Mô hình kinh tế Thoát Nghèo Mà Vẫn... Âu Lo

Thoát Nghèo Mà Vẫn... Âu Lo

Ngày đăng 10/11/2014

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở Quảng Ngãi thoát nghèo là nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH). Tuy vậy, sau niềm vui thoát nghèo cuộc sống vẫn còn bấp bênh nên rất cần có một nguồn vốn ưu đãi tiếp theo để  họ phát triển kinh tế.

Nỗ lực thoát nghèo

Đến cuối tháng 9.2014, tổng nguồn vốn thực hiện của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt trên 2.279 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Trong đó, doanh số cho vay hơn 548 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 29.400 lượt hộ nghèo vay vốn. Tổng dư nợ đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm; nợ quá hạn giảm còn 0,4%.

Đầu tháng 11, mưa giăng khắp núi đồi. Bà Đinh Thị Nú ở xóm Đèo, thôn Làng Re, xã Sơn Giang (Sơn Hà) không phải vác rựa lên núi, làm thuê, chạy ăn từng bữa như bao mùa giáp hạt trước mà ở nhà lo chăm sóc đàn bò, đàn heo. Năm 2007, cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hà đã phối hợp với các hội đoàn thể, cho vay 10 triệu đồng và tư vấn cho gia đình bà Nú nên trồng cây gì, nuôi con gì để sinh lợi.

“Nhận 10 triệu đồng từ Nhà nước thấy lớn quá, sợ không biết làm gì để trả lại nợ nên nghe lời cán bộ mua cây giống trồng keo, mua con bò để nuôi”, bà Nú thật thà nói. Thế rồi, cây keo đâm chồi lên xanh phủ kín đất đồi. Con bê lớn dần thành bò sinh sản. Cuộc sống gia đình bà Nú theo đó cũng khá dần lên. Năm 2012, bà Nú đã thu hoạch lứa keo đầu tiên và bán được bò nghé nên đã trả hết nợ ngân hàng và thoát nghèo.

Đến năm 2013, bà Nú mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH theo diện hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để mở rộng chuồng trại, chăn nuôi bò, heo và trồng keo, trồng mì. Bây giờ, gia đình bà có 7 con bò, 6 con heo thịt nuôi nhốt, 6ha mì, keo đã đến kỳ thu hoạch. Tính ra, mỗi năm gia đình bà Nú  thu nhập được 60 - 70 triệu đồng.

Đôi vợ chồng trẻ Đinh Thị Nương, thôn Làng Ghè, xã Sơn Linh (Sơn Hà) thì đang sở hữu ngôi nhà trị giá gần 200 triệu đồng cũng nhờ làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH. Chị Nương kể: Hai vợ chồng đến với nhau đôi bên đều nghèo khổ. Gia tài cha mẹ cho chỉ vài nương mì, nương lúa rẫy, nên cũng rơi vào hộ nghèo. Thế là năm 2009, vợ chồng chị Nương đã mạnh dạn vay Ngân hàng CSXH huyện vay 15 triệu đồng theo diện hộ nghèo để đầu tư sản xuất.

Trên khoảng đất đồi rộng 4 ha, vợ chồng chị Nương phân ra nhiều khoảnh, nơi trồng mì, trồng mía, nơi trồng keo và mua thêm nghé thả nuôi. Sau một năm, mì, mía đến kỳ thu hoạch. Chị Nương lấy ngắn nuôi dài, rồi tiếp tục mở rộng diện tích trồng keo.  Đến năm 2013, thì gia đình thoát nghèo và trả hết nợ ngân hàng.

Mong vốn ưu đãi tiếp tục trợ lực

Ngày 23.2.2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 15, cho vay đối với hộ cận nghèo (vừa thoát nghèo). Theo đó, hộ cận nghèo được vay vốn sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ, với lãi suất 0,845%/tháng (bằng 130% lãi suất cho hộ nghèo vay). 

Tuy nhiên, sau gần hai năm Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai thực hiện quyết định trên, nhiều hộ vừa mới thoát nghèo này đều cho rằng lãi suất quá cao. Bởi, ngoài việc lo ngại giá nông sản, vật nuôi xuống thấp, hộ vừa thoát nghèo còn lo ngại là sau khi trả một phần nợ ngân hàng thì vốn chẳng còn nhiều để tái đầu tư cho sản xuất hoặc chi dùng lại gặp khó khăn. Nếu họ vay theo lãi suất 0,845%/tháng thì chưa biết làm ăn có hiệu quả không nên ai cũng phân vân.

Thực tế cho thấy, những hộ vừa mới thoát nghèo, cuộc sống không mấy khá giả, nhưng nhiều chính sách ưu đãi bị cắt. Riêng đối với các hộ thoát nghèo ở các huyện miền núi thì được Ngân hàng CSXH cho vay theo diện hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn nhưng lãi suất quá cao so với mặt bằng chung hiện nay. Vì vậy, rất ít hộ tiếp cận nguồn vốn này. Nếu như họ gặp những bất trắc trong cuộc sống thì rất dễ rơi vào cảnh tái nghèo trở lại. 

Ông Trần Duy Cường – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Ngãi thừa nhận: “Tuy tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Ngãi giảm đáng kể, nhưng vẫn chưa bền vững. Hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, còn hộ cận nghèo tuy vẫn được hưởng các chính sách ưu đãi nhưng mức độ hưởng thấp hơn nên khả năng tái nghèo của những hộ này khá cao”.

Từ  tâm tư, nguyện vọng của bà con, muốn giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững có lẽ Ngân hàng CSXH nên đề xuất lên Trung ương tiếp tục bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay lãi suất thấp để tiếp tục trợ lực cho hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững.


Có thể bạn quan tâm

gieo-trong-cay-mau-vu-dong-vuot-7-ke-hoach Gieo Trồng Cây Màu Vụ… co-che-chinh-sach-con-venh Cơ Chế, Chính Sách Còn…