Tin nông nghiệp Thiếu chính sách cho sản xuất vụ đông

Thiếu chính sách cho sản xuất vụ đông

Tác giả Trần Quang, ngày đăng 14/09/2016

Tiềm năng lớn

Theo ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó có nội dung tái cơ cấu sản xuất vụ đông 2015, hầu hết các địa phương đều xác định vụ đông là vụ chính và là vụ sản xuất hàng hóa, với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao...

Do đó, các địa phương đã chủ động xây dựng và triển khai sớm đề án sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông, kèm theo đó là các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy vụ đông phát triển.

Theo kế hoạch sản xuất mà Cục Trồng trọt báo cáo, việc bố trí thời vụ gieo trồng đối với nhóm cây trồng ưa ấm, trong đó có cây ngô kết thúc trước 10.10.

Đối với trà lúa sớm gieo trước 20.9, trên các chân đất chuyên màu (bãi ven sông, cát ven biển…), đất 2 lúa (vụ hè thu và mùa sớm); trà trung gieo trồng trước 30.9 trên đất 2 lúa (mùa sớm và mùa trung); trà muộn gieo trước 5.10 trên đất 2 lúa (mùa trung) tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc.

 

Ông Định cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, sản xuất vụ đông 2015 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi đã gây khó khăn rất lớn cho sản xuất.

Bên cạnh đó, quy mô đồng ruộng manh mún, việc áp dụng cơ giới hóa còn thấp.

Đặc biệt là đã nhiều năm qua, Trung ương vẫn chưa có chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông cụ thể… Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, kết quả sản xuất vụ đông đã thu được thành quả khả quan.

Ông Định cho biết thêm, diện tích vụ đông năm 2015 đạt trên 400.000ha (giảm 13.000ha so với vụ đông 2014).

Về cơ cấu vụ đông, gồm nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc) đạt 200.000ha, chiếm trên 49% cây vụ đông; nhóm cây ưa lạnh ( khoai tây, rau đậu…) đạt 209.000ha chiếm trên 50% tổng diện tích cây vụ đông.

“Sản lượng cây trồng vụ đông 2015 đạt gần 3.992 triệu tấn, giảm gần 200.000 tấn so với vụ đông 2014.

Giá trị thu nhập bình quân đạt trên dưới 50 triệu đồng/ha.

Tổng giá trị thu nhập của cây vụ đông 2015 toàn miền Bắc ước đạt trên 22.000 tỷ đồng”- ông Định khẳng định.

Nói về hiệu quả của sản xuất cây trồng vụ đông, ông Lê Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho biết: “Vĩnh Phúc rất coi trọng, coi vụ đông là vụ sản xuất chính, bởi hiệu quả vụ này mang lại rất cao.

Ví như vụ đông 2015 vừa qua, giá trị thu nhập toàn tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng, bằng vụ sản xuất lúa mùa”.

Tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn

Đồng tình với ý kiến của ông Dũng, ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho rằng: Bắc Giang là tỉnh đứng thứ 5 về diện tích cây trồng vụ đông với xấp xỉ trên dưới 25.000ha.

Vụ đông 2015 vừa qua tỉnh đã đạt được kết quả cao như tổng giá thị thu nhập đạt 1.600 tỷ đồng.

Cũng theo ông Phượng, cùng với việc hỗ trợ giá giống, giải pháp kỹ thuật giúp nông dân sản xuất, tỉnh còn phát động phong trào thi đua sản xuất đối với tất cả các huyện, và có phần thưởng xứng đáng cho huyện nào đạt thành tích cao.

“Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm vụ đông cho bà con, như hỗ trợ, cấp, thuê đất mặt bằng sản xuất, thu mua chế biến.

Hay chính sách thưởng các doanh nghiệp tham gia vào thu mua nhiều sản phẩm cho nông dân.

Bởi thế, hiện nay mỗi huyện có 7 – 8 doanh nghiệp đang tham gia thu mua sản phẩm cho bà con, nên nông dân rất vui, hăng hái sản xuất” – ông Phượng chia sẻ.

Tuy vậy, các đại biểu tham dự hội nghị cũng rất băn khoăn và trăn trở về những khó khăn, thách thức gây cản trở cho việc sản xuất vụ đông trở thành chính vụ trong năm.

Ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng: “Thái Bình là tỉnh có rất nhiều tiềm năng cho sản xuất vụ đông, cây gì nông dân cũng có thể trồng được và đạt năng suất, chất lượng cao, song việc quan trọng là làm ra tiêu thụ đi đâu, bán cho ai mới là điều đang lo ngại nhất hiện nay”.

“Rất mong Bộ NNPTNT cùng với các bộ, ngành trung ương cùng chung tay có chính sách hỗ trợ cụ thể để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia giúp nông dân, để bà con hào hứng sản xuất mới có thể đưa vụ đông thực sự trở thành vụ chính như mong muốn” – ông Xuyên kiến nghị

Cùng quan điểm, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: “Muốn đạt hiệu quả cao trong sản xuất vụ đông, thay vì chỉ có riêng Bộ NNPTNT vào cuộc mà cần phải có sự chung tay, góp sức của nhiều cơ quan, bộ ngành.

Đặc biệt, Nhà nước phải có chính sách quốc gia đối với cây trồng vụ đông, nhất là việc phát triển sản xuất vụ đông nên theo giá trị thu nhập chứ không nên chạy theo diện tích”- ông Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Long, việc mấu chốt nữa là phải có chích sách kêu gọi, đưa doanh nghiệp vào tiêu thụ, chế biến sản phẩm cho nông dân thì việc sản xuất mới thành công được.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Vụ đông 2016 này được dự báo là sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ về thời tiết, thiên tai diễn biến thất thường khiến sâu bệnh phát triển phức tạp mà nỗi lo về nguồn lao động chất lượng cũng như việc tiêu thụ sản phẩm cũng sẽ gặp khó.

Bởi thế, tôi đề nghị các địa phương cần triển khai quyết liệt, cùng với việc hỗ trợ sản xuất đầu vào, đầu ra cho nông dân.

Các tỉnh còn phải học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng phát triển, đặc biệt là Bắc Giang đang có chính sách thu hút doanh nghiệp rất hiệu quả và sáng tạo cần phải nhân rộng hơn”.

 


Có thể bạn quan tâm

ky-su-bo-pho-len-rung-lam-trang-trai-ca-giong-thu-tien-ty Kỹ sư bỏ phố lên… cam-sanh-ham-yen-len-doi-nho-phan-bon-lam-thao Cam sành Hàm Yên lên…