Tin thủy sản Thế mạnh tôm sú Việt

Thế mạnh tôm sú Việt

Tác giả An Xuyên, ngày đăng 02/08/2021

Tiềm năng phát triển tôm sú sinh thái/hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế ở ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng là rất lớn. Nhận thức được lợi thế này, nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau đã tập trung cho công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất…; nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu cho con tôm sú thông qua các mô hình: tôm – lúa, tôm – rừng, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến… 

Sản phẩm tôm sú hữu cơ tạo nên sự khác biệt và khả năng cạnh tranh cho tôm Việt. Ảnh: Minh Phú

Ưu thế từ tôm sú

Tỉnh Cà Mau có khoảng 287.000 ha nuôi tôm; trong đó, diện tích sản xuất tôm sinh thái trong rừng ngập mặn chiếm khoảng 80.000 ha (có 20.000 ha đạt chứng nhận tôm sạch chuẩn quốc tế), khoảng 50.000 ha tôm – lúa, tôm quảng canh cải tiến khoảng 153.000 ha, tôm siêu thâm canh 3.000 ha và 5.500 ha tôm thâm canh; với sản lượng tôm thu hoạch hàng năm ước khoảng 180.000 – 200.000 tấn. Riêng con tôm sú Cà Mau đã đạt được nhiều chứng nhận quốc tế như: ASC, BAP, GlobalGAP, EU, Naturland… Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, phấn đấu có khoảng 60.000 ha tôm – rừng, tôm – lúa được cấp chứng nhận tiêu chuẩn tôm sạch quốc tế. Ông Bằng chia sẻ: “Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển tôm sú sinh thái/hữu cơ, tạo tiền đề cho việc tiến tới xây dựng thương hiệu con tôm sú Cà Mau nhằm tạo sự khác biệt cho tôm Việt nói chung và con tôm Cà Mau nói riêng”.

Theo định hướng phát triển ngành tôm của tỉnh Cà Mau, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đến năm 2025 đạt khoảng 200.000 ha và 20.000 ha nuôi tôm theo hình thức hữu cơ; trong đó phấn đấu có 10.000 ha được cấp chứng nhận quốc tế. Ngoài ra, còn có khoảng 40.000 ha luân canh tôm – lúa; trong đó có 10.000 ha nuôi theo hình thức hữu cơ được chứng nhận. Riêng đối với mô hình tôm – rừng, ông Bằng đánh giá: “Đây là mô hình sinh thái gắn với rừng ngập mặn có diện tích khá lớn với đối tượng nuôi chính là tôm sú được tỉnh ưu tiên phát triển từ lâu, theo hình thức doanh nghiệp hợp tác với nông dân để đạt chứng nhận tôm sinh thái; nhằm góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành hàng tôm Cà Mau trên thị trường trong và ngoài nước”.

Nuôi tôm chuẩn quốc tế

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau không những chú trọng phát triển nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Naturland, BAP, EU, ASC, Selva shrimp,VietGAP…, địa phương còn quan tâm hỗ trợ xúc tiến các hợp đồng liên kết doanh nghiệp với vùng nuôi theo chuỗi giá trị, hỗ trợ các điều kiện để được chứng nhận quốc tế. Hàng năm, tỉnh có trên 20 doanh nghiệp ký kết và duy trì trên 60 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với các hợp tác xã, tổ hợp tác để cung ứng vật tư đầu vào và xây dựng vùng tôm nguyên liệu có chứng nhận quốc tế. Những hợp đồng liên kết này không chỉ để cung ứng vật tư đầu vào gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mà còn góp phần xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng nhận quốc tế, tạo thuận lợi cho việc xây dựng thành công thương hiệu tôm sú Cà Mau.

Tại Diễn đàn Khoa học công nghệ về nuôi tôm sú hữu cơ ĐBSCL tổ chức tại Cà Mau ngày 10/7/2018, TS Trần Đình Luân, Phó Tổng trưởng Tổng cục Thủy sản khi đó, cho rằng: “Muốn phát triển tốt và có hiệu quả nghề nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ và xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam nói chung và tôm sú nói riêng, dứt khoát phải tổ chức lại sản xuất và thực hiện tốt khâu liên kết chuỗi. Vấn đề tiếp theo là công tác chuyển giao khoa học công nghệ cần thay đổi nội dung phương thức tập huấn, đào tạo để làm sao trong thời gian ngắn nhất chúng ta có thể xây dựng được thương hiệu tôm quốc gia”.

Đánh giá cao mục tiêu phát triển mô hình và xây dựng thương hiệu tôm sú sinh thái/hữu cơ, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang nêu ý kiến: “Nếu phát triển tốt mô hình nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế, chúng ta sẽ tạo được sự khác biệt cho con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế và khi đó, mỗi khi có nhu cầu sử dụng tôm là người tiêu dùng sẽ luôn nhớ đến con tôm Việt Nam, đặc biệt là con tôm sú”.

Để phát triển diện tích sản xuất tôm sú sinh thái/hữu cơ đạt chứng nhận, tiến tới xây dựng thành công thương hiệu tôm sú, theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, các tỉnh có điều kiện phát triển như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang cần có quy hoạch diện tích dành cho nuôi tôm sú hữu cơ ở các vùng sinh thái tôm – lúa, tôm – rừng, tôm quảng canh cải tiến; đồng thời, có chính sách mời gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia tài trợ, hỗ trợ các chương trình, dự án về tôm hữu cơ. Ông Quang nhấn mạnh: “Tiềm năng phát triển tôm sú sinh thái/hữu cơ ở ĐBSCL là rất lớn và cũng rất phù hợp với điều kiện, trình độ của đa số nông dân, nên chỉ cần tổ chức sản xuất tốt là có thể phát triển được”.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu, các mô hình tôm – lúa hiệu quả tại Bạc Liêu: Mô hình 2,3 vụ tôm (sú, thẻ) – 1 vụ lúa; mô hình 2, 3 vụ tôm (sú, thẻ) kết hợp thả xen cua vào mùa khô; mô hình 2, 3 vụ tôm (sú, thẻ) thả xen tôm càng xanh vào mùa mưa. Giải pháp phát triển các mô hình này là tập trung vào quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng; kỹ thuật; cơ chế chính sách; tổ chức sản xuất; khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường.


Có thể bạn quan tâm

yeu-to-can-thiet-trong-thuc-an-cong-nghiep-cho-tom Yếu tố cần thiết trong… dua-iot-vao-linh-vuc-nuoi-trong-thuy-san-tai-an-do Đưa IoT vào lĩnh vực…