Mô hình kinh tế Thêm Một Vụ Tôm Thất Bát

Thêm Một Vụ Tôm Thất Bát

Ngày đăng 22/06/2013

Nuôi tôm nước lợ tại Quảng Nam gặp khó là chuyện… biết rồi, khổ lắm nói mãi. Theo ngành chức năng, ưu tiên chất lượng con giống trong việc chuyển đổi đối tượng nuôi là điều cần thiết hiện nay.

Lại thất bát

Đi khắp các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh vào những ngày này, điều dễ thấy nhất là ao nuôi bỏ trống. “Gắng gượng lắm để thả nuôi thêm vụ này, hy vọng có khoản thu nhập để trang trải nợ nần nhưng lại dịch bệnh nữa rồi. Đầu tư bao nhiêu cũng bằng thừa, nâng cấp ao nuôi để rồi… bỏ trống”, ông Ngô Văn Thống, chủ hộ nuôi trên diện tích 10 nghìn m2 ở thôn Tân Phú (Tam Phú, TP Tam Kỳ) than thở.

Xuôi về Thăng Bình hay Duy Xuyên, đâu đâu cũng gặp cảnh thất bát trên những cánh đồng tôm nuôi. “Từ chọn con giống chất lượng, cải tạo ao nuôi tốt cho đến thực hiện đúng quy trình nuôi được hướng dẫn, chúng tôi thực hiện tất. Chỉ có điều là càng nuôi càng thua lỗ”, ông Nguyễn Văn Tám, chủ hộ nuôi ở thôn Đông Bình (Duy Vinh, Duy Xuyên) đắng đót.

Đến thời điểm này, sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở vùng triều chỉ đạt 1.680 tấn chỉ xấp xỉ một nửa so với cùng kỳ (3.000 nghìn tấn) và mới chỉ đạt 30% kế hoạch năm. Sau gần 4 tháng kể từ khi lịch mùa vụ được ban hành, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có đến hơn 100 ha diện tích tôm nuôi bị chết. Trong khi đó, khi vụ 1 nuôi tôm nước lợ đã khép lại, cả tỉnh vẫn còn 600 ha chưa được thả nuôi. Năm 2013, bệnh trên tôm nuôi lại xuất hiện, lây lan và kéo dài gây thua lỗ cho hầu hết người nuôi. Theo Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Quảng Nam, ở vụ 1 nuôi tôm nước lợ này, công tác chỉ đạo sản xuất gặp nhiều khó khăn, tiến độ thả nuôi chậm, sản lượng thu hoạch thấp.

“Công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi còn chậm do việc giám sát, phát hiện tại các vùng nuôi luôn bị động. Việc dự báo bệnh trên tôm nuôi còn hạn chế. Tôm giống được thả nuôi kém chất lượng do các cơ sở kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh thiếu ý thức cải thiện chất lượng con giống. Các giải pháp đáp ứng nhu cầu tôm giống trên địa bàn tỉnh chưa được giải quyết, triển khai…

Đó là những nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến thất bát ở vụ nuôi này”, bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trông thuỷ sản Quảng Nam mổ xẻ. Bà Tâm cho biết, để giúp người nông dân sản xuất tốt, trước khi vụ 1 bắt đầu, chi cục đã gửi hướng dẫn mùa vụ đến các địa phương, tập huấn kỹ thuật cho các nông hộ. Tuy nhiên, do triển khai chậm, thiếu tiếp thu, vụ nuôi đã không thành công như mong đợi.

Đổi đối tượng nuôi

Thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình nuôi thuỷ sản nước lợ ổn định, thu được hiệu quả kinh tế cao như cá dìa, cá chẽm, cá đối, cá bống... Nhiều ý kiến cho rằng, nên ưu tiên thả nuôi các đối tượng này tại các vùng triều nuôi tôm thẻ chân trắng thiếu hiệu quả và bỏ hoang. Điều này vừa làm tăng việc đa dạng hoá các đối tượng nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh vừa hướng đến nuôi thuỷ sản bền vững, hạn chế tác động xấu đến môi trường xung quanh.

“Đổi diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thiếu hiệu quả sang nuôi xen ghép tôm cá, nuôi hỗn hợp tôm cá và các đối tượng khác như cua, tôm càng xanh… hoặc nuôi chuyên một đối tượng nước lợ khác như tôm sú, cá dìa, cá chẽm là điều cần thiết hiện nay”, bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói. Theo bà Tâm, để thực hiện được điều đó, cần đặc biệt chú trọng khâu chuẩn bị giống; tăng cường mối liên kết giữa cán bộ kỹ thuật, quản lý với các nông hộ nuôi thuỷ sản. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý vùng nuôi; đẩy mạnh công tác khuyến ngư và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nhất là hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học.

Thời gian qua, chất lượng con giống trong nuôi thuỷ sản nước lợ luôn là điểm “nóng”, bởi chất lượng kém, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, khi chuyển các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng sang các đối tượng nuôi thuỷ sản nước lợ mới cần phải tăng cường quản lý vấn đề này. Theo đó, cần vận động đầu tư củng cố và nâng cấp các trại sản xuất giống đang phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh; khuyến khích đầu tư sản xuất các loại cá đặc sản như: cá dìa, cá hồng, cá nâu, cá đối; tổ chức ương giống cá chẽm đảm bảo cung cấp trên địa bàn.

Ông Lý Hồng Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thuỷ sản Quảng Nam cho biết, hiện tại, nhu cầu giống thuỷ sản nói chung, giống thuỷ sản nước lợ nói riêng trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Trong khi đó cơ sở vật chất của trung tâm chưa được đồng bộ, thiếu thiết bị. Nguồn nhân lực của trung tâm cũng không đủ. Bởi vậy, để có thể đáp ứng được nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh cần một sự đầu tư rất lớn.

Cần cơ chế thoáng để sản xuất an toàn

Một số ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, Quảng Nam cần quan tâm hơn trong công tác triển khai quy hoạch, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là đầu tư dứt điểm dự án sản xuất giống thuỷ sản (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) để kêu gọi đầu tư. Các chính sách về nuôi trồng thuỷ sản cần có lộ trình cụ thể hơn gắn chặt với nguồn vốn triển khai thực hiện. Cùng với đó, Quảng Nam nên có cơ chế ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất theo hướng an toàn dịch bệnh và triển khai triệt để hơn các cơ chế hỗ trợ của Trung ương vào Quảng Nam như hỗ trợ cơ giới hoá trong sản xuất thuỷ sản, hỗ trợ người nuôi trồng thuỷ sản không may bị dịch bệnh, thiên tai…


Có thể bạn quan tâm

trai-cay-ben-tre-va-ngay-hoi Trái Cây Bến Tre Và… cac-hop-tac-xa-tap-trung-khai-thac-ngheu-giong-ngheu-thit Các Hợp Tác Xã Tập…