Tin thủy sản Thanh Hóa khắc phục khó khăn trong nuôi trồng thủy sản vụ xuân

Thanh Hóa khắc phục khó khăn trong nuôi trồng thủy sản vụ xuân

Tác giả Lê Hợi, ngày đăng 11/03/2016

Các hộ nuôi cá nước mặn ở huyện Tĩnh Gia cũng bị thiệt hại, chủ yếu là các loại cá, như: cá giò, cá vược, cá chim vây vàng... Nguyên nhân là do nước triều xuống thấp cá bị chết rét, nhiều hộ nuôi phải thu hoạch sớm, giá trị chỉ bằng 50% so với thu hoạch đúng thời vụ.

Trước những thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các địa phương ven biển và các hộ nuôi tăng cường biện pháp phòng chống rét và dịch bệnh đối với thủy sản.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch bệnh ở tôm, cá trên các phương tiện thông tin đại chúng để các hộ nuôi trồng thực hiện nhằm giảm thiểu thiệt hại. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho đàn thủy sản bố mẹ, giống và nuôi thương phẩm; kiểm tra công tác sản xuất giống tôm, giống cá nước ngọt bảo đảm cung cấp nguồn giống cho vụ xuân.

Những ngày thời tiết ấm nắng, các chủ ao, đầm nuôi xã Trường Giang (Nông Cống) tập trung tháo kiệt nước, thu gom rong rêu, cải tạo đáy ao, diệt khuẩn, diệt tạp và ổn định độ PH bằng vôi bột để chuẩn bị cho vụ nuôi xuân. Ông Đậu Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trường Giang, cho biết: toàn xã hiện có hơn 210 ha nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt.

Trước Tết Nguyên đán Bính Thân thời tiết rét đậm, rét hại làm cá chết ước thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Để khắc phục khó khăn và chuẩn bị điều kiện cơ sở hạ tầng cho vụ nuôi mới, hiện xã chỉ đạo bà con tích cực cải tạo ao đầm, chuẩn bị nguồn giống và tích nước ao nuôi.

Vụ xuân năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu thả nuôi thủy sản nước ngọt 10.350 ha; nước mặn, lợ là 7.700 ha... Hiện các chủ ao đầm nuôi ở địa phương đang chuẩn bị các điều kiện nuôi thả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo các hộ nuôi, bơm sục đáy ao để tẩy rửa chất thải sau đó bón vôi bột đối với ao nuôi không tháo cạn được nước. Thau rửa 2 -3 lần đối với những diện tích nuôi bị nhiễm phèn. Bảo đảm độ sâu ao nuôi trên 1m đối với hình thức nuôi quảng canh cải tiến và trên 1,5m đối với nuôi bán thâm canh.

Đối với ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh đáy ao phải được thiết kế hệ thống thu chất thải để thuận lợi khi xả thải trong quá trình nuôi. Cùng với đó, các địa phương tích cực vận động hộ nuôi tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng điều kiện nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp; giám sát các cơ sở sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh một cách chặt chẽ để bảo đảm chất lượng giống cung cấp cho người nuôi.

Đặc biệt, tôm giống trước khi thả phải được kiểm dịch, tránh tình trạng dịch phát sinh, lây lan rộng gây thiệt hại lớn. Các hộ nuôi cần áp dụng hình thức nuôi theo hướng VietGAP bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Dự kiến cuối tháng 3 đầu tháng 4 khi nhiệt độ nước tăng dần lên tiến hành thả các loại con nuôi vụ xuân.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-ca-ngu-khoi-sac-dau-nam Xuất khẩu cá ngừ khởi… nguoi-dan-cau-duoc-ca-tre-trang-o-da-nang Người dân câu được cá…