Thống kê nông sản Thị trường chanh thế giới năm 2020/21: Dự báo sản lượng giảm, tiêu thụ tăng

Thị trường chanh thế giới năm 2020/21: Dự báo sản lượng giảm, tiêu thụ tăng

Tác giả Phạm Hòa, ngày đăng 11/03/2021

Chanh là loại trái cây phổ biến trên toàn cầu. Trên thế giới,70% tiêu thụ dưới dạng chanh tươi, ăn sống; khoảng 30% chế biến; 18% lượng chanh tươi tiêu thụ bởi các quốc gia nhập khẩu chanh ròng; 82% các nước tự sản xuất (tự cung cấp cho nhu cầu nội địa). Thị trường chanh thế giới năm 2020/21 dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động bởi dịch Covid-19.

Từ đầu năm 2020, dịch Covid – 19 đã tác động không nhỏ đến thị trường chanh toàn cầu.

Năm 2020, nhu cầu quả có múi nói chung và chanh nói riêng tăng mạnh ở khắp nơi trên thế giới do khủng hoảng dịch Covid-19. Mọi người có nhu cầu tăng cường sử dụng các loại quả có múi để tăng sức đề kháng.

Ở châu Âu: Nga và Canada nhập khẩu một lượng rất lớn chanh tươi chiếm 70% trong tổng lượng nhập khẩu.

Ở châu Á: Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Saudi Arabia, Israel nhập gần 1/3 lượng chanh tươi. Ngoài ra còn có các quốc gia khác nhập chanh tươi như: Nhật Bản, Hong Kong, Ucraine, Singapore.

Nhu cầu tăng trong khi việc vận chuyển gặp khó khăn gây hạn hẹp nguồn cung đẩy giá chanh tăng ở nhiều thị trường trong những tháng qua. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh, nhiều nước áp dụng chính sách giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán bar, khách sạn phải đóng cửa khiến tiêu thụ chanh trong lĩnh vực này sụt giảm nghiêm trọng. Bù lại, tiêu thụ ở các gia đình tăng lên.

Theo USDA, sản lượng chanh toàn cầu năm marketing 2019/20 giảm 975.000 tấn so với năm trước, xuống 7,6 triệu tấn, do sản lượng giảm ở Argentina, Liên minh Châu Âu, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Do nguồn cung giảm, tiêu thụ cả chanh tươi, chế biến chanh và xuất khẩu đều giảm theo. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ giảm được bù lại bởi xuất khẩu từ Nam Phi cao kỷ lục.

Mexico

USDA dự báo sản lượng chanh Mexico năm 2020/21 sẽ tăng 6% lên 2,9 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi. Tiêu thụ và xuất khẩu cũng sẽ tăng do nguồn cung lớn hơn.

Khu vực trồng chanh xanh chính của Mexico là Veracruz. Năm 2020, thời tiết ở Veracruz bất thường ảnh hưởng đến việc thu hoạch, làm cho việc thu hoạch bị chậm lại khoảng 2-3 tuần. Do đó, trên thị trường thiếu chanh mới thu hoạch, và chanh dự trữ không đủ lấp đầy khoảng trống thiếu hụt đó.

Liên minh Châu Âu

Sản lượng chanh của Liên minh châu Âu năm 2020/21 dự báo sẽ tăng 11% lên 1,6 triệu tấn do thời tiết thuận lợi và diện tích thu hoạch tăng. Tiêu dùng và xuất khẩu cũng tăng nhờ nguồn cung cao hơn, trong khi nhập khẩu dự kiến sẽ giảm.

Thị trường chanh Hà Lan năm 2020 thiếu cung do dịch bệnh ảnh hưởng đến việc nhập khẩu từ một số thị trường như Brazil, nhất là những tháng đầu năm. Những tháng cuối năm, thị trường dần hồi phục, nhập khẩu từ Nam Phi về cuối năm cũng tăng, tuy nhiên giá chanh tại Hà Lan năm qua luôn ở mức cao.

Thị trường Đức chủ yếu tiêu thụ chanh xanh của Mexico và Brazil và chanh vàng của Tây Ban Nha và Argentina.

Thông thường, doanh số bán chanh ở Đức tăng rất mạnh trong những tháng Hè, nhưng năm 2020 tình hình hoàn toàn khác. Nhu cầu chanh mùa Hè năm qua giảm mạnh so với các Hè trước do Covid-19. Các nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa trong thời gian dài. Sang năm 2021, tình hình không khả quan hơn mấy. Những khách hàng tiêu thụ chanh chính – các quán bar, coktail… - đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn. Tiêu thụ chanh của các gia đình tăng nhưng không đủ bù đắp mức giảm tiêu thụ ở các nhà hàng. Giá chanh ở Đức năm 2020 nhìn chung cao.

Nhu cầu chanh ở Pháp năm 2020 tăng cao do dịch Covid-19, khiến người Pháp tăng cường sử dụng những sản phẩm được cho là có lợi cho sức khỏe, nhất là tăng sức đề kháng, để phòng chống Covid-19. Pháp nhập khẩu chanh Tây Ban Nha vào đầu mùa tiêu thụ sau đó, khi Tây Ban Nha kết thúc vụ thu hoạch, Pháp chuyển sang tiêu thụ chanh Nam Phi và Argentina.

Giá chanh trên thị trường Italy năm 2020cũng biến động mạnh, đầu tháng 7 ở mức 2 euro/kg, sau đó giảm xuống chỉ 1 euro vào cuối tháng 7, nhưng tăng lên 3-4 Euro/kg vào tháng 8/2020. Italy nhập khẩu nhiều chanh Nam Mỹ và nhập khẩu một phần từ Hà Lan. Ngoài ra, Italy cũng tự sản xuất chanh, chủ yếu ở vùng Sicily. Tuy nhiên, sản lượng chanh nội địa năm qua thấp nhất 15 năm do điều kiện thời tiết vụ trước không thuận lợi, trong khi nhu cầu đối với loại chanh này đang tăng lên, một phần do lượng nhập khẩu từ Tây Ban Nha giảm.

Tại Tây Ban Nha, nhu cầu chanh năm 2020 cũng tăng. Nước này tự sản xuất được phần lớn chanh tiêu thụ, song sản lượng năm 2020 giảm khoảng 35% so với năm trước. Ngoài ra, Tây Ban Nha nhập khẩu chanh từ Argentina và Nam Phi.

Argentina

Sản lượng chanh Argentina năm 2020/21 dự báo sẽ giảm mạnh 30% xuống còn 1,0 triệu tấn do thời tiết không thuận lợi. Tiêu thụ chanh, cả trong chế biến và xuất khẩu, đều giảm do nguồn cung ít. Liên minh Châu Âu dự báo vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của chanh Argentina, chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu.

Argentina bắt đầu vụ thu hoạch chanh vào tháng 3. Sản lượng năm 2020 cũng giảm nhẹ so với năm trước đó, chỉ đạt 1,5 – 1,8 8 triệu tấn, phần lớn dùng sản xuất nước chanh cô đặc và dầu chanh. Mặc dù sản lượng giảm song xuất khẩu vẫn tăng, đạt khoảng 300.000 tấn.

Về thị trường xuất khẩu, chanh đầu mùa của Argentina được xuất khẩu sang Nga, Ukraina và Canada. Tiếp sau đó, tháng 4 chanh được xuất khẩu sang Mỹ, tháng 5 sang Châu Âu – là những thị trường xuất khẩu chủ chốt của nước này. Sau nhiều nỗ lực, thị trường Mỹ đã mở cửa trở lại cho chanh Argentina kể từ năm 2018.

Thổ Nhĩ Kỳ

Sản lượng chanh của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2020/21 dự báo sẽ tăng 5% lên 1,0 triệu tấn do thời tiết thuận lợi. Tiêu thụ dự báo giảm nhẹ và xuất khẩu dự báo tăng nhờ sản lượng tăng.

Năm 2020, xuất khẩu chanh từ Thổ Nhĩ Kỳ muộn hơn mọi năm do dịch Covid-19. Chanh ở Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu được sử dụng trong ngành sản xuất nước hoa, được dùng như chất khử trùng (tương tự cồn). Chanh cũng được dùng tươi để bổ sung vitamin C nhằm tăng sức đề kháng. Nhu cầu chanh trên thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh trong những tháng qua. Giá chanh năm qua đã tăng mạnh kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Do đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng xuất khẩu chanh để ưu tiên cho thị trường nội địa. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải đăng ký. Nước này cũng hạn chế xuất khẩu tinh chất etylic, nước hoa, chất khử trùng, hydrogen peroxide, thiết bị y tế như máy thở và quần áo bảo hộ…

Mỹ

Sản lượng chanh Mỹ năm 2020/21 dự báo giảm 6% xuống còn 940.000 tấn do sản lượng của California giảm. Trong khi đó, tiêu thụ dự báo sẽ tăng, nên Mỹ sẽ phải tăng cường nhập khẩu chanh.

Mỹ nhập khẩu chanh từ rất nhiều nguồn: Mexico, Colombia, Peru, Guatemala (chanh xanh) và Chile, Argentina và cả Mexico (chanh vàng). Mexico là thị trường cung cấp nhiều chanh nhất cho Mỹ. Theo đó, nhập khẩu chanh từ Mexico nhiều nhất vào khoảng tháng 5-6, kéo dài đến tháng 9.

Trong nước, Bang California góp 99% sản lượng chanh của Mỹ. Bang này cũng là nơi cung cấp nhiều chanh nhất cho thị trường nội địa, chiếm 86% thị trường. Thị phần còn lại do các nước Mexico, Chile và Argentina cung cấp. California thu hoạch chanh quanh năm.

Nam Phi

Sản lượng chanh Nam Phi niên vụ 2020/21 dự báo tăng 2% lên mức kỷ lục 670.000 tấn do thời tiết thuận lợi và diện tích trồng chanh tăng. Nguồn cung được cải thiện dự kiến sẽ dẫn đến mức tiêu thụ kỷ lục năm thứ bảy liên tiếp và xuất khẩu kỷ lục năm thứ năm liên tiếp.

Năm 2020, xuất khẩu chanh Nam Phi ước đạt 27,1 triệu thùng (1 hộp = 15 kg), tăng 5 triệu thùng so với năm trước đó, cũng bởi việc mở rộng diện tích trồng chanh, kéo theo sản lượng tăng. Mặc dù việc mở rộng diện tích mới đã chậm lại, song hiện 43% tổng diện tích chanh ở Nam Phi có tuổi cây dưới 4 năm.

Chanh Nam Phi phần lớn xuất khẩu sang Trung Đông, nơi cần chanh vụ sớm. Sau nhiều năm xuất khẩu mạnh sang Nga, nhu cầu từ Nga năm nay giảm. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ này mấy năm nay gặp khó khăn do giá dầu giảm, ảnh hưởng đến nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có chanh. Xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á cũng khó khăn do việc vận chuyển bị chậm đáng kể bởi dịch Covid-19.

Trung Quốc

Giá chanh Trung Quốc năm 2020/21 tăng so với năm trước do sản lượng sụt giảm. Sản lượng chanh của Trùng Khánh giảm khoảng 30%, khiến giá chanh tại Trung Quốc năm nay cũng tăng khoảng 30 – 35%. Trung Quốc trồng chanh chủ yếu ở các vùng Trùng Khánh và Tứ Xuyên.

Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây khó khăn cho việc nhập khẩu trái cây vào Trung Quốc, trong đó có chanh. Dịch bệnh cũng làm tăng chi phí vận chuyển, đẩy giá chanh cả nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng theo.

Việt Nam

Giá chanh tại Việt Nam trong niên vụ 2020/21 có nhiều biến động. Cuối năm 2020, giá chanh thu mua tại vườn chỉ khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, lụt bão nên các thị trường tiêu thụ chanh kém.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021, giá chanh tăng nhanh. Đến tháng 2/2021, giá chanh bán lẻ khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Tình trạng giá chanh bấp bênh đã xảy ra từ nhiều năm nay. Năm 2015/16, giá chanh xanh đạt khoảng 20 - 25 nghìn đồng, có thời điểm 30 nghìn đồng/kg. Riêng đối với chanh đào được cho là có tác dụng làm gia vị và làm thuốc giá lên đến 50 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá chanh lên cao kéo theo cơn sốt trồng chanh khắp các địa phương. Đến năm 2017, giá chanh bắt đầu giảm xuống chỉ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Giá chanh quá thấp dẫn đến thu không bù chi, nhiều nhà vườn trồng chanh đã bỏ hoang, thậm chí là chặt chuyển đổi sang cây trồng khác. Nhưng chỉ sau một năm, đầu năm 2018, giá chanh lại tăng lên 25 - 30 nghìn đồng/kg, kéo theo cơn sốt trồng chanh. Tuy nhiên, cũng chỉ chưa đầy 1 năm sau, từ tháng 5 đến cuối năm 2020, giá quả chanh tươi lại giảm xuống còn 10 nghìn đồng/kg, có thời điểm xuống còn có 5.000 – 7.000 đồng/kg chanh loại A, loại B chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Mặc dù giá chanh bấp bênh nhưng đây vẫn là một loại trái cây có tiềm năng về xuất khẩu, nhất là chanh không hạt.


Có thể bạn quan tâm

thi-truong-lua-gao-ngay-9-3-gia-lua-giam Thị trường lúa gạo ngày… xuat-khau-ca-phe-thang-1-2021-tang-ca-luong-va-tri-gia Xuất khẩu cà phê tháng…