Mô hình kinh tế Thoát Nghèo Nhờ Cây Tiêu

Thoát Nghèo Nhờ Cây Tiêu

Ngày đăng 22/11/2014

Nằm ở phía tây nam của huyện Lệ Thuỷ, xã Thái Thuỷ có diện tích đất tự nhiên 5.800ha, trong đó có 3.780 ha diện tích đất rừng, chiếm 2/3 diện tích toàn xã. Là xã nông nghiệp, nhưng điều kiện sản xuất không thuận lợi, nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Thái Thủy đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng tiêu, mang lại thu nhập tương đối cao...

Điển hình trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây tiêu vào trồng trọt ở xã Thái Thủy có gia đình anh Ngô Xuân Quang, ở thôn Bắc Thái. Nhờ loại cây trồng này, gia đình anh không những đã thoát được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu. Gia đình anh Quang hiện có 4 ha đất đồi, ban đầu anh tập trung vốn liếng trồng các cây ngắn ngày như nén, gừng, khoai lang..., tuy nhiên lợi nhuận thu về không được bao nhiêu.

Nhận thấy cây tiêu phù hợp với đặc thù của địa phương, anh Quang đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư trồng. Những năm đầu, gia đình anh cũng gặp rất nhiều khó khăn do năng suất đạt thấp, nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của các hộ dân khác, cũng như hướng dẫn của Hội Nông dân xã để áp dụng vào sản xuất, nên năng suất dần được nâng lên, thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình ngày càng được cải thiện.

Đến nay, gia đình anh Quang đã có gần 1.000 gốc tiêu, trong đó có 600 gốc tiêu đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 3 tạ/ha. Với giá tiêu hiện nay là 170.000 - 190.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, bình quân mỗi năm gia đình anh lãi từ 300 - 350 triệu đồng. Được biết, ngoài thu hoạch tiêu hạt, anh Quang còn ươm bán cây giống, cung cấp cho các hộ dân trồng tiêu trong vùng. Với giá bán hiện nay là từ 15.000 - 20.000 đồng/cây, hàng năm đã mang lại cho gia đình anh thêm một khoản thu nhập không nhỏ.

Anh Quang chia sẻ kinh nghiệm, để trồng tiêu đạt hiệu quả cao, việc chọn giống tốt có ảnh hưởng rất lớn. Bởi có giống cây tốt mới có năng suất, sản lượng cao và giúp cây tiêu đề kháng với các loại dịch bệnh. Giống tốt phải là những dây tiêu đã già, cứng cáp, có nhiều mắt rễ bám, để khi trồng xuống cây giống phát triển tốt.

Ông Lê Thuận Diệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Thuỷ cho biết, hiện nay giá tiêu đang ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy xã đang khuyến khích các hộ nông dân chủ động mở rộng diện tích trồng tiêu. Xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn về chăm sóc cây tiêu, để giúp nông dân nắm vững kỹ thuật và cách phòng trừ sâu bệnh cho tiêu.

Tiêu là một loại cây dễ chăm sóc, phù hợp với vùng đất gò đồi, vì vậy tiêu đang là một loại cây chủ lực mà xã Thái Thuỷ định hướng cho bà con nhân rộng mô hình trong kế hoạch phát triển kinh tế vùng gò đồi. Nếu như trước đây, diện tích trồng tiêu của xã chỉ nằm rải rác không đáng kể ở một vài hộ gia đình, thì hiện nay lên đến 25 ha, trong đó có 12 ha cho cho thu hoạch. Bởi hiệu quả mang lại khá cao, cây tiêu trở thành một loại cây trồng chủ lực trong chương trình kinh tế trọng điểm của xã.

Tuy nhiên, để cây tiêu thực sự trở thành cây xoá đói, giảm nghèo cho người dân thì cấp uỷ, chính quyền xã cần có những chính sách, giải pháp phù hợp để quy hoạch lại diện tích trồng tiêu. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền vận động người dân thực hiện đa canh, tức là trong một gia đình nên trồng nhiều loại cây khác nhau, để khi một loại cây nào đó rớt giá thì người dân vẫn có nguồn thu nhập từ những cây trồng còn lại.

Nguồn bài viết: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/201411/thoat-ngheo-nho-cay-tieu-2120389/


Có thể bạn quan tâm

chon-giong-dung-thu-hoach-cao Chọn Giống Đúng, Thu Hoạch… gia-mia-lien-tuc-giam-nong-dan-lo-lang Giá Mía Liên Tục Giảm,…