Tin nông nghiệp Theo chân lớp học tiên phong về GlobalGAP

Theo chân lớp học tiên phong về GlobalGAP

Tác giả T. Quỳnh, ngày đăng 15/09/2017

Gần 13h chiều, hơn 10 thành viên của nhóm học về ngành chăn nuôi vẫn miệt mài trao đổi, phân tích, đánh giá về những gì thu hoạch được trong chuyến thực tế tại trang trại nuôi gà của công ty cổ phần Khánh Sơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Các thành viên lớp học trao đổi, thảo luận ngay tại thực địa để rút ra những điểm quan trọng.

Đây là một phần rất quan trọng trong khóa tập huấn tư vấn viên GlobalGAP đầu tiên do dự án Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” tổ chức tại TP.HCM cho 2 ngành chăn nuôi và trồng trọt, nhằm giúp các học viên làm quen với công việc sau này.

Trang trại nuôi gà của Công ty Cổ phần Khánh Sơn có tổng diện tích 32 héc ta, với 6 khu nuôi gà tách biệt nhau bằng các hồ nước, giống gà được doanh nghiệp chọn nuôi là gà Bến Tre, có độ ngọt, giòn và thơm. Trang trại với khoảng 5.000 gà con và gần 10.000 gà thịt. Hiện nay, gà của trang trại Khánh Sơn đang cung cấp cho các bếp ăn của quân khu 7… Và theo như bà Trần Thị Kim Xoàn, giám đốc công ty Khánh Sơn thì họ muốn phát triển trang trại của mình lên một tầm cao hơn nên quyết định đi học khóa tập huấn GlobalGAP này…

Tiến sĩ Roland Karl Aumüller, giảng viên khóa tập huấn, là thành viên Diễn đàn Các trang trại nhân giống châu Âu và tổ chức TAFS – Lòng tin An toàn thực phẩm cho người và động vật ở Zürich (Thuỵ Sĩ), sau chuyến khảo sát cùng học viên, ông phân tích.

Việc khảo sát thức tế trang trại để cho các học viên hình dung được điểm kiểm soát như nào khi đi ra kiểm tra, và đặt những câu hỏi ra sao.

Và dù có nhiều điểm không phù hợp được tìm thấy tại trang trại gà của doanh nghiệp Khánh Sơn, thì điều đó không có nghĩa trang trại Khánh Sơn không phù hợp với GlobalGAP tại thời điểm này.

Từ kết quả kiểm tra thực tế thu thập qua ý kiến các học viên, tiến sĩ Roland Karl Aumüller nhận xét, “nếu muốn làm chứng nhận GlobalGAP trong tương lai, doanh nghiệp phải cho thấy được khi làm bất cứ điều gì thì cũng phải có bằng chứng ghi lại thành văn bản”.

Ông cho biết thêm, việc thiết lập một hệ thống tài liệu, hồ sơ là một thách thức rất lớn khi trang trại muốn làm chứng nhận GlobalGAP.

Do đó, người tư vấn viên phải có những hướng dẫn, hỗ trợ để thiết lập hệ thống tài liệu, hồ sơ như thế nào cho phù hợp với các điểm kiểm soát trong tiêu chuẩn.

Tiến sĩ Roland Karl Aumüller nói đến 3 vấn đề mà các doanh nghiệp hay trang trại gặp phải, đó là về an toàn thực phẩm, là hệ thống tài liệu, hồ sơ, và cuối cùng là truy xuất nguồn gốc.

Và thực tế tại trang trại gà của doanh nghiệp Khánh Sơn.

Giải quyết tình huống thực tế

Giả sử bây giờ trang trại Khánh Sơn bán 1.000 con gà cho một nhà bán lẻ ở TP.HCM, nhưng có một tổ chức phi Chính phủ, kiểm tra và nói, gà bị nhiễm vi khuẩn salmonella. Nhà bán lẻ nói với trang trại cung cấp là gà của họ bị nhiễm khuẩn salmonella.

Vì tiêu chuẩn GlobalGAP là tiêu chuẩn cho những sản phẩm tại trang trại, nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm chứng minh cho nhà bán lẻ thấy, gà của mình không bị như thế.

Lúc này, buộc doanh nghiệp phải trình ra các tài liệu, hồ sơ ghi chép được quản lý hàng ngày về các loại thuốc, hóa chất… đã sử dụng để chứng minh: “tại thời điểm gà của tôi rời khỏi trại nó không bị bệnh salmonella”.

Tiến sĩ Roland Karl Aumüller khuyên các học viên và doanh nghiệp Khánh Sơn, hãy đi từng bước, từng bước đến tiêu chuẩn GlobalGAP, và không thể vội vàng mà bỏ qua các bước được.

Trang trại muốn làm GlobalGAP trọng tâm cần chú ý những điểm gì?

 Với trang trại của Khánh Sơn, có 3 vấn đề lớn phải tập trung để có thể được chứng nhận GlobalGAP trong tương lai. Một là hệ thống tài liệu, hồ sơ, hai là đánh giá rủi ro, và ba là kế hoạch sức khỏe thú y. Còn những vấn đề khác dễ làm hơn.

Mặt khác, tiến sĩ Roland Karl Aumüller cũng khuyên doanh nghiệp, khi “đánh giá viên hỏi doanh nghiệp kiểm soát salmonella như nào, lập tức đưa hồ sơ báo cáo, như thế họ sẽ hài lòng”.

Chứ đừng nói theo kiểu “đợi tôi kêu người kiếm, hay lục tìm lung tung… thế là mất điểm”, tiến sĩ Roland Karl Aumüller nói.

Và những người chủ trang trại, hãy nghĩ rằng, mình làm chưa tốt, có như thế mới phấn đấu để làm tốt hơn được.

Khóa học GlobalGAP do Hội DN.HVNCLC hợp tác trực tiếp với tổ chức FoodPlus GmbH thực hiện cho doanh nghiệp VN trong 2 lĩnh vực, trồng trọt (rau màu, trái cây) và chăn nuôi (gia cầm và lợn).

Giảng viên của khóa học này là Dr. Roland. Aumüller. Ông là chủ sở hữu và Giám đốc điều hành của Dr. Aumüller Consultancy, ông là người: Có trình độ học vấn và kinh nghiệm thú ý trong quản lý sức khoẻ vật nuôi, nông nghiệp và chăn nuôi; Quản lý tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng vật nuôi; Giảng viên cho kiếm toán viên, kiểm soát viên và các nhà sản xuất trên phạm vi toàn cầu; Kiến thức sâu rộng về ngành chăn nuôi; Kiến thức sâu rộng về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm…

Và ông Isidor ByeongDeok Yu. Là người có nhiều kinh nghiệm về chứng nhận hữu cơ và bền vững đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến trong và ngoài Hàn quốc từ năm 2001. Là Giám đốc điều hành viện nghiên cứu bền vững Isor, đồng thời là chủ tịch Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương và là Giảng viên chủ chốt của IOIA

Khoá học diễn ra từ 4/9/2017 đến 7/9/2017, tại TP.HCM với sự tham gia của 25 học viên.


Có thể bạn quan tâm

cay-trong-bien-doi-gene-than-trong-la-can-thiet Cây trồng biến đổi gene:… nhung-lop-hoc-ffs-va-ipm-thanh-cong Những lớp học FFS và…