Mô hình kinh tế Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Ngành Cá Tra Phát Triển Ở Vĩnh Long

Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Ngành Cá Tra Phát Triển Ở Vĩnh Long

Ngày đăng 27/03/2013

Thiếu vốn để sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ bất ổn cũng như công tác thông tin, dự báo thị trường còn hạn chế là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản nói chung và sản xuất, tiêu thụ cá tra nói riêng của tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

 
Cá tra là đối tượng thủy sản nuôi quan trọng của Vĩnh Long với diện tích hơn 422 ha, tổng sản lượng năm 2012 đạt hơn 112.000 tấn, chiếm 90% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh. Tuy nhiên, năm qua cũng là năm khó khăn nhất từ trước đến nay của ngành sản xuất và tiêu thụ cá tra. Theo ông Nguyễn Thế Tân, Công ty cổ phần thủy sản An Phước (doanh nghiệp chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu tại huyện Mang Thít, Vĩnh Long), khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp là thiếu vốn để thu mua nguyên liệu cung ứng cho chế biến xuất khẩu. Nguồn vốn vay hiện có lãi suất quá cao (21-22%); riêng nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi rất khó tiếp cận. Toàn tỉnh hiện có 3 nhà máy chế biến thủy sản, tuy nhiên công suất sản xuất của năm 2012 đã giảm khoảng 50% so với năm 2011. 
Theo ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản Vĩnh Long, Phó Chủ tich hiệp hội cá tra Việt Nam, chi phí đầu vào tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành nguyên liệu trong khi giá bán không ổn định, liên tục thấp hơn giá thành sản xuất đã làm cho người chăn nuôi không có lãi hoặc thua lỗ. 
Năm 2013, Vĩnh Long phấn đấu diện tích nuôi cá tra phát triển 450 ha với sản lượng 120.000 tấn. Để góp phần nâng cao chất lượng cá tra phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long khuyến khích người nuôi tiếp tục áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” trong quá trình nuôi cá tra thâm canh xuất khẩu. Đồng thời, ngành thực hiện sản xuất cá tra giống theo tiêu chuẩn thực hành nuôi thủy sản tốt toàn cầu; tập trung đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống và vùng nuôi cá tra tập trung, đảm bảo ổn định chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Ngành nông nghiệp phối hợp ngành ngân hàng nghiên cứu thực hiện cơ chế vay tín dụng ba bên, giữa nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng, đảm bảo bằng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. 
Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, tỉnh Vĩnh Long ưu tiên quy hoạch phát triển vùng nuôi cá tra thích nghi như: vùng đất bãi bồi, các xã cù lao trên sông Tiền và sông Hậu. Long Hồ là huyện trọng điểm phát triển về nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi cá tra xuất khẩu và nuôi lồng bè của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đạt diện tích nuôi trồng thủy sản 3.180 ha vào năm 2015 và 4.640 ha vào năm 2020. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 320.000 tấn, giá trị sản lượng đạt hơn 1.800 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD và thu hút trên 23.400 lao động. 
Dịp này, tổ chức quốc tế Bureau Veritas đã trao Giấy chứng nhận GlobalGap cho 3 trại nuôi cá tra của tỉnh là: trại cá Mỹ Hòa thuộc Công ty chế biến thủy sản Caseamex (huyện Tam Bình), trại cá Ba Huy (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm), trang trại nuôi cá tra xuất khẩu Công ty TNHH Phước Anh (Quới Thiện, huyện Vũng Liêm). Đến nay, Vĩnh Long đã có 4 cơ sở được chứng nhận GlobalGap - giấy chứng nhận thực hành nuôi cá tra tốt toàn cầu, đây cũng là giấy thông hành cho sản phẩm cá tra có mặt trên thị trường thế giới và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

nghien-cuu-thanh-cong-quy-trinh-san-xuat-giong-ca-tre-vang Nghiên Cứu Thành Công Quy… trien-khai-nuoi-ca-ro-phi-don-tinh-o-bao-loc-lam-dong-1 Triển Khai Nuôi Cá Rô…