ mà ảnh hưởng đến sản xuất của hàng trăm, hàng ngàn hộ trong khu vực là phương châm của huyện Phú Tân trong chỉ đạo, định hướng nuôi tôm công nghệ cao. Do đó, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý việc thực hiện quy trình nuôi theo quy định đối với hộ nuôi, nhất là các yếu tố về xử lý chất thải. Tuyên tuyền, vận động hộ nuôi phối hợp tốt với ngành chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường bên ngoài.

Đồng thời, huyện Phú Tân khuyến khích bà con nuôi trong vùng quy hoạch nhằm đảm bảo các điều kiện về điện, ưu tiên hỗ trợ tập huấn chuyển giao công nghệ, xây dựng các hình thức sản xuất để bà con hợp tác, hỗ trợ nhau, tăng cường liên kết 4 nhà, nhất là hỗ trợ để giảm chi phí đầu vào, tăng giá cả đầu ra để sản xuất đạt hiệu quả


Có thể bạn quan tâm

eu-canh-bao-cam-nhap-khau-tom-an-do EU cảnh báo cấm nhập… noi-lo-tom-giong Nỗi lo tôm giống