Mô hình kinh tế Thái Lan Tiếp Tục Dẫn Đầu Thế Giới Về Xuất Khẩu Gạo, Bỏ Xa Việt Nam

Thái Lan Tiếp Tục Dẫn Đầu Thế Giới Về Xuất Khẩu Gạo, Bỏ Xa Việt Nam

Ngày đăng 22/01/2015

Thái Lan đã giành lại vị trí xuất khẩu gạo số một thế giới vào cuối năm 2014, với lượng gạo xuất đi ước đạt hơn 10 triệu tấn.

Dự kiến nước này sẽ tiếp tục duy trì được thứ hạng cao nhất trong năm 2015, với sản lượng gạo xuất khẩu sẽ vào khoảng gần 11 triệu tấn.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Thái Lan, nước này đã xuất khẩu được 8,38 triệu tấn gạo và thu về 130,5 tỷ baht (1 USD = khoảng 32 baht) trong ba quý đầu năm 2014, tăng 70% về lượng và 29,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số này đã chính thức đưa Thái Lan trở lại vị trí nước xuất khẩu gạo số một thế giới, tiếp sau là Ấn Độ với lượng xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn và Việt Nam đứng thứ ba, với lượng xuất khẩu khoảng 6,2 triệu tấn.
Chủ tịch danh dự của Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan Chukiat Ophaswongse cho rằng lượng gạo xuất khẩu của nước này trong năm 2014 đạt khoảng hơn 10 triệu tấn nhờ việc xuất đi thêm khoảng ba triệu tấn trong những tháng cuối năm.
Lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng trở lại do việc điều chỉnh giá hạ xuống gần bằng các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là khi so sánh với mức giá mà chính phủ tiền nhiệm áp dụng theo chương trình trợ giá lúa gạo.
Nếu chính phủ hiện nay muốn tiếp tục duy trì đà xuất khẩu gạo, họ sẽ phải ngừng thực hiện các dự án hỗ trợ lúa gạo để hạn chế việc tăng giá. Giá lúa gạo trên thị trường Thái Lan vào khoảng 8.500 baht/tấn, nhưng lại từng được mua với giá 12.000 baht/tấn trong chương trình trợ giá lúa gạo.
Triển vọng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm được dự báo sẽ vẫn duy trì đà phát triển tích cực, nếu các kho dự trữ vẫn có hoạt động xuất kho đều đặn như hiện nay. Thái Lan hiện đang giữ được thị phần xuất khẩu tại châu Phi, với mức giá chào bán thậm chí còn thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Một báo cáo của Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết giá gạo của nước này trên thị trường thế giới hiện chỉ vào khoảng 390 USD/1 tấn, trong khi gạo Ấn Độ vào khoảng 420-430 USD/tấn và gạo Việt Nam khoảng 400 USD/1 tấn. Dự kiến mức giá này của Thái Lan sẽ vẫn tiếp tục được duy trì để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu gạo của nước này vào năm 2015.
Thái Lan vẫn luôn giữ vị trí xuất khẩu gạo số một thế giới trong hơn 50 năm cho tới khi chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra thực hiện chính sách trợ giá lúa gạo, theo đó lúa gạo được thu mua với giá cao hơn 40% so với thị trường. Kết quả là nước này vừa mất ngôi vị vừa thua lỗ tới 510 tỷ baht.
Các chính phủ ở Thái Lan đã thực hiện việc trợ giá lúa gạo cho người nông dân trong toàn bộ 15 vụ mùa, kéo dài từ năm 2004 tới 2014, và chịu lỗ tổng cộng 682 tỷ baht. Riêng chính phủ của bà Yingluck chỉ thực hiện trợ giá lúa gạo trong bốn mùa, nhưng đã phải chịu lỗ với số tiền kỷ lục 510 tỷ baht.
Cụ thể chính phủ của bà Yingluck đã thu mua gạo với giá 32,32 baht/kg, trong khi giá bán trung bình chỉ vào khoảng 10,20 baht/1 kg. Như vậy mỗi kg gạo theo chương trình trợ giá sẽ bị lỗ khoảng 22,12 baht.
Hiện trong các kho dự trữ của Thái Lan vẫn còn khoảng 19,2 triệu tấn gạo tồn, với giá trị khoảng 225 tỷ baht. Dự kiến số gạo tồn đọng này sẽ gây thua lỗ khoảng 30 tỷ baht do gạo mục nát.
Các cơ quan hữu trách của Thái Lan cũng đã đưa ra một lộ trình nhằm đẩy nhanh việc giải tán số gạo tồn đọng này, nhưng việc thực hiện có lẽ sẽ phải bắt đầu từ năm 2015.
Thái Lan đang tìm cách bán thêm gạo thông qua các hợp đồng liên chính phủ và họ đã bắt đầu có một số khách hàng mới như Hong Kong và Iraq, ngoài những khách hàng thường xuyên là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Thái Lan vẫn có khả năng duy trì vị trí xuất khẩu gạo số một thế giới của họ trong năm 2015. Ước tính nước này sẽ xuất khẩu khoảng gần 11 triệu tấn, trong khi Ấn Độ đạt khoảng 8 triệu tấn và Việt Nam khoảng 7 triệu tấn.
Báo cáo của tổ chức này cũng cho biết các nước sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo nhiều trong năm tới là Trung Quốc, khoảng 2,8 triệu tấn; tiếp theo là Philippines (1,8 triệu tấn), Indonesia (1,2 triệu tấn) và Malaysia (1 triệu tấn).
Dự báo lượng gạo tiêu dùng trên toàn thế giới trong năm nay đạt khoảng 500 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2014 và lượng tiêu thụ theo đầu người cũng tăng lên tới 57,5kg. Điều này dẫn tới lượng gạo buôn bán trên thế giới sẽ tăng khoảng 50 triệu tấn.


Có thể bạn quan tâm

xang-dau-giam-gia-ngu-dan-cuoi-tuoi Xăng Dầu Giảm Giá, Ngư… san-day-that-thu Sắn Dây Thất Thu