Thêm nhiều điển hình tiên tiến
Tại Nghệ An, đoàn đã làm việc với Chi cục Thủy sản tỉnh cùng đại diện một số doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu. Tại đây, Tổng Thư ký Hoàng Đình Yên đã trao đổi một số thông tin về Danh hiệu Chất lượng vàng và mong muốn Nghệ An giới thiệu những gương điển hình trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần… tiêu biểu để tôn vinh.
Đoàn công tác của Hội Nghề cá Việt Nam thăm Cảng cá Sông Gianh Ảnh: Phương Chi
Đại diện Ban Tổ chức, ông Dương Xuân Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Thủy sản Việt Nam cho biết, Danh hiệu nhằm phát hiện, tôn vinh những điển hình tiên tiến trong lĩnh vực thủy sản, từ đó chọn ra những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đề cử trao Danh hiệu và bằng khen. Đến nay, công tác chuẩn bị cho Chương trình đã đi vào giai đoạn hoàn tất, có rất nhiều hồ sơ chất lượng gửi về tham gia, Ban Tổ chức sẽ làm việc công tâm nhằm chọn ra được những điển hình xứng đáng nhất để tôn vinh. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của Chương trình; địa phương cũng đã tìm hiểu và lựa chọn ra được những điển hình trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có các doanh nghiệp đóng tàu, chủ tàu và các hộ nuôi tôm, đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, có nhiều đóng góp cho xã hội. Cùng đó, cũng kiến nghị Hội Nghề cá Việt Nam xem xét việc trao tặng Kỷ niệm chương nghề cá cho những cá nhân, tập thể có nhiều năm đóng góp và cống hiến cho ngành.
Tiếp đó, đoàn đã đến thăm và làm việc với Chi cục Thủy sản Quảng Bình; thăm và làm việc với Ban Quản lý cảng cá Sông Gianh. Anh Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình ghi nhận và đánh giá cao ý nghĩa của Chương trình này, đồng thời, địa phương cũng giới thiệu những gương điển hình, tiêu biểu nhất tại địa phương về khai thác, dịch vụ hậu cần, nhà hàng tiêu thụ hải sản, cơ sở đóng tàu thuyền…; đây đều là những đơn vị hoạt động tốt có nhiều đóng góp cho địa phương và xã hội. Qua buổi làm việc và tiếp xúc với các đơn vị, có thể thấy rằng, thủy sản Quảng Bình đã phục hồi, hoạt động sản xuất đã mang lại hiệu quả cao và các đơn vị cũng rất hào hứng với việc tham gia chương trình bình chọn chất lượng vàng thủy sản.
Tại Quảng Trị, địa phương có ngành khai thác thủy sản rất phát triển, với số lượng tàu ra khơi lớn, trong đó có tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ; đại diện phía địa phương cho rằng, việc tôn vinh là rất kịp thời và có ý nghĩa to lớn với những tấm gương tiêu biểu, người thật việc thật trong sản xuất, kinh doanh và sẽ tích cực hưởng ứng.
Là một trong những điển hình được địa phương giới thiệu tham gia Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam, ngư dân Hồ Minh Tiến chủ tàu vỏ gỗ công suất 700 CV ở thôn Quang Hải, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh phấn khởi cho biết, tàu ông trở về sau chuyến đi biển 17 ngày từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, khai thác được khoảng 1,5 tấn cá thu, 0,5 tấn cá ngừ và cá các loại, với mức giá từ 120 - 150 nghìn đồng/kg, trừ chi phí nhiên liệu, nhân công, gia đình ông thu lãi 50 - 70 triệu đồng. Tàu của ông Chiến đóng theo Nghị định 67, vay vốn 6,5 tỷ đồng; nhờ hoạt động tốt sau mỗi chuyến ra khơi, đã giúp ông Tiến cải thiện kinh tế gia đình, lo cho con cái ăn học và tạo việc làm cho các ngư dân.
Qua chuyến đi thực tế cho thấy, các địa phương đã tích cực hưởng ứng bằng việc đề xuất và giới thiệu những doanh nghiệp, cá nhân điển hình trong lĩnh vực thủy sản để tham gia bình chọn với đa dạng lĩnh vực hoạt động như khai thác, đóng tàu, dịch vụ hậu cần, nhà hàng…
>> Theo Ban Tổ chức, đến nay đã có gần 800 hồ sơ đăng ký tham dự, bên cạnh những doanh nghiệp, tập thể, cá nhân từng được tôn vinh đã xuất hiện thêm nhiều điển hình mới. Lễ công bố và trao giải dự kiến được tổ chức ngày 10/8, tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội (thay vì 26/7 như đề xuất trước đó).
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ