Mô hình kinh tế Thoát Nghèo Nhờ Cây Sắn

Thoát Nghèo Nhờ Cây Sắn

Ngày đăng 20/08/2013

Nằm trong vùng "sừng hươu" của hồ Dầu Tiếng, xã Suối Dây (Tân Châu, Tây Ninh) từ lâu đã được coi là xã nghèo vì đường sá xa xôi, cách trở. Thế nhưng vài năm trở lại đây, nhờ cây sắn, đời sống cộng đồng người Chăm ở đây đã trở nên khấm khá hơn rất nhiều.

Biết trồng sắn để bán

Từ cầu Tha La bắc qua thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, chúng tôi chạy gần 20 cây số để vào xóm người Chăm. Dọc hai bên đường, ngoài những tán rừng cao su bạt ngàn, là rất nhiều những ruộng sắn (mì) đang thu hoạch. Tiếng cười rộn ràng khắp một vùng quê yên bình. Ghé vào một ruộng sắn ven đường, gặp gia đình chị Hasi Mach, người Chăm đang cặm cụi nhổ sắn.

Chị Mach cho biết: “Cách đây 3 năm, chúng tôi được hướng dẫn và đầu tư tiền giống để trồng sắn. Từ đó, sau 2 vụ đầu còn khá bỡ ngỡ thì nay kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc cây sắn, tôi đều nắm rõ. Nhưng không chỉ riêng gia đình mình đâu mà hầu như tất cả các gia đình người Chăm ở đây đều trồng sắn.

Nhà nhiều thì 1 - 2 công (ha) còn ít thì nửa công. Giá sắn hiện nay khá cao cũng đem lại niềm vui lớn cho mọi người. Mỗi ha mì trừ chi phí, bà con lãi khoảng 6 - 7 triệu đồng chứ không ít”. Đây thực sự là niềm vui của đồng bào giữa vùng quê nghèo heo hút nơi biên giới này.

Bà con ở đây cho biết, cách đây chừng mấy năm, cuộc sống của bà con nơi đây hầu hết vẫn rất khó khăn, chủ yếu sống dựa vào nguồn lợi có sẵn từ rừng và nguồn hải sản có sẵn trong lòng hồ Dầu Tiếng. Thấy vậy, các cán bộ nông nghiệp xã đã hướng dẫn bà con ở đây trồng sắn.

Đó là giống sắn lai (khác với giống sắn để ăn) được dùng trong các ngành sản xuất thức ăn gia súc, bánh kẹo, chiết xuất làm năng lượng sạch… đã giúp cuộc sống mọi người thay đổi nhanh chóng. Anh Maril bảo: “Ban đầu cán bộ chỉ bảo rất tận tình, còn bây giờ, bà con mình đều thông thạo hết cả. Hơn nữa, người của nhà máy đưa xe xuống tận ruộng nên mọi người chỉ việc nhổ xong là có tiền luôn”.

Không còn đất hoang

Nhờ các vụ sắn đều đặn cho năng suất cao mà mấy năm qua, gia đình chị Mach đã có tiền xây lại căn nhà mới với mái tôn, tường gỗ chắc chắn, mua 1 con bò và cho con cái đi học như các học sinh khác trong xã. Đó thực sự là niềm vui không chỉ cơm áo mà còn cả về mặt tinh thần, khiến gia đình nhỏ ấy không lúc nào ngớt tiếng cười nói.

Mỗi năm 2 vụ, sắn hầu như được trồng ở tất cả các khu ruộng, rẫy của người Chăm, đã đem lại lợi nhuận đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Hồ - cán bộ nông nghiệp xã Suối Dây chia sẻ:

Hiện nay, cả xã có khoảng hơn 600ha sắn, chủ yếu là của các nhà máy hay những nông dân trồng liên kết với nhà máy. Diện tích sắn của đồng bào dân tộc Chăm chỉ vào khoảng gần 80ha nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn trong đời sống kinh tế của các hộ gia đình người Chăm, vì nó gần như là sinh kế duy nhất của đồng bào.

Hơn nữa, những năm trước đây, đa phần đồng bào còn có ý nghĩ ỷ lại, trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước nên cuộc sống sinh hoạt rất thiếu thốn. Hiện nay, nhiều gia đình đã tự ý thức phải lao động nên hầu như đất hoang trong xã không còn nữa, thay vào đó là những ruộng sắn xanh tốt.

Thú thực, nhìn hàng chục người dân đang cặm cụi nhổ sắn, sắp xếp rồi đưa lên xe giữa cái nắng dịu nhẹ và những cơn gió mát từ lòng hồ, chúng tôi không khỏi mừng thầm vì cuộc sống của đồng bào đã đổi thay rất nhiều.


Có thể bạn quan tâm

nguoi-tien-phong-cua-ban Người “Tiên Phong” Của Bản hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-nhan-idor Hiệu Quả Từ Mô Hình…