Mô hình kinh tế Thế Mạnh Của Sóc Trăng Vẫn Là Tôm Sú

Thế Mạnh Của Sóc Trăng Vẫn Là Tôm Sú

Ngày đăng 14/10/2013

Tôm thẻ chân trắng đang phát triển rầm rộ ở hầu hết các vùng nuôi tôm nước lợ, không chỉ tập trung ở các địa bàn nuôi thâm canh, bán thâm canh mà còn lan rộng ra các địa bàn quảng canh, quảng canh cải tiến và cả vùng tôm – lúa. Phong trào này tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại, khả năng bùng phát dịch bệnh cho cả vùng nuôi. Các nhà chuyên môn khẳng định: tôm thẻ chân trắng không nên nuôi tràn lan, mà chỉ được phép nuôi ở quy mô thâm canh, bán thâm canh và phải theo quy hoạch vùng cụ thể.

Tình hình nuôi tôm thẻ bùng phát, vượt xa tầm kiểm soát của ngành chức năng. Mức độ thiệt hại giữa tôm thẻ chân trắng với tôm sú tương đương nhau nhưng nhờ giá tôm thương phẩm ở mức cao nên khả năng thu hồi vốn đối với tôm thẻ chân trắng tốt hơn, mặt khác do thời gian nuôi ngắn hơn tôm sú, nên đa phần bà con cho rằng tôm thẻ dễ nuôi hơn tôm sú

Không thể phủ nhận là nuôi tôm thẻ chân trắng đã giúp nhiều hộ nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng tháo gở khó khăn trước tình hình tôm nuôi bị thiệt hại nặng nề trong vài năm gần đây. Thực tế ở các vùng nuôi thì diện tích tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại tương đương với tôm sú, nhưng nhờ thời gian thiệt hại của tôm thẻ từ 1,5 tháng thả nuôi thì bà con có thể thu hồi vốn, trong khi tôm sú phải mất đến 3 tháng thì mới thu hồi được vốn. Song khả năng thu hồi vốn này hoàn toàn do giá tôm ở mức cao, nếu như giá tôm năm nay tương đương với năm 2012, thì người nuôi tôm nước lợ sẽ thua lỗ rất lớn.

Giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng thương phẩm cao hơn mức giá bình quân các kích cỡ năm trước hơn 50.000 đến 70.000 đồng/kg, đặc biệt tôm kích cỡ trên 100 con/kg giá cũng ở mức cao, chính vì thế mà tôm bị thiệt hại trong giai đoạn 1 tháng rưỡi đến 2 tháng thì đa số bà con không thua lỗ, thậm chí còn có lãi.

Ở vụ nuôi năm 2012- 2013 mức độ tôm bị thiệt hại tập trung vào thời điểm 2 tháng thả nuôi tuy có lợi nhuận nhưng nếu giá tôm giảm xuống như năm 2012 thì khả năng thua lỗ của bà con sẽ rất cao, vì vốn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng cao gấp 3 lần so với tôm sú (đối với quy trình nuôi thâm canh) và hơn gấp đôi (đối với quy trình nuôi bán thâm canh, quảng canh cải tiến).

Ông Trương Hoàng Khai ,Phó chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết: Tình hinh nuôi tôm năm nay diện tích thả đầu vụ không đạt hiệu quả cao vì tôm thiệt hại tập trung vào thời điểm 1,5 đến 2 tháng là rất lớn nên cũng gặp khó khăn. Nhờ giá cao nên thiệt hại của bà con không lớn. Về quan điểm chỉ đạo của xã thì chúng tôi vẫn khuyến khích bà con nuôi tôm sú vì bà con có kinh nghiệm.

Chúng tôi cũng luôn xác định một vài vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh để nuôi tôm thẻ chớ không khuyến cáo hay quy hoạch nuôi tôm thẻ tràn lan. Theo quy hoạch toàn xã chỉ khoảng 700 ha thôi, còn lại là không khuyến khích nuôi tôm thẻ mà tập trung phát triển nuôi tôm sú và canh tác lúa để đảm bảo tính bền vững.

Sóc Trăng là vùng nuôi tôm nước lợ, có kinh nghiệm nhiều năm đối với nghề nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh một vài năm trở lại đây nên phần lớn người nuôi tôm chưa có nhiều kinh nghiệm. Đánh giá kết quả thành công của năm 2013 do yếu tố thời tiết, môi trường thuận lợi và bà con cho rằng tôm thẻ chân trắng dễ nuôi hơn tôm sú là chưa có cơ sở khoa học, bởi thực tế ở vùng nuôi tôm huyện Mỹ Xuyên năm 2013 thì mức độ thiệt hại tương đương nhau và nông dân cũng đang cân nhắc là nên nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng.

Ông Nguyễn văn Sáu, Phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu cho biết quan điểm của mình: Tôi thấy điều kiện hạ tầng kỹ thuật của vùng nuôi như ở đây chưa phù hợp nên không nên phát triển tràn lan. Mặt khác bà con mình vẫn có kinh nghiệm nuôi tôm sú lâu năm hơn so với nuôi thẻ. Vốn đầu tư cho tôm thẻ lớn lắm, nông dân muốn nuôi phải đầu tư rất lớn, Mặt khác tôi nuôi tôm sú cho chắc ăn hơn vì chúng tôi có kinh nghiệm nhiều năm rồi.

Yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng rất quan trọng về quản lý môi trường, công trình ao nuôi, điện, nguồn nước,…do vậy mà bà con thận trọng khi chọn đối tượng nuôi. Tình trạng bùng phát diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vừa qua ở Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu đã gây khó khăn cho ngành Điện Lực và thiệt hại cho cả người sử dụng điện sinh hoạt vào mục đích nuôi tôm.

Không nên nuôi theo phong trào mà bà con phải xác định điều kiện thuận lợi nhất và cả quy trình kỹ thuật để hạn chế rủi ro. Thạc sĩ Đặng Hiền Đức, Chi Cục Thú Y Sóc Trăng có những lưu ý: Đối tượng tôm thẻ chân trắng là giống loài du nhập từ nước ngoài, vấn đề chọn giống, chế độ quản lý chăm sóc, thức ăn, nhất là nhu cầu oxy…

Điện là khâu quan trọng nếu như chúng ta nuôi thẻ mà không có điện sản xuất thì nguy cơ rất cao, chúng tôi muốn khuyến cáo bà con mình phải hết sức thận trọng khi chọn nuôi thẻ chân trắng vì nó đòi hỏi các yếu tố cần thiết thì mới thành công.

Sóc Trăng có lợi thế rất tốt đối với nghề nuôi tôm nước lợ, tuy nhiên ở các địa bàn nhiễm mặn theo mùa, vùng nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và vùng tôm lúa thì bà con nên chọn đối tượng nuôi phù hợp với khả năng đầu tư công trình, vốn đầu tư và đặc biệt là kinh nghiệm nuôi. Tôm sú vẫn là thế mạnh của nghề nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng, tuy bộc phát phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ở năm 2012, 2013 nhưng bà con cần cân nhắc đến tính bền vững của ao nuôi, vùng nuôi như các nhà khoa học khuyến cáo.


Có thể bạn quan tâm

su-dung-la-bach-dan-phong-ngua-benh-heo-tai-xanh Sử Dụng Lá Bạch Đàn… mot-nua-nong-dan-nuoi-ca-tra-bi-lo Một Nửa Nông Dân Nuôi…