Mô hình kinh tế Thanh Long Bình Thuận Hướng Tới VietGAP Hóa Diện Tích Hiện Có

Thanh Long Bình Thuận Hướng Tới VietGAP Hóa Diện Tích Hiện Có

Ngày đăng 10/08/2013

Thanh long hiện được xác định là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận, đồng thời còn dẫn đầu danh sách trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả và phát triển bền vững, địa phương cùng ngành chức năng cần nghiên cứu tìm kiếm những giải pháp thật căn cơ. Và một trong nhóm giải pháp mà Sở Công thương tính đến có đề cập hướng VietGAP hóa diện tích thanh long hiện có…

Do bị phá vỡ quy hoạch, nên hiện tại Bình Thuận đặt ra mục tiêu thực tế hơn: Đến năm 2015 diện tích thanh long đạt 20.000 ha, còn vào năm 2020 ổn định khoảng 20.500 ha. Mục tiêu này cho thấy, địa phương sẽ quyết liệt trong quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch trồng thanh long và không để phát triển tràn lan. Thay vào đó là tập trung nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực liên quan, tiến tới VietGAP hóa diện tích thanh long hiện có trên địa bàn Bình Thuận.

Muốn được vậy, những giải pháp liên quan đến khâu sản xuất sản phẩm lợi thế này phải được quan tâm đúng mức, nhằm khuyến khích các hộ nông dân tích cực tham gia. Trước mắt, công tác tuyên truyền và tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích thanh long theo quy trình GAP (VietGAP, GlobalGAP) đã được đẩy mạnh.

Mặt khác, việc thanh kiểm tra nhằm ngăn chặn lạm dụng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên sản phẩm thanh long cũng được tăng cường. Song song đó tỉnh còn chú trọng quản lý, giám sát chặt chẽ những đối tượng sâu hại để kịp thời triển khai biện pháp phòng chống bệnh hữu hiệu. Đặc biệt là trong kiểm soát bệnh ruồi đục trái thanh long - đối tượng kiểm dịch nghiêm ngặt của nhiều thị trường nhập khẩu trọng điểm…

Với giải pháp lâu dài, việc phát triển hệ thống thủy lợi bền vững nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho các vùng chuyên canh phải được quan tâm hơn. Vấn đề quan trọng nữa là ngành chức năng cần khẩn trương đầu tư, nâng cấp các trạm trạm biến áp, ưu tiên cấp điện đầy đủ và ổn định cho sản xuất thanh long trong vùng quy hoạch. Đối với công tác khuyến nông, địa phương sẽ tiếp tục tập trung chuyển giao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học mới. Qua đó, không những góp phần tăng năng suất lẫn chất lượng sản phẩm mà còn làm giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của trái thanh long Bình Thuận trên thị trường.

Cũng theo giải pháp đề xuất của Sở Công thương, các ngành liên quan cần nghiên cứu, rà soát nội dung một số Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về vấn đề này. Từ đó vận dụng nguồn vốn ưu đãi đầu tư, cải tạo hệ thống giao thông, trạm bơm, điện hạ thế, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải cho phù hợp yêu cầu kỹ thuật VietGAP. Hoặc dành hỗ trợ kinh phí lấy mẫu, kiểm tra mẫu về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh còn khuyến khích doanh nghiệp tham gia cải tiến công nghệ, đầu tư thiết bị đạt chuẩn trong xử lý, sơ chế, chế biến và bảo quản thanh long an toàn…

Bình Thuận đang đặt mục tiêu đến năm 2015 có 10.000/20.000 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, còn vào năm 2020 đạt 90% trong tổng diện tích 20.500 ha. Do vậy ngay từ bây giờ, việc tập trung chỉ đạo sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn tương đương có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi chỉ khi nào thành công trong VietGAP hóa diện tích hiện có, thì khi đó địa phương mới “rộng đường” tính toán đầu ra cho trái thanh long.


Có thể bạn quan tâm

xu-ly-chom-chom-nghich-loi-nhuan-gan-100-trieu-dong-nam Xử Lý Chôm Chôm Nghịch… nhan-long-ong-khay-1 Nhãn Lồng Ông Kháy