Mô hình kinh tế Thoát nghèo nhờ nấm rơm

Thoát nghèo nhờ nấm rơm

Tác giả Dũ Tuấn, ngày đăng 30/12/2015

Ông Lê Viết Bảy (thôn Châu Lâm) với 5 năm kinh nghiệm trồng nấm rơm, cho biết: “4 trại nấm rơm của tôi mỗi tháng tiêu thụ 2 tấn rơm khô, xuất bán được khoảng 1 tạ nấm.

Trồng nấm rơm chi phí ít, nếu cẩn thận và chăm sóc tốt thì dễ sinh lời.

Nhiều người ở đây thoát nghèo nhờ vào cây trồng này”.

Năm 2010, UBND xã Bình Trị mở lớp dạy trồng nấm rơm cho bà con nông dân tại địa phương.

Tận dụng được nguyên liệu có sẵn, nhiều bà con đầu tư để xây dựng trại nấm.

Riêng tổ 17 và 18 (thôn Châu Lâm) có khoảng 140 hộ dân nhưng có đến hơn nửa số hộ là trồng nấm rơm để phát triển kinh tế gia đình.

Bà Mai Thị Xuân (40 tuổi) chia sẻ: “Mỗi tháng, trừ chi phí, gia đình tôi lãi 10 triệu đồng từ nấm.

Trước đây, tôi và bà con đều trồng nấm dưới đất năng suất rất thấp, từ khi học hỏi mô hình trồng nấm nhiều tầng, đảm bảo được vệ sinh, nhiệt độ nên lượng nấm sản xuất đạt hơn”.

Bà Xuân cho biết rơm ở ngoài đồng đem về chặt thành những khúc nhỏ (khoảng 10-20cm) cho vào bể chứa nước vôi để ngâm rồi đem ủ trong vòng 8 ngày.

Sau đó đem rơm đã ủ ra chờ ráo nước rồi cho vào bịch nylon (kích cỡ 15x20cm), rồi cấy meo vào bịch.

Đem bịch nấm đã cấy meo vào nhà chuyên dụng treo lên giàn rồi chờ thu hoạch.

Kể từ ngày cấy men đến 1 tháng sau thì nấm bắt đầu cho thu hoạch và có thể thu hoạch liên tiếp trong 3 tháng liền.

Trong thời gian ấy, cần thường xuyên theo dõi nấm để có biện pháp tăng hay giảm độ ẩm nhằm chống hiện tượng thối thân nấm.

Điều bà con đang lo là giá cả nấm rơm bấp bênh, thường thì 1kg nấm dao động từ 40.000 - 120.000 đồng, tùy mùa vụ.

Vào các ngày rằm, mùng 1 (âm lịch) giá cả cao hơn.

“Chúng tôi trồng theo hộ gia đình nên chủ yếu là bán nhỏ lẻ cho các chợ.

Tuy nhiên giá cả không ổn định, thường bị ép giá.

Có khi được mùa nhưng lại mất giá, nhiều bà con chịu thiệt vì công sức bỏ ra” - ông Lê Viết Bảy bày tỏ.

Để có nguyên liệu sản xuất nhiều hộ trồng nấm rơm phải tốn công và chi phí để thu mua rơm các nơi vì nguồn rơm tại địa phương không đủ.

Thế nhưng, lượng rơm phế phẩm sau khi sử dụng để trồng nấm lại không dùng tới, gây ra lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Ông Trương Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trị, cho biết: “Sắp tới địa phương sẽ xúc tiến việc mở lớp tập huấn về phân vi sinh để tận dụng rơm phế thải từ nghề trồng nấm.

Phương pháp này vừa tránh ô nhiễm môi trường từ nguồn phế thải lại tạo được nguồn phân bón phục vụ việc canh tác nông nghiệp của bà con”.


Có thể bạn quan tâm

lam-giau-tu-mo-hinh-kinh-te-ket-hop Làm giàu từ mô hình… xay-nha-tien-ty-tu-2-trieu-dong Xây nhà tiền tỷ từ…